Chồng như một ông hàng xóm tốt bụng
Người thì bảo chồng tôi “có bồ” nên mới “bỏ bê” tôi như vậy. Người khác thì nói chắc chồng tôi “bị bệnh” gì đó, kể cả “bệnh đàn ông”.
Với nhiều người, cuộc hôn nhân của chúng tôi là khá lý tưởng. Chúng tôi cùng quê, từng học cùng trường cấp 3 (anh học trên tôi một lớp), khi cùng lên TPHCM học mới yêu nhau, rồi lấy nhau. Nhưng từ sau ngày sinh con, đã 4 năm nay, anh không “đụng chạm” đến tôi...
Bấy giờ tôi đang làm công nhân ở một nhà máy tại quận 7-TPHCM, còn anh là giảng viên một trường đại học lớn. Đám cưới mới nửa năm, anh có học bổng học thạc sĩ tại Hàn Quốc. Ba năm sau, anh về, chúng tôi sinh đứa con gái đầu lòng.
Ít có cơ hội “gần” chồng
Niềm hạnh phúc có con chưa được bao lâu thì tôi nhận thấy ở anh có quá nhiều sự thay đổi. Anh không còn tỏ ra quan tâm đến tôi như trước kia và cũng rất ít nói. Đã vậy lắm khi còn cộc tính. Từ khi có con, tôi nghỉ làm, ở nhà chăm sóc con, mọi chi phí sinh hoạt đều do anh lo. Tôi biết anh đi dạy lương không nhiều nhưng cũng không đến nỗi quá thấp, thế mà có tháng anh không đưa tiền chợ, tôi không dám hỏi, chỉ lặng lẽ đi mượn của mấy người quen. Đến khi biết được, anh quát nạt tôi nào là tiêu xài hoang phí, nào là muốn bêu xấu chồng... Tôi thanh minh thì anh bảo là cãi lại chồng. Trong khi đó, tôi hoàn toàn không có thu nhập gì lại phải dè sẻn để mua sữa cho con, đóng tiền nhà, tiền điện nước, tiền chợ... Lâu lâu còn phải cho tiền các em của anh nữa. Tôi cũng nói gần nói xa cho anh biết tình trạng gia đình như vậy nhưng anh không bao giờ trả lời hay có ý kiến, rồi sau đó mọi việc lại tái diễn.
Tôi thấy mình cũng cần quan tâm đến chồng hơn. Nhưng quả thật, tôi ít có cơ hội để làm điều đó. Hằng ngày anh đi từ 7 giờ đến 21 giờ mới về, kể cả mấy tháng hè. Rồi mỗi năm có mấy đợt “làm đề” (soạn đề thi tuyển sinh, tốt nghiệp...), anh ở luôn trong trường. Ngày nghỉ, anh vùi đầu bên máy tính. Thì giờ rảnh rỗi nhất của anh là lúc chơi với con. Những lúc đó, tôi không thể xen vào để nhỏ to điều gì được. Đôi lúc, anh cũng tự sửa cái bóng đèn, đóng lại cái kệ... nhưng thường xuyên im lặng, mặc dù tôi có hỏi anh có cần tôi phụ một tay không.
Đến bữa cơm – mỗi tuần may lắm thì có 1 – 2 lần anh ăn cơm nhà, thường thì nhằm lúc có khách – các em anh hoặc cha mẹ anh lên thăm, thành ra tôi cũng không có dịp để chuyện trò. Thậm chí, tôi cũng không có cơ hội để thủ thỉ hay được âu yếm bên chồng trong những đêm khuya. Bốn năm nay, kể từ sau khi tôi sinh con, anh không bao giờ “đụng chạm” đến tôi...
Vô phương “cứu chữa”?!
Càng ngày, tôi càng có cảm giác mình đang ở bên một “ông hàng xóm tốt bụng”, thương yêu con tôi, chu cấp cho mẹ con tôi, đôi khi giúp tôi làm những chuyện mà phụ nữ khó làm được... Khó nói trực tiếp, tôi bèn viết thư rồi lén bỏ vào cặp sách của anh. Những lần đầu, tôi biết chắc anh có đọc vì có những “phản ứng cụ thể”, khi thì cũng tỏ ra quan tâm, chịu lắng nghe (một cách ngắn ngủi và gượng ép), khi thì sừng sộ... Nhưng sau đó, tôi không biết anh có đọc hay không mà hoàn toàn không có phản ứng gì. Tôi bèn “đổi phương pháp”, sưu tầm những câu chuyện hay về một người chồng biết quan tâm, lo lắng cho gia đình, vợ con hoặc khơi gợi trách nhiệm làm chồng, làm cha hoặc nhắc khéo anh về một việc gì đó... Lúc đầu anh còn tỏ ra bực bội nhưng rồi hình như anh cũng chẳng thèm đọc!
Buồn chán, tôi tâm sự chuyện nhà với mấy người bạn thân. Người thì bảo chồng tôi “có bồ” nên mới “bỏ bê” tôi như vậy. Người khác thì nói chắc chồng tôi “bị bệnh” gì đó, kể cả “bệnh đàn ông”. Có người khuyên chúng tôi nên đi gặp bác sĩ tâm lý. Cũng có người bảo tôi nên ly dị để làm lại từ đầu... Những điều đó tôi đều đã nghĩ đến nhưng cũng chẳng giải quyết được điều gì, bởi gần như anh bất hợp tác trong việc hâm nóng tình vợ chồng. Quả thực tôi cũng rất đau khổ và mệt mỏi, người tôi ngày càng gầy như xác ve.
Xâu chuỗi các thông tin, tôi lờ mờ hiểu rằng anh luôn bị áp lực trong công việc, cùng với áp lực cơm áo gạo tiền, gia đình, nhà cửa... càng khiến anh lao tâm thêm. Hiểu được điều đó, hơn năm nay, tôi gửi con nhà trẻ rồi đi làm thêm, dù thu nhập không nhiều nhưng cũng tạm đủ trang trải các sinh hoạt thiết yếu. Tôi cũng cố gắng quan tâm đến anh nhiều hơn, dĩ nhiên phải luôn kín đáo và tế nhị. Nhưng tình hình cũng không có biến chuyển gì đáng kể.
Gần đây, nghe lời gia đình, anh có ý định chuyển về quê sống, làm giáo viên cấp 3. Tôi ra sức ngăn cản. Anh im lặng nghe. Tôi biết bởi với năng lực và điều kiện đang có, anh có thể tiến xa hơn trong nghề nghiệp, trong nghiên cứu khoa học. Nghĩ đến đó, tôi thấy mình như là gánh nặng cho anh; ý nghĩ chủ động rời bỏ anh càng thôi thúc trong tôi. Nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến điều mà thiên hạ gọi là “bỏ chồng”, nhất là nghĩ đến nỗi khổ tâm của chồng mà người làm vợ như tôi không thể chia sẻ, tôi lại gạt ý nghĩ đó.
Nhưng với tình trạng này trong thời gian tới, tôi phải làm sao đây? Ai có thể giúp tôi?
Theo Người lao động