Chống tiêu cực, hai giáo viên ở Hà Nội kêu cứu vì bị cấp trên trù dập
Sau khi công khai tố cáo, đấu tranh chống tiêu cực, một số giáo viên của trường Tiểu học Sài Sơn B, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã phải gửi đơn cầu cứu nhiều nơi vì bị trù dập, trả thù, thậm chí bị hành hung ngay trên bục giảng.
Theo nghiên cứu, tìm hiểu của Truyền hình Người đưa tin pháp luật: bà Nguyễn Thị Tuất ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, hiện là giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B. Sau khi tố cáo một số sai phạm trong phân công chuyên môn, thu chi tài chính, giáo viên này có biểu hiện bị trù dập từ chính lãnh đạo trực tiếp của mình. Chồng của bà Tuất là thầy giáo trường Tiểu học Sài Sơn B, cũng chung hoàn cảnh với vợ.
Theo tìm hiểu, cô giáo Nguyễn Thị Tuất có thâm niên gần 30 năm công tác tại trường Tiểu học Sài Sơn (sau tách ra thành Sài Sơn A và Sài Sơn B), gắn bó và đào tạo nhiều thế hệ con em nhân dân địa phương.
Cô Tuất cho biết: “Tôi về công tác tại trường Tiểu học Sài Sơn từ năm 1991. Lúc đấy, trường chưa tách, rất nhiều phụ huynh tín nhiệm tôi và nhiều người lên ban giám hiệu xin để con em của họ được học lớp của tôi”.
Năm 2019, cô cùng chồng của mình là thầy giáo Phan Viết Nhân giảng dạy tại trường Tiểu học Sài Sơn B, phát hiện và tố cáo lãnh đạo nhà trường thu nhiều khoản phí vô lý. Vụ việc đã làm dư luận xôn xao và phụ huynh học sinh thì rất đồng tình với việc làm của vợ chồng cô Tuất.
Nhưng sau vụ việc trên, công tác giảng dạy của hai vợ chồng cô gặp nhiều khó khăn. Sức ép từ Ban giám hiệu (BGH) trường Tiểu học Sài Sơn B đã khiến cô không được đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm như trước đây. Thay vào đó, cô bị giao phó làm nhiều công việc không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của người giáo viên như: Lao động vệ sinh, trực thay bảo vệ, phòng chống dịch, giáo viên dự bị,... Thầy Nhân - chồng cô Tuất thì bị chuyển khối dạy thường xuyên.
Thầy Phan Viết Nhân, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (chồng cô Tuất), chia sẻ: “Thực tế, 2 vợ chồng tôi đều là người dám nói ra những điều mà từ trước đến nay chưa ai dám nói về thu chi và chuyên môn giáo viên của nhà trường. Nhiều khoản thu của nhà trường không minh bạch với phụ huynh, nhà trường ra sai đề rất nhiều lần, có những năm đề thi phải hủy bỏ cho học sinh thi lại,... Chính vì vậy, vợ chồng tôi phải chịu áp lực từ nhà trường, tôi bị đẩy từ khối 5 xuống dạy khối 3, vợ tôi đẩy từ khối 2 lên dạy khối 4-5”.
Cô Tuất ngậm ngùi cho biết, năm học 2018 - 2019, lớp 2A do cô chủ nhiệm có 4 phụ huynh gửi đơn lên nhà trường yêu cầu đổi giáo viên chủ nhiệm vì cho rằng cô Tuất vi phạm đạo đức, đối xử với anh em, hàng xóm không tốt. Dù sau đó, đa số phụ huynh lớp 2A đã có đơn đề nghị gửi BGH nhà trường cho cô tiếp tục dạy học, nhưng nhà trường vẫn chuyển cô Tuất sang chủ nhiệm lớp 2D.
Năm học 2019 - 2020, chấp hành theo sự phân công của BGH nhà trường, cô Tuất chủ nhiệm lớp 2D. Trong quá trình giảng dạy, BGH không cho cô Tuất dạy buổi 2, mặc dù gần 100% phụ huynh có đơn đề nghị cho cô được tiếp tục dạy học. Cuối năm học, các em học sinh lớp 2D đều tiến bộ, phụ huynh ghi nhận, nhưng vẫn bị hội đồng nhà trường xếp loại cô Tuất không hoàn thành nhiệm vụ nhằm mục đích để năm học sau không cho cô làm GVCN và buộc thôi việc. Năm học 2020 - 2021, cô Tuất bất ngờ được BGH nhà trường phân công đảm nhiệm dạy 2 môn Lịch sử và Địa lý của khối 4 và khối 5, môn học không phải là thế mạnh về chuyên môn của cô. Nhưng không lâu sau, lại xuất hiện nhiều đơn đề nghị không cho cô Tuất giảng dạy từ phụ huynh ở các lớp khối 5.
Lúc này, cô Tuất tiếp tục bị phân công làm các công việc khác như vệ sinh, trực công tác phòng dịch, làm giáo viên dự bị,... Điều này khiến cô Tuất vô cùng bức xúc và ấm ức. Bởi lẽ, từ một giáo viên gần 30 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, phụ trách các khối 1-2-3 tại trường Tiểu học Sài Sơn B cùng nhiều thành tích tốt trong công tác giảng dạy lại bất ngờ bị chuyển sang dạy cho các lớp khối 4 - 5 và phân công cô làm những công việc trái với chức năng nhiệm vụ của một nhà giáo sắp tuổi nghỉ hưu.
“Năm học 2019-2020, tôi đã phát hiện và chỉ cho ban giám hiệu nhà trường những khoản thu sai quy định, không được nhà nước cho phép như tiền điện, tiền vệ sinh… Vì phát hiện những lỗi sai đó mà ban giám hiệu nhà trường dồn tôi đến chân tường. Nhà trường chuyển tôi từ giáo viên chủ nhiệm khối 2 sang dạy khối 4-5. Được 1 thời gian thì bảo tôi do phụ huynh có đơn nên không cho tôi dạy học và bắt tôi làm vệ sinh thì tôi cũng đi, bắt tôi làm chống dịch, bắt tôi ngồi phòng chờ như bảo vệ tôi cũng làm, đến khi tôi làm hết việc thì bảo tôi nghỉ dạy. Tôi hỏi căn cứ đâu cho tôi nghỉ dạy, thì ban giám hiệu bảo tôi xuống hỏi phòng GD&ĐT, cấp trên cũng đồng ý như vậy rồi. Điều này khiến tôi bức xúc và buộc phải đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi cho bản thân”, cô Tuất bức xúc nói.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian cô giảng dạy các lớp ở khối 4-5, đã không ít lần cô bị các cháu học sinh khối 5 quấy rối, hành hung, bắn đạn giấy vào người.
Về việc này, cô Tuất cho hay: “Vào ngày 18/01/2021, Sở GD&ĐT có về trường kiểm tra về vấn đề thu chi này. Hai hôm sau tôi đi dạy, lên lớp học sinh các lớp khối 5 liên tục quậy phá, lấy thước, lấy dép dứ vào mặt tôi, tôi cũng không mắng, bảo các con không được làm thế. Đến tiết học lớp 5D, các cháu trùm áo đồng phục lên cướp đồ của tôi, lấy thước đánh tôi, dùng dây chun bắn giấy vào mắt tôi. Tôi đã nhiều lần báo cáo việc này các buổi họp hội đồng, họp tổ, báo cáo cả bằng văn bản nhưng hiệu trưởng bảo tôi không thấy báo cáo gì”.
Nghiêm trọng hơn, hiện cô Tuất đang bị cho nghỉ dạy ở nhà không lý do. Cô Tuất cho rằng, việc BGH nhà trường không cho cô lên lớp giảng dạy mà không hề có văn bản, quyết định nào của Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội hay Bộ Giáo dục là việc làm trái với quy định pháp luật. Hơn nữa, cô Tuất còn cảm thấy, đó là những hành vi trù dập, hãm hại đến danh dự và công tác giảng dạy của cả hai vợ chồng mình nhằm mục đích giải quyết tư thù cá nhân.
Thầy Phan Viết Nhân bức xúc: “Chuyển từ giáo viên chủ nhiệm sang dạy bộ môn Lịch sử và Địa lý không có văn bản nào, cho giáo viên nghỉ dạy cũng không có văn bản nào. Thế thử hỏi từ trước nay nhà trường điều hành theo pháp chế hay cá nhân?”.
Để làm rõ vấn đề mà cô Tuất bức xúc cầu cứu, Truyền hình Người đưa tin pháp luật tìm đến trường Tiểu học Sài Sơn B để tìm hiểu, ghi nhận thông tin.
Tuy nhiên, ngôi trường này luôn “cửa đóng then cài”. Cán bộ, nhân viên của trường có những biểu hiện vi phạm Luật Báo chí một cách nghiêm trọng như liên tục tìm cách ngăn cản PV tiếp cận... Dù trước đó, Thanh tra Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã có công văn số 54/TTr, hướng dẫn PV làm việc trực tiếp với hiệu trưởng nhà trường.
Dư luận hoài nghi việc cô Tuất đang gặp phải những khó khăn trên là đòn trả thù có chủ đích khi đứng ra tố cáo tiêu cực của lãnh đạo nhà trường.
Nhưng Truyền hình Người đưa tin thì không muốn tin điều đó nên vẫn cố gắng liên hệ với BGH nhà trường bằng nhiều cách, cả trực tiếp và gián tiếp, cả nhắn tin và gọi điện dù những cuộc điện thoại đi chỉ nhận được những tiếng kêu tút tút vô nghĩa…
Gần 30 năm đứng lớp, cống hiến cho công tác “trồng người”, vợ chồng cô Nguyễn Thị Tuất và thầy Phan Viết Nhân luôn là giáo viên gương mẫu, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và thi đua. Riêng cô Tuất đã có 6 năm liên tục đạt Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, từng đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thế nhưng, chỉ vì dám đứng lên đấu tranh, vạch trần những dấu hiệu sai phạm, tiêu cực của nhà trường, nay lại có nguy cơ phải... ra khỏi ngành.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người đang giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại hội nghị về xây dựng Đảng rằng: “Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ”.
Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc ở bài sau.