Chống Bạo lực trên không gian mạng: Góp phần giữ trật tự xã hội và bình yên cho người dùng internet
Thực trạng nổi cộm và nóng bỏng hiện nay khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ kéo theo sự khó kiểm soát về thông tin và nhân dạng dẫn đến rất nhiều cá nhân đã và đang bị bạo lực, đe dọa trên không gian mạng, hậu quả vô cùng đau lòng.
Ngày 6/12, tại Văn phòng chính phủ đã diễn ra buổi "Toạ đàm Chống Bạo lực trên không gian mạng", đưa ra các giải pháp phòng chống vấn đề bạo lực trên không gian mạng, góp phần giữ trật tự xã hội và bình yên cho người dùng internet cũng như bảo vệ danh dự và nhân phẩm của các cá nhân trong thời đại 4.0.
Số liệu từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), chỉ tính riêng trong tháng 8/2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 240 cuộc gọi có nội dung liên quan tới xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có 67 cuộc gọi liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, 22 cuộc gọi liên quan tới các tình huống trẻ em bị bạo lực, bắt nạt trên môi trường mạng... Dựa vào các cuộc gọi tiếp nhận, các nhân viên Tổng đài 111 đã thực hiện 11 ca can thiệp các tình huống xâm hại, dụ dỗ, bạo lực, xúc phạm trẻ em trên môi trường mạng.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân
Ông Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chia sẻ, với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ có nhiều mặt tốt cho cuộc sống của mọi người, nhưng rất nhiều độc hại tràn lan trên mạng, trong đó có bạo lực mà mọi người nghĩ đây là cuộc sống ảo, nhưng thật sự thì nó đang hiện hữu.
Theo ông Biên, việc ngăn chặn bạo lực trên không gian mạng, cần phải có sự phối hợp giữa các bộ như; Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an, cụ thể là Cục an ninh mạng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Biên cho rằng, trên không gian mạng cần phải quản lý chặt chẽ, có nguyên tắc, cách ứng xử: "Tôi cho rằng, bề mặt pháp luật phải có sự răn đe, nghiêm minh, phải có sự phối hợp như vậy thì mới có thể ngăn chặn, hạn chế được những vấn đề bạo lực trên không gian mạng". Mặt khác, theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, phải có sự tăng cường giáo dục.
"Trong nhà trường có giáo dục công dân. Kết hợp giữa giáo dục, giữa tuyên truyền với những biện pháp mạnh mẽ, pháp lý cao thì mới hạn chế được cái độc hại, cái xấu, đặc biệt là bạo lực trên không gian mạng", vị Nguyên Thứ trưởng nói.
Bà Dương Quỳnh Tâm, đại diện Văn phòng Luật sư Interla cho biết, bản thân từng là một nạn nhân của nạn bạo lực trên không gian mạng khi các đối tượng xấu đã cắt ghép, sử dụng công nghệ AI, sử dụng hình ảnh cá nhân của bà vào mục đích xấu cả về tình cảm và kinh tế, khiến cho cuộc sống cũng như tâm lý của bà bị đảo lộn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nạn bạo lực không gian mạng đối với trẻ em, thì hậu quả để lại đau lòng khủng khiếp hơn rất nhiều.
Nạn nhân Lê Huỳnh Bảo Ngọc, 15 tuổi - một ngôi sao nhí số 1 Việt Nam, có tài năng và nhan sắc, chưa đủ tuổi vị thành niên, đã và đang là nạn nhân của nạn bạo lực trên không gian mạng để lại hậu quả nặng nề.
Bảo Ngọc chia sẻ, em gặp nhiều áp lực từ những cuộc "tấn công online" nhưng cú sốc đối với em cách đây hơn 1 tháng đến nay vẫn chưa thể trở lại bình thường vì "cơn bão comment" từ cộng đồng mạng vô cùng thiếu chuẩn mực, đã khiến em phải tạm thời nghỉ học cùng mẹ ra Hà Nội tạm lánh và tìm đến các bác sĩ. Hôm nay được tham dự buổi tọa đàm, Bảo Ngọc cảm thấy đang lấy lại bình yên vì có các chuyên gia cũng như một số đại diện cơ quan chức năng đồng hành.
Theo Bảo Ngọc, nguyên nhân được bắt nguồn từ đoạn video kể về thời gian làm việc chung với một bạn diễn viên nhí của một nữ YouTuber nổi tiếng. Trong video, nữ YouTuber chỉ trích nữ diễn viên nhí này đã có những hành động và thái độ ứng xử không tốt. Dù nội dung không tiết lộ tên của đối phương, nhưng nhiều người đều cho rằng đó là Bảo Ngọc và bắt đầu em bị rất nhiều thành viên tấn công với mọi lời lẽ thô tục, thậm chí có những bình luận hẹn em "đánh nhau" hoặc nếu gặp sẽ đánh.
"Con không dám đến lớp vì bị cô lập, có thể khóc bất cứ lúc nào; đồng thời có hành vi mất kiểm soát như la hét, thậm chí tự làm tổn thương bản thân và từng 2 lần nghĩ tới việc kết thúc cuộc sống vì khủng hoảng", Bảo Ngọc cho biết, dù trong các đoạn video, hoặc bình luận che mặt hoặc tên nhưng các bạn không khó để nhận ra, ấn định đó chính là em, khiến em phải tạm thời nghỉ học .
Là người luôn đồng hành cùng con, bà Trần Kiều Oanh, mẹ Bảo Ngọc cho hay, con gái vẫn đang tuổi học trò nên việc sử dụng điện thoại hoàn toàn do mẹ kiểm soát (mẹ và con dùng chung điện thoại -PV). Trang cá nhân của Bảo Ngọc có hơn 2 triệu lượt theo dõi, bà không thể tin được khi chứng kiến những cuộc tấn công diện rộng dồn dập đến nỗi người mẹ này không thể kiểm soát hết các bình luận thô tục cùng những lời thóa mạ và cả đe dọa đến cuộc sống hằng ngày.
"Mỗi ngày 8 tiếng, hai mẹ con khóc tới 7 tiếng, còn một tiếng lấy lại sức. Bảo Ngọc đã từng có lần nghĩ quẩn, nhảy qua cửa sổ chung cư, may mắn khe cửa hẹp, tôi kịp kéo lại, bây giờ vẫn còn in vết. Khi ấy, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc", bà Kiều Oanh kể.
Khi đối mặt với bạo lực mạng: Nên đối diện với sự thật, làm việc với luật sư, công an
Ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Vinalink khẳng định, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực trên không gian mạng, trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề và lâu dài nhất.
Theo ông Anh Tuấn, bất cứ ai khi đưa ra các quan điểm trái chiều, ngay lập tức sẽ chịu tấn công ở các quy mô khác nhau.
Qua nghiên cứu thực tế, hiện nay có thể chia người dùng mạng xã hội thành các nhóm, bao gồm: nhóm mong muốn tăng lượng theo dõi nhờ các vụ việc đang được quan tâm; nhóm có động cơ rõ ràng để tấn công, hạ bệ người khác và nhóm luôn có hiềm khích với cuộc sống.
"Trong nhiều trường hợp, các đối tượng tìm mọi thông tin cá nhân như tài khoản mạng xã hội, e-mail, số điện thoại... để lăng mạ, hạ nhục", chuyên gia Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn thông tin thêm, qua nghiên cứu thực tế, hiện nay có thể chia người dùng mạng xã hội thành các nhóm, bao gồm: nhóm mong muốn tăng lượng theo dõi nhờ các vụ việc đang được quan tâm; nhóm có động cơ rõ ràng để tấn công, hạ bệ người khác và nhóm luôn có hiềm khích với cuộc sống.
Theo chuyên gia, trong trường hợp trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, các nạn nhân cần phải bình tĩnh xem xét; đồng thời sớm có tiếng nói chính thức, đưa ra thông tin sự thật kèm theo các dẫn chứng cụ thể.
Riêng đối với trường hợp nạn nhân là trẻ em, người lớn cần khẩn trương khóa các tài khoản mạng xã hội đang bị tấn công; tách trẻ ra khỏi môi trường độc hại; tạo ra không gian sống tích cực cho các bé.
"Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, nạn nhân nên liên hệ với các văn phòng luật sư để lập các vi bằng; đồng thời thông báo với các cơ quan chức năng như công an, các em cũng có thể thông báo với nhà trường, tìm cách liên hệ với đại diện quản lý của các mạng xã hội để có biện pháp xử lý sớm. Điều quan trọng, bản thân chúng ta phải tỉnh táo, bình yên và có năng lượng tốt, thì xử lý mọi việc cũng sẽ vậy", ông Tuấn nhấn mạnh.
Pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc
Dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Anh Tuấn, Luật gia thuộc Văn phòng Luật sư Interla cho biết, vấn đề bạo lực trên không gian mạng hiện nay đang rất nóng bỏng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói, pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc nhằm giải quyết tình trạng nói trên như Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
"Ngoài ra, các hành vi bạo lực trên không gian mạng cũng có thể cấu thành tội phạm theo Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội Vu khống, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của các cá nhân, tổ chức", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em... Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết.