Chồng qua đời để lại khoản nợ tín dụng 690 triệu đồng, 1 năm sau vợ bị ngân hàng đòi tiền: Tòa tuyên bố ‘‘chị không cần phải trả’’
Vì kinh tế yếu kém nên người vợ không đủ khả năng chi trả khoản nợ khổng lồ mà người chồng để lại.
Số nợ 200.000 NDT
Anh Trần và vợ là chị Hán sống tại thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 2020, anh quyết định đăng ký thẻ tín dụng với hạn mức 210.00 NDT (khoảng 727 triệu đồng) trong vòng 1 năm để đầu tư và chi trả các khoản tiền phát sinh khẩn cấp trong cuộc sống.
Sau khi được cấp thẻ, anh Trần đã rút 200.000 NDT (khoảng 690 triệu đồng) để nhập hàng hóa về kinh doanh. Không ngờ rằng chỉ sau vài ngày, Trần bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông. Sự ra đi của anh đã gây ra cú sốc lớn và để lại nỗi đau khôn nguôi cho vợ con. Không những vậy, khoản nợ tín dụng 200.000 NDT của anh cũng trở thành áp lực đè nặng lên đôi vai của chị Hán.
Một năm sau, khi đến hạn trả nợ, ngân hàng nhiều lần gọi điện và gửi giấy về nhà anh Trần để thúc giục trả nợ. Khi biết Trần qua đời, ngân hàng yêu cầu chị Hán phải đứng ra chịu trách nhiệm về khoản nợ tín dụng của chồng. Tuy nhiên, chị Hán khẳng định bản thân không biết đến số tiền 200.000 NDT mà anh Trần đã vay.
Ngoài ra sau tai nạn, chị đã phải chi trả một số tiền lớn để phẫu thuật cho chồng nên hiện tại không có khả năng trả nợ. Do đó, dù bị ngân hàng nhiều lần thúc giục, chị Hán vẫn nhất quyết không trả tiền.
Phía ngân hàng cho rằng chị Hán cố tình kiếm cớ để không phải chịu trách nhiệm với số nợ của người chồng quá cố. Cuối cùng, họ quyết định nhờ pháp luật vào cuộc để làm rõ sự tình.
Phán quyết của tòa án
Quyết định của tòa án về việc chị Hán có giúp anh Trần trả nợ hay không chủ yếu liên quan đến tiêu chí xác định khoản nợ chung giữa vợ và chồng:
Điều 1064 Bộ luật dân sự Trung Quốc quy định: Các khoản nợ do vợ chồng cùng ký tên hoặc do một bên vợ hoặc chồng đứng tên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình trong thời kỳ hôn nhân, thì được coi là khoản nợ chung của vợ chồng.
Theo đó, anh Trần đã rút 200.000 NDT từ thẻ tín dụng trước khi chết nhưng chị Hán lại không biết chuyện này. Trong trường hợp này, ngân hàng cần chứng minh chị Hán đã sử dụng số tiền đó, hoặc cung cấp bằng chứng cho thấy anh Trần đã vay tiền để trợ cấp cho gia đình.
Do không đưa ra được các bằng chứng liên quan nên số nợ 200.000 NDT được coi là nợ cá nhân của anh Trần, không liên quan đến vợ. Vì vậy, chị Hán không cần phải trả nợ.
Tại phiên tòa, phía ngân hàng tiếp tục cho rằng chị Hán và con gái được thừa kế căn nhà từ anh Trần nên phải trả số tiền 200.000 NDT. Theo luật, vợ con anh Trần sẽ phải trả khoản nợ thẻ tín dụng này. Tuy nhiên, tại tòa, chị Hán đã cung cấp bằng chứng trả nợ và giấy chứng nhận các khoản vay, xác nhận rằng anh Trần từng mắc một khoản nợ khác và tài sản thừa kế của anh đã trả hết nợ.
Theo luật, những người thừa kế không cần phải trả phần nợ vượt quá số tiền thừa kế. Vì vậy, vợ và con gái không cần phải trả 200.000 NDT.
Sau phiên tòa, phía ngân hàng không chấp nhận phán quyết này và làm đơn kháng cáo lên tòa án cấp hai. Tuy nhiên, tòa án này đã bác bỏ kháng cáo của ngân hàng.
Theo Toutiao