Chọn sàn gỗ tự nhiên hay công nghiệp?

Tuấn Anh,
Chia sẻ

Lắp sàn gỗ là một trong những lựa chọn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc chọn loại sàn gỗ nào cho phù hợp thì không phải ai cũng biết.

Những năm gần đây, với tính thẩm mỹ cao, dễ dàng vệ sinh và mang đến cảm giác sang trọng, ấm áp, sàn gỗ trở thành loại vật liệu phổ biến trong các công trình nhà ở. Sàn gỗ hiện nay có 2 loại chính gồm gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp. 

Bề mặt sàn gỗ tự nhiên thường có vân gỗ đẹp và bóng mịn. Ngoài ra, sàn gỗ tự nhiên cũng ít khi bị mối mọt tấn công và chống trầy xước, đặc biệt có khả năng cách điện và cách nhiệt tốt. Tuy nhiên, loại sàn này khá đắt đỏ. 

Sàn gỗ công nghiệp được làm từ loại gỗ có 80% bột gỗ và 20% các chất phụ gia. Sàn gỗ công nghiệp có khả năng chống xước và có độ nhám nhiều hơn. Sàn gỗ công nghiệp có giá thành rẻ hơn sàn gỗ tự nhiên nhưng rất kỵ nước do được làm từ keo ép cùng bột gỗ. Nếu tiếp xúc với nước lâu, các tấm gỗ này sẽ bị phá hủy kết cấu và mất khuôn.

Sàn gỗ cho ngôi nhà ấm áp - Ảnh 1.

Sàn gỗ tự nhiên và nhân tạo đều có ưu, nhược điểm riêng. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm chọn sàn gỗ dưới đây.

Ưu, nhược điểm của sàn gỗ tự nhiên

Sàn gỗ tự nhiên thường được làm từ loại gỗ có bề mặt cứng, chịu lực tốt, chống ma sát, mài mòn cao, sạch và mát. Loại sàn này còn có vân gỗ bóng đẹp, độ bền cao và mùi hương dễ chịu. Nhược điểm của sàn gỗ tự nhiên là dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết, độ ẩm không khí. Sàn gỗ tự nhiên giữ màu không tốt, sau 2-3 năm phải đánh véc-ni để sàn bóng đẹp.

Sàn gỗ cho ngôi nhà ấm áp - Ảnh 2.

 Ưu, nhược điểm của sàn gỗ công nghiệp

Sàn gỗ công nghiệp có ưu điểm là lắp đặt nhanh, có thể sử dụng ngay sau khi lắp đặt. Màu sắc của sàn gỗ công nghiệp hiện nay rất đa dạng, có nhiều kiểu vân gỗ. Loại sàn này khó trầy xước, mài mòn, bền màu. Bên cạnh đó, sàn gỗ công nghiệp không bị mối mọt, cong vênh, co ngót dưới tác động của thời tiết; chịu được nhiệt độ cao, hạn chế bén lửa, chống cháy đối với tàn thuốc lá; chống bám bẩn, vệ sinh dễ dàng. 

Tuy nhiên, sàn gỗ công nghiệp có nhược điểm là không sử dụng được cho các công trình ngoài trời, độ bền sẽ bị ảnh hưởng khi sử dụng trong môi trường đọng và ngập nước. Sàn gỗ công nghiệp chỉ sử dụng cho công trình có độ phẳng nhất định, không thể uốn cong hay chạm trổ hoa văn.

Sàn gỗ cho ngôi nhà ấm áp - Ảnh 3.

 Cách lựa chọn sàn gỗ cho không gian nhà

Sàn gỗ màu sáng sẽ phù hợp với không gian nhỏ, hẹp và ít ánh sáng. Nếu muốn sử dụng sàn tối màu, bạn nên chọn các vân gỗ liền mạch, không nên sử dụng nẹp nối giữa các phòng. Ngược lại, không gian rộng lớn có thể sử dụng màu gỗ đa dạng hơn.

Sàn gỗ cho ngôi nhà ấm áp - Ảnh 4.

Khi chọn màu sàn gỗ, nhiều người thường lựa chọn theo đồ nội thất. Nội thất theo kiểu truyền thống người Việt sẽ phù hợp với sàn gỗ có màu trung tính và ấm áp như vàng, đỏ. Phong cách nội thất cổ điển châu Âu thường sử dụng nội thất màu trắng nên sẽ tương thích với sàn gỗ đậm và tối màu như đen hoặc nâu đen. Nếu yêu thích phong cách kiến trúc hiện đại, bạn có thể chọn nền gỗ sáng màu và đơn giản.

Sàn gỗ cho ngôi nhà ấm áp - Ảnh 5.

 Lưu ý

Sàn nhà bằng gỗ là vật liệu nhạy cảm nên khi sử dụng cũng cần chăm chút để chúng kéo dài tuổi thọ. Vì thế, bạn nên:

- Lau sàn gỗ với khăn ẩm hoặc dùng máy hút bụi.

- Không dùng xăng, dầu hoặc các chất tẩy rửa mạnh để xử lý các vết bẩn cứng đầu.

- Nếu độ ẩm không khí cao, hãy đóng kín cửa đến tránh hơi nước vào trong nhà.

Sàn gỗ cho ngôi nhà ấm áp - Ảnh 6.

- Sàn bằng gỗ nếu bị tiếp xúc ánh nắng trong thời gian dài sẽ giãn nở. Do đó, bạn hãy dùng rèm che mỏng ở cửa kính vào ban ngày. Cách làm này sẽ giúp màu của sàn được giữ lâu hơn.

- Sàn gỗ công nghiệp chỉ được dùng trong nhà và tránh tiếp xúc với nước.

- Theo kinh nghiệm chọn sàn gỗ, với sàn gỗ tự nhiên, bạn có thể chọn gỗ giáng hương xuất xứ từ Việt Nam và Lào hoặc sàn gỗ sồi Mỹ và Nga. Với sàn gỗ nhân tạo, bạn có thể chọn các thương hiệu như Conwood (Thái Lan), Kronotex, Kahn (Đức) và Kronoswiss (Thụy Sỹ)…

Chia sẻ