Chồng ghen tuông cực hiểm
“Tôi không tin là cô đẹp vậy mà lại chấp nhận lấy một thằng nghèo rớt như tôi làm chồng? Tình yêu của cô cao thượng lắm nhỉ?”
Mấy hôm rồi Vân nghỉ làm ở nhà. Cô không muốn mang bộ mặt ủ dột lên cơ quan. Lần này mặt cô không bị sưng nhưng toàn thân ê ẩm, không thể đi đứng vì những cú đấm đá của chồng. Vân chỉ kịp bấm số gọi điện cho cô đồng nghiệp thân thiết nói nhờ xin nghỉ vì bị cảm cúm sơ sơ. Qua điện thoại Vân nói mà như sắp khóc.
Lấy nhau đã hơn 8 năm nhưng chưa một ngày Vân được sống hạnh phúc trọn vẹn. Ngay từ đêm đầu tiên làm vợ, Vân đã biết Long không phải là người đàn ông lịch sự, nhã nhặn như cô vẫn tưởng.
Khi mà trái tim thiếu nữ của Vân còn chưa rung động trước ai thì bố mẹ cô nói đừng lấy người đẹp trai, tài hoa vì không thể chạy theo mà giữ chân cả đời được. Vân quyết định lấy Long, một thầy giáo cấp 3 giản dị, chân chất và cứ tưởng như vậy đã yên phận.
Phải công nhận là Long cư xử rất khéo với gia đình vợ. Bố mẹ Vân cứ ngỡ chàng rể ngọt lạt lắm nên càng tin vào hạnh phúc đang có của con gái. Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Vân hàng ngày phải đối mặt với những trận đòn trên da thịt và những lời lẽ đay nghiến của chồng mà không ai biết.
Nhìn thấy vợ kiếm được nhiều tiền, Long cũng ghen lồng lộn. Thấy vợ ăn mặc đẹp, anh cũng khó chịu và tức tối trong lòng. Cứ thấy ngứa mắt là anh sẽ sinh sự.
Cuộc sống của Vân ngày càng bế tắc hơn khi sinh con. Long vẫn giữ thói quen hung hãn, một câu thì đấm, hai câu thì đá. Mọi sự thay đổi của vợ cũng đáng để anh nghi ngờ.
Đi ra ngoài, Vân là một người phụ nữ đẹp. Cô vẫn được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng mỗi khi về nhà, Vân cảm thấy rất bế tắc và mệt mỏi. Trái tim cô khó lành vì những lời lẽ xúc phạm của chồng: “Ngày xưa cô đã đi khách với mấy người rồi? Tôi không tin là cô đẹp vậy mà lại chấp nhận lấy một thằng nghèo rớt như tôi làm chồng. Tình yêu của cô cao thượng lắm nhỉ?”
Vết thương cũ chưa lành đã lại có thêm những vết thương mới. Mà vết thương sau lại luôn sâu hơn những vết thương trước. Vân chỉ còn biết khóc ngậm ngùi trước sự nghi ngờ vô lý của chồng: “Đẹp như cô mà chưa từng có thằng nào đụng vào mới lạ. Tôi không tin là cô chưa từng chung đụng với ai. Cô nói thật đi...”.
Có mấy ngày Vân không phải nghe những lời ấy của chồng? Anh Long nghi ngờ vợ đã “qua tay” bao người, họ “dùng” chán nên mới “nhả” ra. Và anh đang phải chấp nhận “ăn lại” vừa đau vừa nhục: “Người vợ đoan chính gì cô? Cô đẹp để cho trai nó mó vào. Tôi thừa hiểu ra”.
Đêm nào cũng vậy, Long cứ lấy cớ đó để hành hạ vợ, để thỏa cơn ghen tuông điên loạn của mình cũng đồng nghĩa với thân thể Vân tím bầm.
Khi chồng “lột xác” khỏi trí thức
Chị Phương vốn là người phụ nữ thành đạt. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ chị may mắn và hạnh phúc với người chồng trí thức và hai đứa con khôn. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau nụ cười trên môi chị là nỗi buồn của người vợ bị bạc đãi.
Cái vô lý của anh Cường, chồng chị Phương là bất cứ sự thành đạt của vợ đều khiến anh ngứa mắt. Anh cũng là một công chức nhà nước hẳn hoi, đi ra ngoài cũng được khối người tôn trọng, ngưỡng mộ. Nhưng cứ về đến nhà là anh lại “lột xác” khỏi cái vỏ ngoài trí thức để trở thành một ông chồng có thói côn đồ.
Sống với nhau dưới một mái nhà nhưng đã lâu rồi hai vợ chồng anh chị không còn ngủ cùng giường nữa. Đã mấy năm nay anh Cường “cai” vợ thực sự. Cố gắng che giấu sự “mục nát” của gia đình, chị Phương đã thấy quá tải và mệt mỏi. Dường như chị đang cố gắng gồng mình để không làm xấu mặt chồng, làm ê mặt con. Chị cố gắng giữ gìn hạnh phúc giả tạo của mình bằng những giọt nước mắt hàng đêm.
Anh Cường toàn hành hạ vợ bằng những lời đay nghiến. Tất cả bắt nguồn từ cái lần anh nhìn thấy những lá thư tình của vợ ngày xưa. Lòng ghen tuông nổi lên, anh bắt đầu ghen tuông với những người tình đã qua của vợ, ghen với chính những lá thư và ghen với cả sự đằm thắm của vợ. Vì không thể làm gì được với quá khứ của vợ, anh Cường đâm ra túng bấn và quyết trả thù bằng cách tra tấn vợ cho hả lòng hả dạ.
Ngay cả sự chịu đựng của vợ cũng đáng để anh ghen vì: “Cô đã có sự chuẩn bị từ trước rồi chứ gì? Nếu không thì sao vẫn cứ trơ mặt ra thế?” Không những có vậy, anh Cường còn cấm tiệt vợ không được ra ngoài giao du, bạn bè ngày xưa xem như không quen biết.
Anh còn hiểm hóc đến mức không bao giờ nặng lời với vợ trước họ hàng hay các con. Lúc nào anh cũng tỏ ra là một người chồng mẫu mực và yêu chiều vợ. Vậy nên khi chị Phương đòi ly hôn, mọi người tưởng chị đang đùa giỡn với hạnh phúc đang có. Dù vậy, Trước mặt các con, chị Phương luôn cố gắng nói tốt cho chồng.
Trí thức giả, côn đồ thật!
Có lẽ ít ai nghĩ một người phụ nữ thành đạt như Vân lại phải chịu đựng cuộc sống ngột ngạt như vậy? Bước chân từ xe hoa, những chuyến công tác dài ngày của vợ chính là cái để cho anh Long ghen tuông mù quáng.
Suốt bao nhiêu năm “má ấp môi kề”, Vân luôn bị sự nghi ngờ hiểm hóc của chồng ám ảnh, dằn vặt. Từng lời của chồng khiến trái tim của người vợ như cô đau đớn. Vậy mà Vân vẫn phải im lặng, chấp nhận làm người hầu hạ, dạ vâng của chồng. Tất cả cũng chỉ vì cô không muốn con cái chịu cảnh có mẹ thiếu cha. Nhưng nỗi đau của cô từng ngày cứ chồng chất và đã quá tải từ lâu và có lúc cô đã nghĩ đến việc giải thoát cho mình.
Đã bao lần chị Phương đâm đơn ra tòa đòi ly hôn nhưng anh Cường đều ngon ngọt hứa sửa sai, chị lại chấp nhận theo chồng về nhà nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Chồng trí thức, vợ thành đạt, ai nghĩ rằng đằng sau cái vẻ mặt bình thản, cam chịu của người vợ, người mẹ kia là một bi kịch gia đình?
Có một thực tế rằng không ít mái ấm với vẻ ngoài hạnh phúc chỉ là hạnh phúc “ảo”. Nhiều người vợ vẫn phải chịu những ngang trái của gia đình bằng chính cái vỏ ngoài trí thức của chồng.