Chưa dứt tình cũ đã vội tái hôn

,
Chia sẻ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ ly hôn của tái hôn cao hơn so với những người mới kết hôn lần đầu. Một trong những nguyên nhân phổ biến là người ta vừa sống với người mới, lại vừa hoài niệm về người cũ.

Theo thống kê của nhà tâm lý học người Mĩ, Gaister thì ở quốc gia này, trong những năm gần đây, tỉ lệ ly hôn ở những cuộc hôn nhân lần thứ hai lại cao hơn lần thứ nhất. Kết quả này tưởng chừng như không đúng với thực tế vì khi người ta đã qua một cuộc hôn nhân, ít nhiều cũng phải có kinh nghiệm để xây dựng cuộc hôn nhân mới tốt đẹp hơn. Vậy lí do vì đâu?
 
Khi đi sâu nghiên cứu những trường hợp này , Gaister đã tìm ra nguyên nhân của sự thất bại những lần kết hôn sau: “Việc hoài niệm một mối tính đã qua thường là kẻ thù nguy hiểm đối với cuộc hôn nhân hiện tại”. Đó có thể là những vật kỉ niệm của người cũ, là đứa con riêng, hay bất kì một mối quan hệ nào có thể gợi nhớ đến người cũ của một trong hai người. Điều đó giải thích vì sao có người kết hôn đến lần thứ ba vẫn không thành công.

Cảm thương anh vì cảnh gà trống nuôi con, Minh – cô gái 29 tuổi quyết định lấy anh để hàn gắn vết thương lòng khi người vợ quá cố để lại và chăm sóc đứa trẻ thơ ngây, tội nghiệp. Một lần “vô tình” chị thấy trong điện thoại của anh có rất nhiều cuộc gọi đến cho một số máy có ghi tên Lan (tên người vợ đã mất của anh). Hỏi ra mới biết, đấy đúng là số điện thoại mà ngày xưa vợ cũ của chồng dùng. Mặc dù bây giờ số điện thoại ấy đã bỏ đi, nhưng dường như hàng ngày anh vẫn có thói quen gọi đến số máy thân thuộc ấy một cách vô thức để mong chờ một điều gì đó xa xăm. Vẫn biết là người thì đã mất, nhưng những hành động nhạy cảm ấy trong một cuộc hôn nhân nhạy cảm như thế này đôi khi gây nên bao sóng gió. “Thì ra anh sống bên mình nhưng vẫn không nguôi nhớ về vợ cũ”, Minh xót xa.

Theo tổng kết của các trung tâm tư vấn hôn nhân thì hầu hết các cuộc tái hôn đều bị rơi vào tình trạng này, không ở mức độ nặng thì nhẹ. Và hình thức mà “cái bóng của quá khứ” hiện hữu trong đời sống hiện tại cũng rất phong phú. Có thể là đứa con riêng, đôi khi là một bức ảnh người cũ còn kẹp trong quyển sổ, có lúc lại là một vật kỉ niệm từ thời xưa, v.v...

“Dù ai cũng nói cuộc hôn nhân trước đã “hoàn toàn chấm dứt”. Nhưng cái bóng của nó bao giờ cũng bao trùm lên cuộc hôn nhân hiện tại. Nếu nó là một cơn ác mộng thì vẫn để lại tàn tích trong cuộc đời họ. Nếu đó là chuỗi ngày hạnh phúc thì nỗi luyến tiếc còn đáng ngại hơn, kể cả khi người cũ không còn trên cõi đời này. Vì thế, khi đã quyết định lấy người đã qua một lần kết hôn, phải biết cách để cái bóng của quá khứ ấy không bao trùm lên cuộc sống hiện tại. Và người đã qua một lần kết hôn cũng không thể mãi hoài niệm về một bóng đã đi qua không bao giờ trở lại để làm tổn thương bạn đời” (Trịnh Trung Hòa).
 
Sau 15 năm nghiên cứu, nhà xã hội học người Mĩ, bà Allerstein đã công bố công trình khoa học của mình về hậu quả của ly hôn. Đối tượng nghiên cứu của bà là 200 đôi ở thành phố California đã chia tay nhau trong những điều kiện lý tưởng nhất. Họ đều là những người khá giả, giàu có và học thức. Vậy nhưng đến cả 10 năm sau, 60% đàn ông và 40% phụ nữ vẫn có thái độ không bình thường khi tình cờ có ai nhắc đến người cũ hoặc nhìn thấy một kỉ vật của người cũ.

“Vì bất cứ lí do gì thì cũng nên để quá khứ ngủ yên. Bởi suy cho cùng, một thực tế không thể chối cãi là bạn đang sống bằng hiên tại và hướng tới tương lai chứ không ai sống được bằng hoài niệm, dù đó là một quá khứ đầy ắp những kỉ niệm êm đềm. Nên biết trân trọng và vun đắp cho lựa chọn và cuộc hôn nhân hiện tại” (TTH).

Hải Anh

Chia sẻ