Chùa Bà Thiên Hậu: Cổ tự lâu đời của người Hoa tại TP.HCM

Vũ.,
Chia sẻ

Từ lâu Chùa Bà Thiên Hậu đã trở thành điểm đến của cả người Hoa lẫn người Việt xin bình an, nguyện may mắn, chiêu tài lộc...

VẺ AN YÊN, CỔ KÍNH GIỮA SÀI GÒN HOA LỆ

Giữa Sài Gòn hoa lệ, nhộn nhịp nhưng lại có một cổ tự lâu năm trầm mình giữa phố xá kéo người ta sống chậm lại một chút. Ấy là Chùa Bà Thiên Hậu ở quận 5.

Nắng Sài Gòn gay gắt lắm. Chưa đến 10 giờ mà những vạt nắng rực rỡ ấy có thể khiến những người con đất Bắc xây xẩm mặt mày. Rút kinh nghiệm những chuyến đi trước, đoàn chúng tôi đã tìm đường đến chùa Bà từ sớm. 

Khi đại dịch đã dần lùi xa nhưng dư âm vẫn còn lẩn khuất khiến công tác kiểm soát ở chùa Bà vẫn được tiến hành cẩn trọng. Không quá đông đúc, nhưng chùa Bà Thiên Hậu vẫn có người lui tới thường xuyên chiêm bái và dâng lễ.

Chùa Bà Thiên Hậu - Hội quán Tuệ Thành, còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM. Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những địa điểm tâm linh của cộng đồng người Hoa từ Tuệ Thành di cư sang. Tuệ Thành là tên cũ của Quảng Châu, bởi vậy mà Hội quán cạnh chùa Bà được đặt tên là Hội quán Tuệ Thành để nhớ về quê hương xứ sở.

Chùa Bà Thiên Hậu: Cổ tự lâu đời của người Hoa tại TP.HCM - Ảnh 2.

Khi những người Hoa đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn làm ăn, lưu trú dài ngày tại đây nên rất nhiều hội quán được lập nên. Đối với người Hoa, Thiên Hậu Thánh Mẫu không chỉ là đức tin mà còn trở thành hơi thở cuộc sống đồng hành cùng họ trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.

Ngoài con đường Nguyễn Trãi ồn ã đông đúc kia, chỉ vài bước chân qua cánh cửa chùa, chúng tôi đã cảm nhận được sự khác biệt nhuốm màu thời gian. Điều này giống như đằng sau cánh cửa chùa, thời gian như trôi chậm lại, không gian như cô tịch, u linh hơn. 

Nét cổ kính, huyền bí của ngôi chùa lại kéo gần chúng tôi đến sự thân thuộc khó tả.

NGÔI CỔ TỰ LÂU ĐỜI

Người hiện đại thì gọi chùa Bà Thiên Hậu, nhưng nhiều người sống lâu năm tại đây vẫn gọi cổ tự linh thiêng này là miếu Thiên Hậu. Được xây dựng vào khoảng năm 1760, miếu Bà vẫn giữ được nhiều nét cổ kính, trầm mặc. Vào ngày 7/1/1993, nơi này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Ảnh tư liệu: Chùa Bà Thiên Hậu xưa

Chùa Bà Thiên Hậu cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa sang nhưng cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là nơi đây dấu tích xưa còn cô đọng lại nhiều hơn là những dấu vết sửa chữa của thời hiện đại. Thời gian mà, cũng đã 262 năm trôi qua rồi, nếu không bị nắng gió mài mòn thì điều gì giữ những chốn linh thiêng này đi cùng năm tháng?

Quần thể tiếu tượng gốm ẩn chứa nghệ thuật phong thủy

Không chỉ với cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại TP.HCM mà ngay cả những người con xứ lạ như chúng tôi cũng ngạc nhiên tột độ về kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa này. Chùa Bà nằm giữa phố xá, đứng từ bên đường cũng có thể nhìn thấy quần thể tiếu tượng gốm trên nóc chùa. Những tiếu tượng này đã có từ năm 1908 do hai lò Bửu Nguyên và Đông Hòa sản xuất, rất lâu đời rồi. Tay nghề này được kế thừa từ làng gốm sứ nổi tiếng nhất Quảng Đông.

Tiếu tượng với nhiều màu sắc rực rỡ. Vật liệu xây dựng và tôn trí chùa đều được mang từ Trung Quốc sang. Có thể nói rằng, chủ đề Lưỡng Long Tranh Châu là bộ trang trí kinh điển trong nghệ thuật xây dựng chùa của người Hoa. Bên dưới là quần thể tiếu tượng gốm chạm hình nhân với nhiều chủ đề khác nhau. Các điển cố được thể hiện đa dạng như: "Tam Nương giáo tử", "Bao Công xử án", "Phúc Lộc Thọ", "Bát Tiên quá hải", "Thầy trò Đường Tăng",... 

Phù điêu "Ngũ Long Bích" dạng hoa văn "Ngũ long phún thủy" (Năm rồng phun nước) tạo nên thế "Minh đường tụ thủy" chuẩn mực trong phong thủy. 

Chùa Bà Thiên Hậu - Cổ tự lâu đời cất giữ tín cội nguồn tín ngưỡng người Hoa tại TP.HCM - Ảnh 5.

Ngay từ cổng vào, in đậm vào đôi mắt chúng tôi là hình ảnh những bức phù điêu và tiếu tượng bằng gốm tráng men trên mái chùa và bờ mái vẫn sáng đẹp giữa khung trời Chợ Lớn. 

Kiến trúc hình chữ "Khẩu"

Kiến trúc chùa Bà Thiên Hậu là tổ hợp 4 gian nhà liên kết với nhau tạo thành hình chữ Khẩu. Ngay khi bước vào cửa, bạn sẽ bắt gặp bàn thờ Phúc Đức Chính Thần (ông Bổn) bên phải, bàn thờ Môn Quan Vương Tả (thần giữ của) ở bên trái. Dọc theo hai hành lang là những bia đá khắc lại truyền thuyết về vị Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng những bức phù điêu, bức họa mô tả hình ảnh Bà Thiên Hậu đang hiển linh trên sóng nước cứu độ cho những con thuyền gặp nạn.

Khu vực sân Thiên tỉnh (giếng trời) như nới rộng không gian, vừa giúp chùa thoáng đãng những khi nghi ngút hương khói của du khách thập phương đến thăm Bà lại đủ ánh sáng chiếu vào hậu cung chùa.

Đi tiếp một chút là bạn sẽ có dịp diện kiến bộ lư phát lam gồm 5 món được chạm khắc tinh xảo có niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886). Ngay bên là chiếc thuyền rồng cổ chạm trổ hình nhân gắn với chiếc kiệu cổ được sơn son thiếp vàng. Đây chính là kiệu và thuyền được dùng để rước Bà trong ngày vía.

Trong tủ kính lớn là tượng Bát Tiên và tướng lệnh của Thống đốc D'Ariès cấm binh sĩ Pháp được phá phách khi xưa. Điều này cho thấy nơi chùa Bà rất linh thiêng và cũng được người Pháp coi trọng. Nói vậy là vì chúng tôi chưa bắt gặp chốn tâm linh nào có tướng lệnh của người Pháp xưa như vậy.

Nơi chính điện có gian thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu được tạc từ gỗ nguyên khối cao 1m. Bên tả là Long Mẫu Nương Nương (vị thần biển) và bên hữu là Kim Hoa Nương Nương (nữ thần chủ quản việc sinh đẻ). Đối với những người dân miền biển, sống bám biển tự bao đời và sâu sắc hơn là những người vượt biển di cư như người Hoa, họ càng tôn thờ và trân quý, tin tưởng thờ cúng Bà, nhất là khi gặp nạn ngoài biển.

Tại chính điện còn bày 2 đại hồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1795) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). 

Chùa Bà Thiên Hậu: Cổ tự lâu đời của người Hoa tại TP.HCM - Ảnh 11.

Bảo vật quý cất giữ văn hóa quê nhà

Người Hoa vượt biển tìm đường mưu sinh nhưng họ không quên mang theo điển tích để vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Chỉ với không gian khá khiêm tốn nhưng chùa Bà Thiên Hậu lưu giữ khoảng 400 đồ cổ, các bức phù điêu đắp nổi tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng). Đứng ở cửa ra vào hay giữa sân thiên tỉnh, bạn chỉ cần ngẩng mặt lên là có thể nhìn thấy mái hiên, nóc chùa, vách tường đều có tiếu tượng, phù điêu bằng gốm dựa theo các điển tích Trung Quốc.

Bảng công đức đầy hoài cổ và nhang vòng - Mang theo những nguyện ước vào hư không

Có lẽ thứ mang theo đến nơi này chỉ là mong ước chạm vào những điều huyền bí nên có một vài điều khiến chúng tôi thấy lạ lẫm. Ngay gần chính điện có ban dịch vụ vài người, một bên nhận tiền công đức, một bên nhận tiền mua hương vòng và viết nguyện ước.

Sau đó sẽ có người dán tờ công đức lên bảng màu hồng trên tường còn tờ nguyện ước cũng sẽ được treo cùng nhang vòng.

Nhang vòng ở chùa Bà Thiên Hậu giống như một điểm nhấn. Từng hàng nhang được treo đung đưa trên cao. Dù bạn cầu duyên, cầu an hay cầu tài thì chỉ cần viết nguyện ước vào giấy, treo cùng nhang vòng.

Mùi nhang tan vào hư không, tán đều trong gió, mang theo những lời nguyện ước thành tâm tự đáy lòng gửi đến Bà Thiên Hậu, đến trời xanh...

Nổi bật giữa làn khói nghi ngút là bảng công đức ở hai bên tường. Không quá lời chút nào, chúng tôi như bị "thôi miên" vào những tờ giấy màu hồng được viết chữ Hán ấy. Nơi treo nhiều cánh sớ màu hồng rực lại trở thành một góc nhỏ đặc biệt thu hút nhiều người lưu giữ kỉ niệm bằng những tấm ảnh. 

Không chỉ những ngày đầu xuân, ngày lễ Bà, ngày Rằm hay mùng 1 mà cả những ngày thường trong năm, nhiều người đến chùa Bà Thiên Hậu để thăm viếng, xin lộc lẫn cầu duyên. 

NIỀM TIN VÀO SỰ ỨNG NGHIỆM

Bà Thiên Hậu là ai?

Thiên Hậu Thánh Mẫu là một nữ thần được tôn kính bởi các cư dân ven biển Phúc Kiến và Quảng Đông, Trung Quốc. Hơn 600 năm trước, nhiều chuyến hải hành của người Hoa di cư xuống phương Nam, tượng bà Thiên Hậu thường được tôn trí trên tàu thuyền để cầu mong bình an.

Bởi vậy mà chùa Bà Thiên Hậu có ở khắp nơi. Theo ghi chép lịch sử, Bà Thiên Hậu tên thật là Lâm Mặc Nương (960 - 987). Vào ngày 23/3 âm lịch, cô gái nhỏ được ra đời ở Phủ Điền, Phúc Kiến. Khi được sinh ra, trong phòng tràn ngập hương thơm. Đến khi chào đời đã được nửa tháng mà vẫn không nghe thấy tiếng khóc, cha mẹ đặt tên nàng là "Mặc Nương" (mặc chỉ im lặng, nương chỉ người con gái).

Truyền thuyết về Bà Thiên Hậu có đến 16 câu chuyện khác nhau, nhưng nổi bật nhất là câu chuyện giải cứu cha và tìm anh trai.

Mặc Nương từ nhỏ rất thông minh và thích cúng bái thần linh cũng như có khả năng siêu phàm. Những lúc rảnh rỗi cô đều giúp mẹ dệt vải, chăm chỉ và ngoan ngoãn nên được mọi người trong làng khen ngợi. Năm 16 tuổi, một ngày nọ, khi đang dệt vải ở nhà, nàng ngủ thiếp đi vì kiệt sức. Nàng nằm mơ thấy chiếc thuyền mà cha và anh trai đang lái bị sóng gió lật úp, nàng vội bơi đến cứu hai người. Nhưng người anh trai đã mất. 

Giữa sóng gió bập bềnh trong cơn mơ, nàng nghe thấy tiếng gọi của mẹ. Sau khi tỉnh dậy, nàng đã khóc với mẹ về giấc mơ và tin xấu đã đến. Hai người nhận được tin rằng cha và người anh trai đã thực sự gặp phải nạn trên đường biển về nhà. Nàng cùng mẹ ra biển tìm kiếm thì bất ngờ phát hiện một đàn cá cảnh tụ tập dưới biển, khi lại gần xem đó là xác anh trai nổi lên. Kể từ sau đó, vào ngày sinh nhật của bà Thiên Hậu, khi thấy đàn cá vây quanh đảo thì ngư dân địa phương sẽ nghỉ ngơi mà không đánh bắt.

Theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa, Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần biển cả, trừ tai diệt ương, ban tài phát lộc, mang lại điềm lành, cứu giúp muôn dân. Không chỉ là đức tin, tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu còn trở thành văn hóa Thiên Hậu là sợi dây kết nối phát triển kinh tế biển sâu sắc ở vùng Phúc Kiến. 

Ngoài là nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng, văn hóa thờ bà Thiên Hậu còn là điểm sáng thu hút và "giữ chân" khách du lịch khi Phúc Kiến là vùng lõi của Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Đây cũng là nơi khai sinh ra niềm tin bất biến của những người con vượt biển mưu sinh, sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc.

Chùa Bà Thiên Hậu: Cổ tự lâu đời của người Hoa tại TP.HCM - Ảnh 15.

Lời mong cầu lớn dần theo thời gian

Trong lúc ngồi đợi lễ, tận hưởng không khí an lạc tại chùa, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị H. ở quận 12. Nhà cách đây hàng chục cây số, nhưng tháng nào chị cũng đến chùa Bà để cầu. Khi tôi hỏi về sự linh thiêng của ngôi chùa, chị H. nở nụ cười hiền, tâm sự rằng: "Từ nhỏ chị lớn lên đã theo ba mẹ đi thăm chùa Bà rồi. Lấy chồng đã nhiều năm, tháng nào chị cũng cùng ông xã đến đây cầu bình an cho cả gia đình".

Chẳng kể ngày nắng gắt hay mưa dông, chị H. vẫn một lòng thành kính đến xin khấn miếu Bà Thiên Hậu, xin Bà che chở cho gia đạo được bình an và mọi sự được may mắn. 

Chúng tôi - những người con xứ lạ ghé thăm Bà, chiêm ngưỡng cảnh chùa và cũng thành tâm gửi lên Bà sự kính, tôn nghiêm nhất. 

***

Là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM, chùa Bà Thiên Hậu không chỉ là nơi kết tinh giá trị văn hóa kiến trúc đậm chất người Hoa mà còn là chốn gửi gắm đức tin của những người con xa xứ. Dù có đi đâu cũng sẽ nhớ về nguồn cội. 

Từ lâu, Chùa Bà Thiên Hậu đã trở thành điểm đến của cả người Hoa lẫn người Việt xin bình an, nguyện may mắn, chiêu tài lộc...

Chia sẻ