Chọc ghẹo bạn, bé trai 14 tuổi bị phóng kéo vào lưng xuyên thấu ngực
Trong lúc đi cắt tràm mướn, đứa bé chọc ghẹo làm bạn nổi nóng, phóng kéo mạnh vào lưng. Cú phóng mạnh đến nỗi vết thương xuyên từ lưng thấu đến ngực, đặt đứa bé vào tình trạng vô cùng nguy kịch.
Chiều 20-7, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, nơi đây đã cấp cứu thành công cho trường hợp bệnh nhi T.H.T (14 tuổi) có vết thương thấu ngực rất nguy hiểm.
Theo lời kể từ người nhà, trong lúc bé T. và bạn đi cắt tràm mướn, bé có vui đùa chọc ghẹo và làm bạn nổi nóng, nên bạn phóng kéo cắt tràm vào lưng. Sau khi bị kéo phóng trúng, bé mệt lả người, chảy máu nhiều và lịm dần. Người nhà đưa bé vào BV cấp cứu và được các y bác sĩ tại BV nhi Đồng Nai chống sốc tích cực, truyền gần 1 lít máu rồi cấp tốc chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tại đây, sau khi thăm khám, các BS đánh giá tình trạng nguy kịch, mất máu nghiêm trọng không kiểm soát. Cần cấp cứu tối khẩn do vết thương thấu ngực có khả năng gây tổn thương mạch máu lớn.
Ngay lập tức, BV đã khởi động quy trình "Báo động đỏ". Bệnh nhi nhanh chóng được hồi sức và chuyển ngay lên phòng mổ thám sát nguyên nhân gây tình trạng mất máu trong khoảng thời gian dưới 20 phút.
Tại phòng mổ, sau khi mở ngực bệnh nhi, các bác sĩ xác định nguyên nhân gây chảy máu ồ ạt, không kiểm soát được là do một nhánh mạch máu xuất phát từ động mạch chủ (bị mũi kéo xuyên đứt rời.
Bé trai bị bạn phóng kéo thấu ngực.
Tiến hành khâu cột mạch máu này lại thì máu ngưng chảy, huyết áp của bệnh nhi được kiểm soát, các BS phẫu thuật tiếp tục lấy ra hết các khối máu đông, khâu lại các mô mềm và màng phổi bị rách và truyền thêm gần 1 lít máu cho bé trong suốt cuộc phẫu thuật. Nhờ vậy sau cuộc mổ, đứa bé thoát khỏi tử thần và được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để theo dõi tiếp.
ThS.BS. Vũ Trường Nhân - Trưởng ekip mổ cho biết, trường hợp này là vết thương thấu ngực, nhìn đường vào rất nhỏ, chỉ khoảng vài cm nhưng hậu quả thì khôn lường do vùng ngực có nhiều mạch máu lớn và các cơ quan quan trọng.
"Nếu mũi kéo xê dịch thêm vài cm về phía trong cột sống thì sẽ gây thủng rách động mạch chủ ngực và khả năng cứu sống bé là thấp do máu chảy nhanh, ồ ạt, không kiểm soát được... Thành công của ca mổ ngoài chuyên môn ra còn có sự phối hợp của các khoa phòng có liên quan thực hiên đúng quy trình báo động đỏ" – BS Nhân nói.