Chọn phương pháp giáo dục Montessori, Reggio Emilia hay Steiner? Đây là những thông tin cần thiết nhất bố mẹ cần nắm rõ
Montessori hay nhiều mô hình giáo dục khác như Steiner, Reggio Emilia... xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây và ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn.
Các chương trình giáo dục "nhập khẩu" được Việt hóa cho phù hợp với văn hóa, bối cảnh xã hội... đang góp phần tạo nên sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy, bên cạnh lối giáo dục truyền thống tại Việt Nam. Mỗi trường sẽ lựa chọn cho mình một phương pháp giáo dục riêng biệt nhưng cũng có nhiều trường đã kết hợp nhiều phương pháp, hay tinh thần triết lý để tạo ra phương pháp của riêng mình.
Trong số đó, có thể kể đến những cái tên đã dần quen thuộc với phụ huynh như Montessori, Steiner, Reggio Emilia, Glenn Doman, ...
Tất cả các chương trình giáo dục mầm non, các phương pháp tiếp cận, các mô hình khác nhau đều có điểm mạnh và hạn chế của nó nhưng trên hết, dù thuộc trường phái nào thì đều hướng tới sự phát triển tốt đẹp của đứa trẻ, không chỉ mang lại kiến thức mà còn giáo dục cả nội tâm bên trong và hành vi ứng xử xã hội bên ngoài.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được chỉ ra các điểm giống và khác nhau cơ bản của ba phương pháp giáo dục phổ biến: Montessori, Steiner, Reggio Emilia. Tùy theo tính cách của con em, các bậc phụ huynh hãy chọn trường mầm non với phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với khả năng và tư duy của trẻ.
Montessori là phương pháp giáo dục được sáng lập bởi nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, tập trung vào việc học dựa trên cảm giác thông qua các học cụ trực quan. Phương pháp này tin rằng, mỗi trẻ đều có lộ trình học tập riêng phù hợp, tôn trọng sự phát triển của từng cá nhân để các con có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Mục tiêu là phát triển giác quan, nhân cách, kỹ năng sống và khả năng học tập của trẻ.
Phương pháp Reggio Emilia có nguồn gốc từ nước Ý, từ một thành phố cùng tên gọi. Đây là một phương pháp giáo dục nhân văn, gần gũi, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục cộng đồng (community) và sự tự tìm hiểu khám phá (inquiry). Reggio Emilia giúp kích thích sự tò mò, quan sát của trẻ. Giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh từ đó tạo nên sự yêu thích tìm tòi học tập ở trẻ.
Steiner (Waldorf) là phương pháp giáo dục sớm ra đời từ Đức, do triết gia người Áo Rudolf Steiner nghiên cứu. Triết lý của Steiner cho rằng trong những năm đầu đời, trẻ có thể học tập và tiếp thu kiến thức tốt nhất khi được ở trong môi trường mà trẻ có thể khám phá thông qua những hoạt động thực tiễn vô thức. Những hoạt động này tập trung vào trải nghiệm của chính bản thân trẻ, cho phép trẻ học thông qua ví dụ và các trò chơi tưởng tượng. Mục tiêu chung của giáo dục là tạo ra những em bé có cảm giác tốt đẹp với thế giới xung quanh.
Ba phương pháp khác nhau về phương thức giáo dục nhưng có rất nhiều điểm giống nhau:
Giúp kích thích trẻ phát triển về trí lực, sức sáng tạo và những tiềm lực về mặt xã hội.
Trẻ là trung tâm, sự phát triển của trẻ là tự nhiên, đầy tính sáng tạo và tự chủ.
Người giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, chỉ giúp trẻ khi cần thiết, tôn trọng lựa chọn của trẻ.
Giáo viên phải rất cẩn thận, dịu dàng, nhỏ nhẹ và chuẩn mực để làm gương cho trẻ.
Giáo dục trong gia đình và nhà trường cùng xã hội được cho là kiềng ba chân, không tách rời.
Không thưởng phạt, không thi đua cạnh tranh, không phán xét.
Đánh giá học sinh không thông qua các bài kiểm tra.
Những khác biệt của ba phương pháp giáo dục này có thể kể đến:
Cách thức giáo dục
Montessori: Có các học cụ riêng, lớp học trộn độ tuổi, bắt đầu từ những hoạt động thực tiễn, môi trường học tập phù hợp với độ tuổi. Học cụ phong phú, giúp trẻ chủ động học tập và khám phá. Học cụ bao gồm cảm quan, toán học, khoa học, ngôn ngữ, thực hành cuộc sống.
Trẻ được làm mọi thứ một cách độc lập. Nếu như hỏi các bạn học Mon rằng con ở trường chơi gì thì các bạn sẽ trả lời là con đang làm việc chứ không phải chơi. Những đứa trẻ Montessori ăn nói nhỏ nhẹ, tôn trọng bản thân và người khác, luôn khám phá và ham hiểu biết, cũng như luôn muốn giúp đỡ và cực kỳ tôn trọng cái tôi của người khác và chính mình.
Phương pháp giáo dục Montessori nhấn mạnh vào tính thực tế. Trẻ cần phân biệt được thế giới thực và ảo.
Steiner: Giống như các lớp học theo phương pháp Montessori, trẻ trong một lớp Steiner thường từ 3-6 tuổi. Steiner tập trung vào các hoạt động vui chơi, phát triển trí tưởng tượng, hòa mình vào tự nhiên thay vì thụ động tiếp thu tri thức học thuật. Học tập ở Steiner là niềm vui. Là sự khơi dậy, nhớ lại, chứ không phải nhồi nhét.
Steiner luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tưởng tượng trong suốt quá trình học tập, luôn mang tính nghệ thuật vào trong các hoạt động của trẻ. Ở giai đoạn mầm non, kể truyện trong không gian lung linh cổ tích với búp bê, rối, học cụ được làm tỉ mỉ từ chính cô và trẻ là một phần không thể thiếu trong phương pháp giáo dục Steiner.
Không có món đồ chơi nào được định hình một cách chơi cụ thể. Đồ chơi được thiết kế từ gỗ, vải, tối giản nhất chi tiết và màu sắc. Các em có thể sử dụng ghế xếp lại thành toa tàu hoặc chiếc xe buýt,…
Reggio: Các bài học được tiến hành như các dự án, trẻ được thể hiện và trình bày việc học của mình dưới mọi hình thức. Reggio Emilia chú ý tới sự hợp tác, hoạt động nhóm, kỹ năng xã hội, hoạt động mở, mở rộng dần, khả năng biểu đạt và thể hiện, sự linh hoạt, ngẫu hứng, tự do và sáng tạo. Giáo viên có nền tảng về nghệ thuật và trường thường có phòng nghệ thuật cho giáo viên và cho trẻ.
Bạn có thể bắt gặp nhiều loại nguyên liệu từ tự nhiên như gỗ; nhựa; kim loại; gốm và thủy tinh; len, sợi cho đến vật liệu từ giấy và gói đồ hàng trong một môi trường Reggio. Những Loose Parts này (tập hợp của các vật liệu tự nhiên hoặc nhân tạo được trẻ sử dụng để sáng tạo nên các ý tưởng trong khi chơi) sẽ giúp quá trình tự quan sát, học hỏi và tương tác đến một cách tự nhiên với trẻ.
Thiết kế các buổi học
Montessori: Lớp học chia thành các góc được bố trí riêng rẽ, khoa học. Các hoạt động của trẻ thường do trẻ tự lựa chọn tùy theo giai đoạn, độ tuổi, bài học mới chỉ dành cho trẻ đã sẵn sàng. Chú trọng vào giáo dục khoa học tự nhiên.
Steiner: Các môn học ở Steiner cũng đa dạng, phong phú, không chỉ tập trung vào các môn vẫn được xem là “môn chính” như khoa học, ngôn ngữ, toán học mà còn có kịch nghệ, thủ công, hội họa, điêu khắc… và từ đó tìm ra thế mạnh, niềm đam mê của chính mình. Steiner chú ý nhiều hơn đến việc giáo dục nghệ thuật và thủ công.
Reggio: Giáo viên là người đưa ra các ý kiến mang tính dẫn dắt, trẻ là người lựa chọn chủ đề và quyết định không gian thời gian cho các chủ đề bài học. Nền tảng của phương pháp tiếp cận nằm ở cái nhìn độc đáo của trẻ với môi trường quanh chúng để khuyến khích “hàng trăm ngôn ngữ của trẻ”. Trẻ được trao và được tôn trọng những quyền hạn cụ thể để tự quyết định sẽ học gì, làm gì và làm như thế nào dưới sự quan sát của giáo viên và phụ huynh.
Môi trường học tập
Montessori: Giáo viên chủ yếu là quan sát trẻ, trẻ tự hoạt động, không gian im ắng, bình yên, đôi khi có tiếng trao đổi giữa các trẻ, đôi khi nở những nụ cười chân thành. Ở đây giáo viên và trẻ tìm được sự bình yên bên trong.
Trẻ trộn độ tuổi và tham gia các hoạt động cùng nhau. Trẻ thông qua chơi các giáo cụ để học tập, mỗi giáo cụ đều có kích thước hình dáng màu sắc đều đã được nghiên cứu kĩ lưỡng, giáo viên thông qua các giáo cụ truyền tải cho trẻ các bài học.
Steiner: Giáo viên rất chú ý đến giáo dục thiên nhiên. Ví dụ, khi trời mưa, trẻ em sẽ mang ủng đi mưa và đi mưa ra ngoài và bước lên mặt nước và kể câu chuyện về mưa. Đồ chơi trong lớp đều là những khúc gỗ, và chúng thực sự có hình dạng của gỗ.
Giáo dục Steiner tin rằng thiên nhiên tràn đầy sức sống và có thể nuôi dưỡng sự phát triển khỏe mạnh cho trẻ em. Do đó, nhiều trường chọn xây dựng ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn cách xa thành phố và được thiết kế như một khu vườn. Các bức tường bên trong có màu hồng tạo cho trẻ cảm giác ấm áp và an toàn.
Các hoạt động nghệ thuật rất độc đáo: vẽ màu nước, làm thủ công, nặn sáp ong, làm bánh, cắt giấy, dệt...
Reggio: Các em đến trường vào buổi sáng và đi đến cửa sổ và nói với giáo viên: "Cô ơi, hôm nay trời nắng quá." Cô giáo nói: "Tốt hơn là ra vườn ngoài trời để tắm nắng hôm nay".
Giáo viên dắt trẻ ra ngoài, bạn A và B đóng vai những bông hoa, C và D đóng vai côn trùng, sau đó A và B hỏi những giáo viên: "Tại sao hoa này có màu đỏ?" C và D hỏi: "Tại sao con bướm bay?" Sau đó, giáo viên nói, "Wow, chúng ta hãy học cách tìm hiểu."
Sau đó trẻ sẽ tìm hiểu và thu thập các thông tin về chủ đề mà mình đóng vai. Các thông tin, tài liệu có thể là những thứ trẻ tìm được trong cuộc sống như tranh ảnh, đồ vật. Trẻ cũng có thể dùng bất cứ cách nào để trình bày lại kết quả của mình như vẽ, gấp...
Tóm lại, Montessori, Steiner và Reggio hay nhiều phương pháp giáo dục khác đều có những khái niệm giáo dục tuyệt vời. Điểm chung của các mô hình này là tạo dựng môi trường giáo dục tích cực để hỗ trợ trẻ phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Quan trọng nhất, giáo dục phải mang đến cho trẻ sự nhận biết mình là ai, được tự do thể hiện bản thân, phát triển lành mạnh, trở thành con người tự tin, trách nhiệm và hạnh phúc. Điều đó đòi hỏi một quá trình, chứ không phải chỉ trong những năm đầu đời.