Chủ nhà kể chuyện osin

,
Chia sẻ

Ai đó có nói rằng khi các osin gặp nhau thì chuyện nói xấu chủ nhà rộ lên như bắp rang. Nhưng nếu các chủ nhà gặp nhau, chuyển sang đề tài osin thì bảo đảm cũng... chẳng kém!

1. Chuyện vui về người giúp việc

Câu chuyện được nhiều người dẫn trong mọi chuyên vui về osin là: có một osin ra phường đăng ký tạm trú, trong mục “quan hệ với chủ hộ”, osin viết “một tuần 3 lần”!

Một phụ nữ viết trên blog cũng dẫn lại chuyện này nhưng khẳng định “không phải chuyện nhà tôi à nha”! Câu chuyện của người phụ nữ kể lại trên blog là do con nhỏ, cô osin lại chăm sóc hai đưa bé rất tốt nên trong nhà, tự nhiên cô osin có vai trò quan trọng hơn chủ nhà! “Osin là cục vàng (lên lương đều đặn), là trứng mỏng (không dám đụng vào, dễ bể)”! Thậm chí có lần chị chủ nhà mua một cái áo xếp nếp lộng lẫy từ trên cổ xuống. Hai ngày sau, cô osin thỏ thẻ: “Chị ơi, chị mua cái áo gì mà nó nhăn quá, em ủi một buổi chiều mới thẳng ra hết”! Chủ nhà chỉ biết thốt lên: “Ôi trời”!!!

 2. Không dễ tìm người ưng ý

Đó là ý kiến của bà Ngọc Châu, nhân viên văn phòng một công ty ở quận 1 về osin. Nhà bà Châu thường có cùng một lúc hai osin vì rất nhiều việc. Hai đứa con còn nhỏ, bố mẹ chồng già, ông bà bận việc cơ quan. Nếu không có osin thì ở nhà bà, việc cứ dồn đống lại! Dù là osin tuyển qua người quen từ quê đưa ra hay từ công ty dịch vụ ở ngay thành phố, đưa osin về nhà bà cũng có những nguyên tắc cần phổ biến ngay. Trả lương bằng mức chung. Không trộm cắp, không gian dối là những điều tiên quyết. Còn chuyện làm việc thì phải hướng dẫn từ từ.

 “Từ sinh hoạt đơn giản nhất là vệ sinh cá nhân đến việc như lau nhà, giặt quần áo và phức tạp như nấu ăn đúng với khẩu vị nhà mình, sử dụng bếp gas, lò điện, tủ lạnh, bàn ủi... đều phải được chỉ bảo đến nơi đến chốn, có kiểm tra”, bà Châu nói. Điều quan trọng nhất, theo bà Châu là phải kiên nhẫn với osin. “Có thứ phức tạp như máy báo trộm, lúc thợ hướng dẫn mình sử dụng cũng phải thử đi thử lại mới rành. Vây mà mình cứ bắt osin biết ngay thì đâu có được” – bà Châu nói. Osin ở nhà bà Châu thường ở lâu nhưng nhiều lúc, do hoàn cảnh riêng họ cũng phải nghỉ. Người nhà bệnh, chồng bị ốm, con đau... là những “lý do bất khả kháng”! Mỗi lần có osin nghỉ, bà Châu lại phải đi tìm. Có khi tìm đến vài ba người, đổi tới đổi lui mới ưng ý. Vào ở nhà bà, cũng phải hàng tháng mới thạo việc. Bởi vậy, bà Châu mới bảo: “Tìm được người đã khó, chỉ dẫn họ làm được việc giúp mình cho ưng ý còn khó hơn”!

3. Người giúp việc là một nghề

Osin ở nhà chị Lan Phương, công chức, ở quận 3 rất vui vẻ, được việc. Chị kể, có lần ba chị phải nhập viện, chị chạy ra điểm dịch vụ, tuyển một osin chở ngay vào viện để nuôi ba. Gọi là osin chứ thực ra đó là một bà già giúp việc ngoài quê mới vào. Tiền công 50.000 đồng/ngày. Hàng ngày anh em chị chỉ vào thăm lúc rảnh rỗi. Thấy bà giúp việc làm tốt được việc mà ba chị cũng ưng ý, chị định nói ba lúc nào xuất viện thì đưa luôn bà osin về. Ai dè bà osin không chịu. Hỏi ra thì bà ấy nói: “Ở với người như cô thì được chớ ở với chị dâu của cô thì không. Tôi mới gặp chị dâu cô vài lần khi vào thăm ba cô mà thấy ở không được”! Chị Phương giải thích thêm: “Nói ra thì bảo chuyện chị dâu – em chồng chớ nghe bà kể, tôi mới thấy đúng. Tất cả vì thái độ của chị ấy thôi. Người giúp việc là một nghề, người ta đi làm chứ có đi xin mình đâu. Mình phải biết đối xử, biết hướng dẫn thì người ta mới làm việc được chớ. Đâu phải họ là người giúp việc mà muốn la gì thì la”.

Theo Phạm Hy Hiếu
SGTT
 
Chia sẻ