Chữa lành nỗi đau hậu chia tay
Thay vì chìm trong đau buồn khi chia tay, bạn cần xốc lại tinh thần để bắt đầu cuộc sống mới của mình. Những cách sau đây sẽ giúp bạn chữa lành bản thân và sớm vượt qua cảm xúc hỗn độn trong lòng.
Cho phép bản thân được buồn
Nhẹ nhõm, hụt hẫng, tổn thương, bi lụy… tất cả đều là những phản ứng hoàn toàn bình thường khi kết thúc một mối quan hệ. Khi bạn trốn tránh bằng cách phớt lờ nỗi đau, ép bản thân phải vui vẻ, vết thương lòng trong bạn không những không được giải quyết mà một lúc nào đó nó sẽ quay trở lại tấn công bạn một cách mãnh liệt hơn.
Vì vậy, hãy học cách chấp nhận và đối diện với sự đổ vỡ. Việc cho phép bản thân trải nghiệm cảm xúc của mình mà không phán xét cũng là một phần quan trọng trong quá trình chữa lành.
Bạn cũng đừng quên nhắc nhở bản thân rằng những cảm xúc này sẽ không kéo dài mãi mãi. Có đi qua khổ đau, chúng ta mới hiểu được giá trị của hạnh phúc.
Đừng làm bạn với "người cũ"
Khi những vết thương lòng chưa lành, việc làm bạn với người ấy sẽ chỉ khiến nỗi đau kéo dài. Hơn nữa, việc cố gắng giữ kết nối với "người cũ" cũng có thể xuất phát từ hy vọng một ngày nào đó cả hai có thể quay lại với nhau.
Vì vậy, để bản thân không rơi vào mối quan hệ mập mờ với nhiều suy tưởng viển vông, bạn hãy tạm thời ngắt kết nối và tạm thời ngừng theo dõi người ấy trên các nền tảng mạng xã hội. Không nhất thiết phải xem nhau như người dưng hay kẻ thù nhưng hãy làm bạn khi cả hai đã chữa lành những vết thương từ quá khứ.
Ngoài ra, việc đặt ranh giới cho cả hai cũng sẽ tạo cho bạn một khoảng không riêng để chữa lành, tập trung vào bản thân và tiếp tục hành trình cuộc đời mình.
Tập trung vào sở thích, thú vui của bản thân
Nếu chưa biết yêu đúng cách, chúng ta dễ có xu hướng bỏ quên hoặc đánh mất chính mình. Khi đó, niềm vui, nỗi buồn, mọi cảm xúc của chúng ta đều đặt hết vào đối phương. Bạn có thể vì đối phương mà gạt bỏ những mong muốn, nhu cầu của bản thân để làm hài lòng nửa còn lại.
Vì vậy, bạn hãy xem việc chia tay là cơ hội để suy ngẫm, tập trung vào những sở thích, thú vui mà bản thân đã không có cơ hội thực hiện trong mối quan hệ trước đó.
Bạn có thể dành thời gian thưởng thức lại những món ăn, thức uống đã lâu chưa thử, đọc sách, theo đuổi phong cách mà mình yêu thích, khám phá những vùng đất mới hoặc lên kế hoạch gặp gỡ bạn bè.
Đừng vội lao vào mối quan hệ mới
Đừng vội tìm kiếm một mối quan hệ mới chỉ vì bạn sợ cô đơn hoặc muốn quên đi người cũ. Hãy học cách trân trọng và yêu thương bản thân trước khi trao tình thương cho một ai đó. Vì không ai có thể hiểu và chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn ngoài bản thân bạn.
Hãy tập trung trau dồi, phát triển bản thân cả về hình thức lẫn tri thức, từ đó tần số năng lượng của bạn sẽ được nâng cao, giúp bạn thu hút những mối quan hệ lành mạnh và tích cực vào cuộc sống. Hãy yêu khi trái tim và tâm hồn bạn đã hoàn toàn bình lặng.
Tha thứ
Bạn sẽ cảm thấy bình yên và hạnh phúc hơn nếu có thể buông bỏ những cay đắng, oán hờn trong quá khứ. Khi mọi giông bão đi qua, bạn sẽ trân trọng hơn những gì đang hiện hữu và biết ơn cả những gì đã xảy ra.
Nếu không có những thăng trầm, chúng ta sẽ không hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống. Cũng nhờ những vấp ngã, tổn thương, chúng ta mới có được một phiên bản hoàn thiện hơn.
Giữ cho bản thân bận rộn
Nên cố gắng giữ cho bản thân bận rộn. Dành thời gian cho bạn bè, cộng đồng và chăm sóc bản thân là cách để bạn thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, nên thúc đẩy lượng endorphin của bạn bằng cách tập thể dục, nhất là các môn bạn chưa từng thử.
Thay đổi không gian sống
Sau khi chia tay, thay đổi không gian sống có thể giúp bạn ổn định lại tinh thần. Nếu bạn đang chung sống với người đó, tốt nhất là nên chuyển ra ngoài ngay khi có thể. Bạn cũng nên thay đổi bằng cách sơn lại nhà, thay khung ảnh chung của cả gia đình, thiết kế lại không gian sống... Càng giảm đi tiếp xúc với những ký ức về người cũ, bạn càng tăng khả năng chữa lành.