Chùa Cầu - ngôi chùa linh thiêng, độc đáo bậc nhất Hội An sắp được tu tạo: 400 năm lịch sử ôm ấp con số 7 huyền bí, đỉnh cao phong thủy trấn giữ của 3 dân tộc

Vũ.,
Chia sẻ

Vắt mình qua một con lạch nhỏ của sông Thu Bồn đã hơn 400 năm, Chùa Cầu vẫn luôn được biết đến là "bùa hộ mệnh" cho đất và người Hội An.

Chùa Cầu vốn là một cây cầu cổ có niên đại hơn 400 tuổi nối hai phố Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, nằm ở phía Tây Nam phố cổ Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Năm 1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Hằng năm, khi con nước đổ về, Hội An thường bị ngập lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của Chùa Cầu. Bởi thế, theo thời gian, Chùa Cầu dần xuống cấp, đã đến lúc cần có động thái để bảo tồn, gìn giữ.

Bí ẩn Chùa Cầu Hội An.

Mỗi khi mùa mưa lũ về, Hội An bị ngập, ảnh hưởng đến kết cấu của Chùa Cầu nghiêm trọng.

Chiều 26/3, UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức lễ ký kết Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

Chùa Cầu là biểu trưng di sản văn hoá Hội An, cũng là sợi dây kết nối cho tình hữu nghị lâu dài Việt - Nhật. Việc tu bổ một cây cầu cổ phải cực kỳ thận trọng và cần đến kinh nghiệm dày dặn của các chuyên gia. Còn vì sao lại là chuyên gia đến từ Nhật Bản, thì phải hiểu hơn về cây cầu độc đáo này.

"Lai Viễn Kiều" - Cầu đón khách phương xa

Khoảng thế kỷ XVI, tại Hội An có 2 khu vực, cư ngụ và buôn bán riêng biệt: Một khu tập trung đông đúc người Hoa, khu còn lại là người Nhật, được gắn kết với nhau bởi chiếc cầu có mái che. Cây cầu này được người Nhật xây dựng năm 1593 để tiện bề thông thương. 

Cư dân xứ này gọi là Cầu Ngói. Sau này, vào năm 1653, có thêm một ngôi chùa nhỏ trên cầu, người ta gọi là Chùa Cầu. Khi ấy, người Pháp gọi là Pont japonais (cầu Nhật Bản) hay Pont couvert (cầu có mái che).

Chùa Cầu - "trái tim ấm nóng" của Hội An vắt mình qua 400 năm lịch sử cùng con số 7 huyền bí - Ảnh 2.

Bức ảnh được chụp bởi nhà báo Dominique Foulon – báo tiếng Pháp "Carnets du VietNam" gửi tặng Hội An

Phố cổ Hội An khi xưa từng là một thương cảng sầm uất, là nơi buôn bán, giao thoa kinh tế, văn hoá của nhiều quốc gia. Điểm nhấn chính là Chùa Cầu. Bởi vậy, ngôi chùa này mang nhiều nét độc đáo, hội tụ tinh hoa của văn hoá Việt Nam và một số nước phương Đông khác như Nhật Bản và Trung Quốc.

Hình ảnh Chùa Cầu cổ xưa hơn 400 tuổi.

Được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVI, Chùa Cầu dài khoảng 18m, rộng khoảng 3m. Chùa Cầu rất độc đáo vì mang kiến trúc hội tụ những nét tinh hoa của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Khung gỗ trên cầu được chế tác thuận theo hình dáng cong cong của cầu. Mặc dù mới đầu được sơn son thiếp vàng, nhưng năm tháng qua đi, nay đã bạc màu và phủ lên mình sự rêu phong cổ kính.

Chùa Cầu có diện tích khiêm tốn nhưng vẫn được thiết kế đủ 7 gian, 5 gian trong đó mang kết cấu theo kiểu chồng trụ đội (trụ gỗ đứng), 2 gian đầu hồi uốn cong theo hình vỏ cua, mái lợp ngói âm dương – một nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam thời bấy giờ. Các chi tiết trang trí đều được chạm trổ tinh xảo. Các bờ nóc, bờ chảy đều uốn lượn rất mềm mại và tự nhiên. Ngoài ra, kiến trúc mái còn được khảm những đồ gốm men lam rất đặc sắc.

Trong văn hoá xứ Phù Tang, số 7 là con số may mắn. Con số này tượng trưng cho "7 vị thần may mắn" - những vị thần được miêu tả là đang chèo thuyền chở đầy châu báu và cập bến vào năm mới để chia sẻ sự đủ đầy cho người dân trong suốt năm đó. 

Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986. Sau những lần đó, một vài nét kiến trúc ban đầu đã dần mai một. Tuy nhiên, trên các vì kèo, hoành mái vẫn còn giữ lại được các chữ Hán chạm nổi.

Chùa Cầu - "trái tim ấm nóng" của Hội An vắt mình qua 400 năm lịch sử cùng con số 7 huyền bí - Ảnh 4.

Chùa Cầu lung linh dưới ánh đèn về đêm.

Bên trên lối vào gian thờ có tấm biển đề 3 chữ "Lai Viễn Kiều". Dưới tấm biển có hai mắt cửa, một chi tiết rất thường gặp ở Hội An.

Trong Đại Nam nhất thống chí có ghi, vào năm 1719, nhân dịp vào thăm Hội An, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho Chùa Cầu ba chữ "Lai Viễn Kiều", có nghĩa là "Cầu đón khách phương xa". "Lai Viễn Kiều" tựa như một lời ngợi khen về cảnh sắc nơi đây, cũng là cách ghi dấu bước chân ngọc của Chúa đã từng ghé qua mảnh đất này.

Chùa Cầu - "trái tim ấm nóng" của Hội An vắt mình qua 400 năm lịch sử cùng con số 7 huyền bí - Ảnh 5.

Mắt cửa Chùa Cầu Hội An

Với những nét kiến trúc như vậy, Chùa Cầu tồn tại bình lặng hơn 400 năm như một chứng tích lịch sử, là sứ giả chắp nối quá khứ, hiện tại và cả tương lai của mảnh đất cổ Hội An. 

Chùa Cầu - Thanh kiếm trấn giữ thuỷ quái Namazu

Không chỉ giúp thuận tiện cho việc đi lại trong khu phố cổ, Chùa Cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân nơi đây suốt nhiều trăm năm qua. Hun đúc nên sự linh thiêng của Chùa Cầu là tín ngưỡng trấn yểm thuỷ quái và thuỷ tai. 

Người ta cho rằng, ở ngoài đại dương xa xôi có loài thủy quái gây tai ương cho con người, có thể nhấn chìm mọi thứ bằng những sóng cao, nước lớn. Theo quan niệm của người Việt gọi là con Cù, người Nhật gọi là Namazu, còn người Hoa gọi là Câu Long. Đây là con quái vật mang hình dáng của một con cá trê khổng lồ. Tương truyền, Namazu có đầu nằm ở Nhật, đuôi ở Ấn Độ và phần lưng vắt qua lạch nước ở Hội An - nơi mà Chùa Cầu ngự.

Namazu có sức mạnh khủng khiếp mà chỉ có thần sấm sét Kashima mới có thể chế ngự được nó. 

Con Cù, Namazu hay Câu Long là con cá trê khổng lồ gây hoạ cho người dân.

Theo quan niệm của người Nhật, thần Kashima chế ngự Namazu bằng cách ngồi lên lưng nó, ngày đêm kìm hãm con thủy quái để đảm bảo an toàn cho loài người. Nhưng cũng như họ, đôi thi thần Kashima cũng lơ đãng, và đó là lúc tai ương ập đến, chính là khi động đất, sóng thần gieo rắc tai ương đến với đất nước mặt trời mọc. Ở Hội An cũng vậy, đôi khi con cá trê khổng lồ "xổng xích", và thế là lũ lụt kéo về, nhà cửa bị nhấn chìm.

Khi sang cảng thị Hội An làm ăn, người Nhật và người Hoa - vốn là những người rất xem trọng phong thủy. Họ đã mời thầy cao tay về để xem thế đất nơi đây. Từ đó, quyết định vị trí xây dựng chùa phải nằm trên phần lưng của cá trê khổng lồ kia. 

Chùa Cầu - "trái tim ấm nóng" của Hội An vắt mình qua 400 năm lịch sử cùng con số 7 huyền bí - Ảnh 7.

Chùa Cầu không thờ tượng Phật mà thờ Huyền Thiên Đại Đế (Bắc Đế Trấn Vũ) theo tín ngưỡng Trung Hoa.

Bên cạnh đó, hình dáng của cây cầu cong cong, cũng là mô phỏng lại hình ảnh cây kiếm của thần Kashima.

Không thờ Phật mà thờ linh vật con giáp?

Về sau khi người Hoa tới, cũng nhận thấy vị trí phong thủy đắc địa của cầu ngói mà đặt xây chùa ở đây. Một điều đặc biệt, đó là ngôi chùa này không thờ Phật như thường thấy mà thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - như tên gọi là một vị thần chuyên trị lũ lụt theo quan niệm của người Hoa. Đầu cầu phía Tây đặt 2 tượng khỉ đá, phía Đông đặt 2 tượng chó đá một đực, một cái quay mặt vào nhau. Đây là một đặc trưng tín ngưỡng của Chùa Cầu. 

Các linh vật này có thế ngồi như trực nhổm dậy, sẵn sàng bảo vệ sự an lành cho người dân.

Hai đầu Chùa Cầu có tượng thờ Linh Cẩu và Thần Hầu trấn giữ.

Các câu đối bằng chữ Hán bên cạnh tượng được cho rằng đều nói về nhiệm vụ của hai linh vật là "trấn yểm" và bảo vệ mạch khí hai đầu Chùa Cầu. Đặc biệt, chất liệu của tượng thờ được làm bằng gỗ, rồi mạ màu cho giống đá. 

Phải chăng điều này mang ý nghĩa rằng bên dưới lạch là nước thuộc Thuỷ sẽ nuôi dưỡng tượng gỗ thuộc Mộc bên trên để sự chở che được trường tồn, vĩnh hằng?

Có giả thuyết cho rằng dùng linh vật khỉ và chó để thể hiện thời gian xây dựng cầu. Bởi có thuyết cho rằng cầu khởi dựng trong 3 năm mới xong từ năm Thân đến Tuất. Tuy nhiên, giả thiết này cũng gây ra nhiều tranh cãi và bị gạt bỏ vì theo nhiều tài liệu, Chùa Cầu khởi dựng vào năm 1593 (năm Dậu) không có liên quan gì đến Thân hay Tuất cả.

Bên cạnh đó, tục dùng linh vật chó đá, khỉ đá cũng được người Việt ta sử dụng để trấn giữ phong thuỷ trước nhà từ lâu đời. Với mong muốn linh vật này giống như vị thần bảo hộ xua đuổi tà ma, xui rủi mang đến điềm lành cho cuộc sống.

Từ đó mới thấy, tượng Linh Cẩu (chó đá) và Thần Hầu (khỉ đá) được thờ "có đôi có cặp", như "thanh mai trúc mã" với ý niệm cầu mong mọi điều thuận lợi, may mắn sẽ đến với con dân Hội An. 

Chùa Cầu - "trái tim ấm nóng" của Hội An vắt mình qua 400 năm lịch sử cùng con số 7 huyền bí - Ảnh 9.

Chùa Cầu dưới ánh hoàng hôn thực sự nên thơ, trữ tình.

Chùa Cầu là nơi khắc ghi dấu ấn thời gian, thấm vào từng khoảnh khắc chữ tình, chữ duyên của người đi, kẻ ở bao bọc lấy khu phố cổ nghìn năm lịch sử này. Màu sắc hoài cổ, rêu phong có chút man mác buồn nhưng vẫn đầy ắp hy vọng về một tương lai bình an, no đủ và hạnh phúc. Dù bị thăng trầm thời gian mài mòn và vùi lấp phần nào, nhưng Chùa Cầu vẫn như một chốn thiêng bình lặng ngày đêm che chở cho phố cổ Hội An - nơi mà du khách thập phương luôn tìm về để thăm thú và chiêm bái tỏ lòng thành kính.

Hi vọng tới đây khi được tu tạo, dù có bằng công nghệ nào đi nữa, những nét đặc trưng của Chùa Cầu vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Để sau này, trăm năm, nghìn năm nữa, hậu duệ xứ cảng thị Hội An vẫn được nghe, được tận mắt chứng kiến những đặc trưng tín ngưỡng của cha ông.

(Ảnh sưu tầm Chùa Cầu từ nhiều nguồn)

Chia sẻ