Choáng váng đất ngoại thành hơn 130 triệu/m2, khi đấu giá đất đã thành một "nghề"?
Trong phiên đấu giá đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, giá trúng đấu giá đạt mức cao kỷ lục, với lô cao nhất là 133,3 triệu đồng.
Có mặt tại khu đất đấu giá ngay sau vài tiếng đồng hồ phiên đấu giá kết thúc, trực tiếp gặp gỡ những người đã thức xuyên đêm để tham gia, hoặc theo dõi phiên đấu giá đất, không ít người tỏ ra choáng váng, bất ngờ, khi giá trúng đấu giá đất ở ngoại thành lại có thể ở mức cao như vậy. Giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng, cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2.
Bởi lẽ, theo ghi nhận, nhiều căn biệt thự, nhà liền kề, nằm gần đường lớn, đã có nhà xây sẵn ở quanh đây mới chỉ có giá 100-120 triệu đồng/m2. Trong khi đất đấu giá chỉ nằm trong thôn xóm, chỉ có mảnh đất trống, chưa xây dựng.
Ông Nguyễn Chí Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết: "Đối với việc ảnh hưởng đến giá chung, điều này liên quan đến thị trường chung. Đối với những đơn vị trực tiếp thực hiện, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện để đảm bảo nhiệm vụ được giao và nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện".
Việc đi đấu giá đất giờ đã được nâng lên thành một nghề
Tại khu đất đấu giá sáng nay, nhiều sàn giao dịch dã chiến đã ngay lập tức được dựng lên, nhận ký gửi, bán trao tay các mảnh đất trúng đấu giá, với giá chênh đang được rao cao nhất là 250 triệu đồng/lô. Điều này càng làm khẳng định thêm những lo ngại xung quanh sự tham gia của các hội nhóm đầu cơ, thao túng, đẩy giá đất đấu giá lên cao. Nhiều người dân xung quanh không khỏi lắc đầu trước mức giá cao này.
Anh Đỗ Đăng Chi - Huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Về đơn giá, ban đầu chỉ nghĩ 70-80 triệu đồng/m2, giờ lên đến 90-140 triệu đồng/m2, giá khá cao".
Mặt bằng giá cao hơn so với khu vực, nếu như nhà đầu tư không bán sang tay được, rất có thể họ sẽ lỗ và dẫn đến tình trạng bỏ cọc. Có một giả thuyết, nhưng thực ra là đã xảy ra tại nhiều khu vực khác.
Đó là tại xung quanh khu vực đất đấu giá này, có nhiều môi giới đã ôm đất trước đó. Việc họ đẩy giá trúng lên cao, sẽ giúp họ nâng giá trị của các mảnh đất họ đã ôm lên. Từ đó, họ dễ dàng kiếm lời từ việc bán các lô đất đã mua với giá rẻ trước đó. Còn mảnh đất mà họ đã trúng đấu giá, họ có thể sẵn sàng bỏ cọc, vì mức cọc thấp, chỉ hơn 100 tới gần 200 triệu đồng/lô.
Một giả thuyết khác, việc đi đấu giá đất giờ đã được nâng lên thành một nghề. Họ dễ dàng bán chênh được vài trăm triệu đồng, nếu may mắn trúng đấu giá. Nhưng dù là ở giả thuyết nào, việc liên tục phá kỷ lục về giá trúng đấu giá đất, cộng với tâm lý người người, nhà nhà đổ đi đấu giá đất, đang làm nảy sinh một lo ngại đây chính là chất xúc tác khiến thị trường bất động sản thiết lập mặt bằng giá mới.
Điều đáng nói là mức giá lại vượt xa giá trị thực. Vì liệu những mảnh đất nằm trong thôn xóm này, sẽ có người tới ở, xây nhà thật hay không, hay chỉ là chiêu trò của một nhóm đầu cơ, thổi giá. Và kết quả là người mua nhà đất để ở cuối cùng lại phải gánh chịu, khi họ phải đỏ mắt để tìm đất giá hợp lý, nhưng không dễ dàng tìm được.