Chồng cũ "quỵt" tiền nuôi con

,
Chia sẻ

Khoản tiền trợ cấp hàng tháng anh ta trốn biệt. Khi chị đến đòi nếu không thể trốn được thì anh ta buông một câu: "Ai nuôi thì người ấy lo, tôi có nợ nần gì cô đâu mà đòi".

Ai nuôi thì người ấy lo

Đã 6 năm sau ngày ly hôn, chị Lê Mỹ (Hà Đông, HN) vẫn không khỏi bức xúc trước thái độ thờ ơ về chuyện trợ cấp nuôi con của chồng cũ. Ngày trước vì không muốn gây thêm cho các con thiệt thòi khi bố mẹ chia tay, chị đã xin Tòa cho mình được toàn quyền nuôi cả hai đứa con. Đồng thời, chị cũng mong muốn sau khi ly hôn chồng cũ phải có trách nhiệm trợ cấp cho chị để lo cho con ăn học.

Anh chồng vốn dĩ chẳng muốn sống với cô vợ sinh toàn con gái; đã thế lại nhất quyết không chịu sinh cố thêm lần nữa để có con trai nên đã đồng ý cái rụp. Anh ta bảo mỗi tháng sẽ trợ cấp cho hai cô con gái 1 triệu đồng, nếu ốm đau bệnh tật hiểm nghèo gì thì sẽ chu cấp thêm.

Không ít người phụ nữ gặp phải chuyện bức xúc khi chồng cũ không chịu chu cấp triền trợ cấp nuôi con

Nhưng đó là chuyện của 6 năm về trước. Lời hứa trước Tòa của người cha đã theo gió theo mây bay đi. Bước chân ra khỏi cửa Tòa án, anh ta coi như chấm dứt mọi mối quan hệ với mẹ con chị. Khoản tiền trợ cấp hàng tháng anh ta trốn biệt. Mỗi khi chị đến đòi nếu không thể trốn được thì anh ta buông một câu: "Ai nuôi thì người ấy lo, tôi có nợ nần gì cô đâu mà đòi".

Vậy là sáu năm trời, chị Mỹ cam chịu vất vả một mình chèo chống nuôi con. Nhưng sức lực có hạn, công việc không có trình độ, chỉ buôn thúng bán mẹt nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Cố lắm chị cũng chỉ đủ cho con học hết lớp 12 rồi xin việc làm tay chân ở một nhà hàng cơm bình dân.

Nhìn cảnh chồng sống sung sướng, kinh tế dư giả, chị Mỹ có lúc hối hận giá như ngày trước chị dừng nhận nuôi cả hai đứa thì có khi một trong hai đứa con gái lại được ăn học đến nơi đến chốn. Chẳng lẽ sống với một người bố có tiền mà lại không cho nó đi học đại học, con bé đầu chẳng phải học rất giỏi từ lớp 1 đến lớp 12 đó sao. Thương con nên chị cứ nghĩ tới nghĩ lui mà không khỏi hận chồng cũ. Đành rằng bỏ vợ rồi không nhìn mặt cũng được, ai đời ngay đến cả giọt máu của mình cũng không đoái hoài. Chẳng hiểu lương tâm của một người cha để đâu?

Đòi không được, có người khuyên chị Mỹ nên kiện chồng ra Tòa. Mấy lần chị cũng đã định viết đơn nhưng suy đi nghĩ lại liệu chị có đòi được tiền nuôi con hay lại phải theo kiện hết lần này đến lần khác như chị bạn. Người cha đã không có tâm thì liệu có đòi được không?

Nghèo thì lấy gì mà nuôi

Không giống như chồng cũ của chị Mỹ, anh chồng của chị Lý Thị Thơm (Từ Liêm, HN) lại trốn khoản trợ cấp nuôi con bằng chiêu "nghèo". Sau khi ly hôn, anh ta chuyển về sống cùng bố mẹ già. Đứa con trai để lại cho vợ nuôi với lý do "con nhỏ cần mẹ hơn bố". Khoản cấp nuôi con hàng tháng cũng được anh ta đồng ý trước Tòa là 700.000 đồng/tháng. Ấy thế nhưng sau khi ly hôn xong, anh ta chưa một lần mang tiền đến thăm nuôi con.

Chị Thơm kể gần 5 năm về làm vợ anh ta, chị chưa một lần có diễm phúc được cầm tiền chồng đưa hàng tháng. Lương đi làm về anh ta để riêng bảo là "lo công to việc lớn", chuyện cơm nước hàng ngày chị Thơm phải lo liệu. Ban đầu chị nghĩ như vậy cũng tốt, đằng nào mà chẳng phải tiết kiệm một khoản để xây lại nhà cửa, đổi xe, sắm sửa một số thứ.

Thế nhưng mấy năm trôi qua, nhà cửa sập sệ quá, chị muốn cơi nới một tí cho nó tinh tươm nên đã hỏi tiền tiết kiệm bao năm của chồng để lo liệu. Ai ngờ anh ta bảo chẳng có đồng nào, tiền kiếm được tháng nào tiêu hết tháng đấy. Chị cay đắng phát hiện ra chuyện cờ bạc của chồng. Vậy là bao năm nay, chị nuôi báo cô một anh chồng đi làm chẳng đủ để đánh cờ bạc. Mâu thuẫn xẩy ra, cực chẳng đã chị đành làm đơn ly hôn. Chị muốn giải thoát khỏi anh chồng vô trách nhiệm ấy.

Chị cứ ngỡ không có trách nhiệm với vợ thì ít ra anh ta cũng phải có trách nhiệm với con sau khi ly hôn. Không ngờ, chồng cũ của chị vẫn chứng nào tật ấy. Mỗi khi hỏi đến tiền trợ cấp nuôi con, anh ta đều bảo "nghèo lấy gì mà nuôi con, thân mình lo không nổi còn phải về ăn bám bố mẹ". Chị Thơm bất lực nhưng nghĩ đến khoản tiền ấy nếu góp lại mỗi năm cũng có được một món tiền để dành cho con trai chị sau này ăn học nên chị quyết đòi bằng được. Nói là thế nhưng chị cũng không biết phải dùng cách nào để đòi nợ nuôi con từ chồng cũ. Cứ cái chiêu bài "nghèo" kia, không biết đến bao giờ anh ta mới có tiền để góp nuôi con?

Món nợ khó đòi

Chuyện "cha trốn, mẹ đòi" trong chuyện trợ cấp nuôi con sau ly hôn không còn lạ. Một bộ phận biện minh rằng vì điều kiện nên không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một bộ phận cố tình "quỵt" với nhiều lý do. Có người bảo "ghét mẹ" nên "ghét luôn cả con" nên cố tình không chu cấp tiền nuôi con.

Một số phụ nữ nhận nuôi con sau ly hôn nếu có điều kiện kinh tế thì cũng chẳng cần khoản tiền trợ cấp nuôi con ấy. Họ có thể nuôi con một mình ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, cũng có người do khả năng kinh tế eo hẹp nên rất cần khoản trợ cấp ấy từ chồng cũ để lo cho con. Thế nhưng, sự vô trách nhiệm cộng với thái độ thờ ơ của những người cha đã vô tình đẩy đứa con của mình vốn dĩ đã thiệt thòi lại càng bị thiệt thòi hơn.

Theo thống kê, hằng năm số vụ án xử đòi tiền trợ cấp nuôi con tại các Tòa án không phải là ít. Tuy nhiên, án có tuyên nhưng thực tế việc chấp hành án lại là một chuyện. Nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn vẫn bị một số người cha "vô tình" bỏ quên. Và với những người mẹ, đó vẫn là những món nợ khó đòi dù họ đã dùng hết mọi cách.
 
Theo ĐSGĐ
Chia sẻ