Choáng ngợp với căn nhà toàn sứ xanh của cô gái Hà Nội: đúng nghĩa “có tiền mà không hiểu cũng chưa chắc mua được”
Các bộ gốm được sưu tập khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Chị Tường Vy (Hà Nội) là một người phụ nữ đâm mê sứ xanh nên đã tự tìm tòi và chìm đắm trong những men gốm cổ, tinh xảo.
Trong cuộc sống mỗi người sẽ có một sở thích, đam mê và thú chơi riêng, nó sẽ giúp bản thân chúng ta thấy thoải mái, vui vẻ và đôi khi giúp cuộc sống trở nên cân bằng hơn. Và một trong những niềm đam mê được nhiều người phụ nữ hiện đại theo đuổi là sưu tập đồ gốm, đặc biệt là dòng sứ xanh.
Với những họa tiết, hoa văn tinh xảo mà giá cả không hề rẻ, nhiều người phụ nữ sẵn sàng chi "tất tay" và ngao du khắp các nước trời Âu để có thể tìm được cho mình món đồ yêu thích.
Bộ sưu tập đồ gốm sứ của chị Nguyễn Trần Tường Vy hiện đang làm quản lý Công ty gia đình và kinh doanh khiến nhiều người phải xuýt xoa, ngưỡng mộ.
Đam mê sứ xanh bởi là "món đồ" không bị mai một theo thời gian, có giá trị bền vững
Chị Tường Vy bắt đầu niềm đam mê gốm sứ cũng được nhiều năm nay. Khi được hỏi về "cơ duyên" đến với gốm chị chia sẻ: "Vài năm trước khi gia đình mở một khách sạn nhỏ ở khu phố cổ Hà Nội. Ý tưởng thiết kế liên quan nhiều đến văn hóa di sản. Nên mình cùng nhóm thiết kế cùng nhau tìm một số đồ gốm sứ truyền thống về trang trí cho sảnh tiếp tân. Nhưng nào ngờ trong chuyến đi đó mình nảy sinh tình yêu với gốm sứ luôn".
Đúng là gốm sứ có một sức hút gì đó mà chỉ cần tìm hiểu sơ qua chút đã khiến cho nhiều người mê đắm. Không ồn ào, phô trương, thú chơi gốm, sứ cổ như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hoá, mà người chơi giữ vai trò kết nối sợi dây văn hoá giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại.
Cũng giống như nhiều người phụ nữ khác chị Vy cũng từng có đam mê với túi xách, giày dép hàng hiệu cao cấp, sức hút của những phụ kiện đó không trừ một ai. Nhưng với công việc ngày càng bận rộn, chăm sóc gia đình, con cái, chị Vy không còn mặn mà quá nhiều nữa. Rồi dần dần chị quan tâm đến những giá trị bền vững lâu dài hơn, những giá trị không bị mai một theo thời gian. Và rồi đúng lúc đó chị tìm đến gốm sứ. "Gốm sứ có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thiết kế đẹp và tinh xảo chính là một trong những thứ như vậy", chị Vy chia sẻ.
Nhưng để chơi được sứ xanh thì không hề dễ bởi đây là "một nghề chơi cũng lắm công phu". Từ nhận diện các loại gốm khác nhau, phân biệt chúng như nào... Rất may với chị Vy có người bạn thân cũng sưu tập đồ gốm sứ Hà Lan và châu Âu nên việc mày mò, tìm hiểu, trao đổi với nhau trở nên dễ dàng hơn, "Chơi đồ gốm là phải không ngừng tìm hiểu, tìm kiếm thông tin giá trị và học hỏi không ngừng".
Vi vu khắp các chợ cổ, các sàn đấu giá để sưu tập cho được món đồ đặc biệt
"Chơi" sứ xanh thì phải chịu khó tìm tòi, chịu khó đi đó đi đây thì mới "săn" được đồ độc và hiếm. Mỗi món đồ có giá không hề rẻ dao động từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu.
Chị Tường Vy dù rất bận công việc kinh doanh cũng như chăm sóc con cái nhưng luôn dành thời gian nhất định cho đam mê của mình. Hầu như mọi ngóc ngách trong nhà, công ty đều sẽ được có một không gian riêng để trưng bày.
Những món đồ gốm được chị sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau, từ những lần rong ruổi chợ trời châu Âu đến những khu đồ cổ Thượng Hải, hay mua đấu giá trên eBay (một website đấu giá trực tuyến, nơi mà mọi người khắp nơi trên thế giới có thể mua hoặc bán hàng hóa và dịch vụ) hay nhờ bạn bè người thân "săn lùng" hộ trong những tiệm antique… "Càng đam mê tìm tòi sẽ càng có thêm nhiều mối quan hệ giúp ta tiếp cận với những sản phẩm giá trị và chất lượng hơn", chị Vy chia sẻ.
Khi được hỏi về giá cả của những bộ sưu tập của mình chị Vy cho biết: "Không muốn đề cập đến con số cụ thể cho đam mê của bản thân". Có lẽ với những người có niềm đam mê vô hạn với đồ gốm, nếu đã chạm phải món đồ mình yêu thích, thì kiểu gì cũng cố mua cho bằng được, giá tiền không còn quá quan trọng.
Tâm đắc nhất khi sở hữu bộ đĩa ăn niên đại từ cuối thế kỉ XIX trong BST
Với mỗi dòng gốm đều có những đặc trưng riêng nhưng có lẽ đối với những người chơi gốm "sành" thì những đường vân, hoa văn sẽ là điểm gây chú ý bởi những đường nét đó thể hiện tay nghề của nghệ nhân, những tâm tư được gửi gắm trong đó.
Trong bộ sưu tập gốm của mình chị Vy đã ấn tượng nhất với bộ đĩa ăn Aynsley. Chia sẻ về quá trình mua được bộ đĩa đó, chị Vy cho biết: "3 năm trước trong lần thăm người nhà tại London (Anh), mình vô tình bắt gặp set đĩa ăn Aynsley được trưng bày tại một tiệm bán đồ cổ khá khiêm tốn trong một khu phố nhỏ. Set đĩa có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 19, trong tình trạng gần như hoàn hảo khiến mình cảm thấy thật may mắn khi tìm thấy món hàng quá tuyệt cho một cái giá khá hợp lý".
Niềm đam mê của chị luôn được gia đình ủng hộ, chị luôn được chồng chở đi xem đồ và nhờ bạn bè ở nước ngoài tìm đồ hộ để làm cho bộ sưu tập gốm trở nên phong phú hơn. Ngoài ra, con cái cũng luôn giữ gìn và thích thú với những món đồ mà chị sưu tập.
Có thể nói, những món đồ nho nhỏ hằng ngày như ly tách, chén bát, bình hoa bằng gốm thể hiện sự tinh tế trong lối sống. Sức hút của những món đồ sứ có thể nói là "không chừa một ai" khi đã lỡ chạm ánh mắt vào những đường vân, họa tiết tinh xảo.