Chồng lười vì vợ hay chê
Chính sự chê bai của vợ khiến những ông chồng thêm chán nản, ngại việc và lâu dần thành lười biếng.
Bất bình đẳng giới bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân mà mọi người đều dễ dàng nhận thấy đó là sự phân công lao động rạch ròi giữa hai giới nam và nữ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì sự phân công lao động không còn rõ ràng như trước nữa, nữ giới có thể làm những công việc vẫn dành cho nam giới, và ngược lại, nam giới có thể làm những công việc tưởng chừng như chỉ có chị em phụ nữ mới có thể đảm đương được như: giặt giũ, nấu cơm…
Ngày nay, phụ nữ không chỉ quẩn quanh trong ngưỡng cửa gia đình mà họ cũng đi làm ở ngoài xã hội như nam giới thì dĩ nhiên công việc ở nhà cũng phải chia đều cho cả hai vợ chồng ? Nhưng trong thực tế, các nghiên cứu cho thấy, trong xã hội Việt Nam hiện đại, phụ nữ vẫn phải làm việc ở nhà nhiều hơn đàn ông khoảng 4 lần.Xã hội phát triển khiến cho vị thế của người phụ nữ được thay đổi. Họ được học hành, được tham gia vào công việc của xã hội. Nhưng chính sự thay đổi đó đã khiến cho họ không có thời gian dành nhiều cho gia đình. Sáng sớm đi làm, chiều tối mới về, vội vàng cơm nước cho chồng con. Buổi tối, trong lúc mọi người được nghỉ ngơi xem ti vi thì họ lại phải tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ. Sáng dậy sớm đi chợ mua thức ăn, đưa con đi học... và rất nhiều việc không tên khác. Nếu dùng một hình ảnh sinh động, có thể nói, trong khi nam giới được tạo dựng sự nghiệp bằng cả hai tay thì chị em phụ nữ cũng tạo dựng sự nghiệp chẳng kém gì họ, nhưng chỉ bằng một tay.
Tuy nhiên, trong thực tế, những người chồng biết chia sẻ công việc trong nhà với vợ không nhiều. Đa số phụ nữ vẫn phải làm nhiều hơn, vất vả hơn. Song nhiều phụ nữ lại cho rằng niềm vui của người vợ là được chiều chồng, chăm con. Vất vả khó khăn cũng chẳng quản, miễn sao chồng con cảm thấy hạnh phúc là mình hạnh phúc, không cần phải so bì tị nạnh với chồng. Trong khi ông chồng ngồi vắt chân xem ti-vi, đọc báo, hay trò chuyện với bạn bè thì vợ luôn chân luôn tay, đầu tắt mặt tối. Đến khi làm hết mọi việc thì người đã mệt lử, chỉ muốn lăn ra ngủ, chẳng thiết đọc báo, nghe đài gì. Sau hàng chục năm như thế, có những chị lạc hậu về mọi mặt, thậm chí ngơ ngác không hiểu biết gì. Rồi đến một ngày chính chồng con chị chê là “quê một cục”. Có người biến thành ô-sin của chồng lúc nào không biết. Và ai biết được, khi không còn xứng là bạn đời của chồng nữa, liệu anh ta có đi tìm “bạn” ở bên ngoài gia đình hay không?
Cho nên không dại gì ôm lấy tất cả công việc trong nhà vào mình, không dại gì chiều chồng một cách vô lý. Phải làm sao để chồng cùng chia sẻ việc nhà với mình. Nhưng chẳng may vớ phải chồng lười thì làm thế nào? Vì có những ông chồng cứ ngồi chờ vợ dọn cơm lên. Ăn xong lại ngồi uống nước, hay xem đá bóng trên ti-vi, không chịu động tay, vợ nói kêu lắm điều thì làm thế nào?
Đi sâu vào tìm hiểu những trường hợp này, các chuyên gia tâm lý gia đình nhận thấy thực ra chưa chắc những ông chồng ấy đã là người lười nhác. Bằng chứng là khi đến cơ quan, anh ta vẫn được mọi ngườì khen là tích cực. Vậy tại sao ở nhà anh ta lại lười?
Anh Trần Hòa (Thanh Xuân) tâm sự : “Tôi không muốn làm việc nhà bởi vì làm việc gì vợ tôi cũng chê. Thổi cơm chê không nuốt nổi. Rửa bát chê bẩn, phải rửa lại. Quét dọn nhà cửa cũng chê không kỹ, trông ngứa mắt. Vì thế chán chẳng muốn làm mà vợ tôi cũng cho rằng thà cô ấy làm cố một tý còn đỡ mệt hơn đi theo sau làm lại những việc tôi làm”. Trong trường hợp này, rõ ràng chồng lười không phải tại anh ta mà là tại vợ.
Xét trên khía cạnh tâm lý, con người ai cũng thích được khen. Nhưng nhiều khi kiếm được một lời khen của vợ thật là khó. Chỉ thấy các bà vợ chê chồng là nhiều. Biết đâu rằng chính sự chê bai ấy làm cho họ chán nản, ngại việc và lâu dần thành người lười.
Suy cho cùng, hàng nghìn năm nay, người đàn ông trong xã hội cũ luôn lấy nam quyền áp đảo phụ nữ, khiến vợ phải “nâng khăn sửa túi” cho mình. Chỉ mấy chục năm gần đây phụ nữ mới được giải phóng và bình đẳng với nam giới. Vì vậy đa số đàn ông vẫn theo gương các bậc cha anh, coi việc vợ phục vụ chồng là chuyện thường tình. Cho nên, muốn cho chồng chia sẻ việc nhà với mình, phụ nữ không thể chỉ mơ ước hay kêu ca, chì chiết mà chủ yếu là phải “đào tạo” họ thành những ông chồng chăm chỉ, coi việc cùng vợ làm mọi việc trong nhà là một niềm vui, là hạnh phúc.
Một cuộc hôn nhân có hạnh phúc hay không thì trước hết trong gia đình phải có sự bình đẳng. Sự bình đẳng trong cuộc sống gia đình đồng nghĩa với việc hầu hết mọi việc trong nhà đều cần được chia sẻ với nhau.
Hải Minh