'Chữa cháy' bằng viên tránh thai khẩn cấp: 4 điều đặc biệt chị em cần nhớ
Viên uống tránh thai khẩn cấp không phải phù hợp với tất cả mọi người, hay nói cách khác, không phải ai cũng dùng được viên tránh thai khẩn cấp.
Chị Nguyễn Hoài Phương (34 tuổi, Hà Nội) tâm sự hai vợ chồng chị tránh thai bằng biện pháp tự nhiên như xuất tinh ngoài, tính ngày rụng trứng. 5 năm qua sử dụng biện pháp tránh thai này chị Phương không bị 'dính' lần nào. Tuy nhiên, trong một lần chồng 'quên', chị Phương lo lắng có thai nên đã mua thuốc tránh thai khẩn cấp uống trong vòng 24h đầu.
Chị Phương uống thuốc tránh thai được hai ngày thấy người mệt, chóng mặt, đau đầu. Một tháng sau không thấy kinh nguyệt, chị Phương hồi hộp lo lắng không biết mình có mang thai hay không. Người mệt, ngực căng tức đủ triệu chứng của bà bầu nhưng thử que vẫn lên 1 vạch. Suốt thời gian đó chị đứng ngồi không yên.
Chu kỳ kinh nguyệt bị chậm cả chục ngày cuối cùng cũng đến nhưng chị Phương bị rong kinh suốt 3 tuần. Gặp bác sĩ khám chị mới biết đó là tác dụng phụ của viên tránh thai khẩn cấp.
Còn trường hợp của chị Đỗ Thu Hằng (Nam Trung Yên, Hà Nội) uống thuốc tránh thai khẩn cấp được vài hôm thì chị bị xuất huyết âm đạo. Chu kỳ kinh nguyệt vừa qua được 2 tuần thì lại đến tiếp. Chị Hằng lo lắng vì sợ ung thư tìm tới bác sĩ khám. Bác sĩ tư vấn hỏi chị Hằng có sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp không? Chị Hằng mới nhớ cách đó không lâu chồng đi công tác về đã quan hệ trong ngày rụng trứng, sợ có thai nên chị uống viên thuốc cho chắc.
Theo ThS. BSCKII. Nguyễn Thị Minh Thanh - Phó trưởng khoa Khám – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thuốc tránh thai khẩn cấp được dùng trong trường hợp quan hệ tình dục không an toàn. Đây cũng là loại thuốc được bán khá nhiều trong các nhà thuốc.
Hiện nay nhiều chị em “chữa cháy” bằng việc uống viên tránh thai khẩn cấp.
Mục đích của thuốc tránh thai khẩn cấp là dùng thuốc nội tiết cao để tránh nguy cơ có thai ngoài ý muốn. Mặc dù việc ngừa thai bằng thuốc nội tiết có thể không thực sự gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người phụ nữ, thế nhưng việc đưa những loại nội tiết vào cơ thể làm thay đổi quá trình hoạt động bình thường của cơ quan sinh dục thì chắc chắn sẽ xuất hiện những triệu chứng bất thường.
BS Thanh cho rằng thuốc tránh thai khẩn cấp không phải ai dùng cũng được. Ví dụ với người vòng kinh nguyệt không đều dùng tránh thai khẩn cấp không có hiệu quả cao. Uống đúng trước 72h, càng sớm càng tốt. Thực tế tránh thai được 90 % nhưng rất nhiều người vẫn có thai trong buồng tử cung hoặc có thai ngoài tử cung.
Dùng tránh thai khẩn cấp còn làm người dùng nhức đầu, chị em bị tình trang rối loạn kinh nguyệt, rong kinh nguyệt, khí hư tiết ra bất thường, tâm lý bị thay đổi, ham muốn tình dục bị suy giảm,...
'Thuốc tránh thai khẩn cấp cũng không thể tránh thai 100%. Hiện nay tất cả các biện pháp tránh thai chỉ đảm bảo 99 %', BS Thanh nhấn mạnh.
Thậm chí, bác sĩ Thanh cho rằng có trường hợp cắt tử cung bán phần, còn cổ tử cung và buồng trứng nhưng vẫn có thai trên mỏm cắt cổ tử cung. Trên thế giới hiện nay khuyến cáo sử dụng các biện pháp tránh thai đạt hiệu quả tránh thai cao như: Que cấy, đặt vòng chứa nội tiết, đặt vòng chứa đồng, viên uống tránh thai hàng ngày, bao cao su…
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để “chữa cháy”:
Thứ nhất, chỉ được sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong trường hợp quan hệ tình dục không an toàn như không uống thuốc tránh thai hàng ngày, không dùng bao cao su hay bao cao su bị rách, thủng.
Thứ hai, hầu hết các loại thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ có tác dụng khi sử dụng sau khi quan hệ tình dục không quá 72 giờ.
Thứ ba, liều lượng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể cao gấp 4 lần thuốc tránh thai hàng ngày vì vậy không nên quá lạm dụng, sự biến đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng sức khỏe.
Thứ tư, trường hợp xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường sau khi uống thuốc cần phải tìm đến sự trợ giúp từ các y bác sĩ chuyên môn.