Choáng ngợp trước khung cảnh nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam được các đoàn phim chi tiền tỷ để phục dựng
Các địa danh như trường học B’lao, làng chiếu Định Yên, chợ nổi miền Tây… được tìm kiếm nhiều đột xuất sau khi lên phim.
Những ngày gần đây, đạo diễn Lý Hải nhận được sự quan tâm đặc biệt khi tiết lộ hành trình tái hiện một làng nghề truyền thống làm bối cảnh trong bộ phim sắp ra mắt. Tuy rằng ý tưởng không mới nhưng để có thể phục dựng kỳ công và chân thực như đoàn phim vẫn là hiếm có ở Việt Nam, rất ít nhà làm phim dám thực hiện. Song, nếu đã làm được, chắc hẳn đều để lại tiếng vang lớn.
Làng dệt chiếu Định Yên
Bối cảnh mà chúng tôi muốn nhắc đến trong phim mới của Lý Hải là làng nghề dệt chiếu Định Yên ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Đây vốn là một ngôi làng có tuổi đời hơn một thế kỷ, gắn bó với nhiều thế hệ cư dân bên dòng sông Hậu. Năm 2013, làng chiếu còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Thế nhưng, qua năm tháng, nghề truyền thống đã lụi dần, chỉ một số ít các cơ sở hoạt động có quy mô còn duy trì.
Theo tiết lộ, để làm bối cảnh cho Lật Mặt 6, nhà làm phim đã mua từng bó lát, xây lại từng lò nhuộm, dựng lên các giá phơi lát, phơi chiếu, kéo dài cả một con đường dẫn vào làng. Không những thế, một khu chợ được xây mới và hàng trăm chiếc chiếu hoa xuất hiện, cùng người dân và các diễn viên tái hiện lại phiên chợ “âm phủ”. Chính những “bô lão” ở Định Yên đã xúc động nói rằng, họ như được trở về thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề truyền thống.
Địa chỉ: xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.
Giá vé: miễn phí.
Trường học B’lao và quán cafe Tùng
Em Và Trịnh là bộ phim tái hiện lại những nét đặc sắc trong cuộc đời thăng trầm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi thế nên, toàn bộ các cảnh quay trong phim đều diễn ra ở quá khứ, trải dài từ những năm 1960 -1990. Mặc dù có thể tận dụng một số địa danh và nhờ đến kỹ xảo nhưng trong quá trình làm phim, nhà sản xuất đã cho dựng lại không ít bối cảnh.
Trong đó phải kể đến khung cảnh trường học B’lao ở Lâm Đồng, nơi nhạc sĩ họ Trịnh từng tới công tác một thời gian. Tuy không thể trở lại đúng địa điểm ban đầu nhưng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và ekip đã dựng hẳn một “phiên bản” trường B’lao mới trên ngọn đồi Tà Năng.
Cung đường Tà Năng - Phan Dũng nổi tiếng lắt léo, hiểm trở, vậy nên để có thể vận chuyển được nguyên liệu, đạo cụ, thiết bị và nhân lực tới đây cũng là cả một hành trình. Ekip đã di chuyển bằng công nông và làm việc không có sóng điện thoại trong nhiều giờ.
Trường Sơ học Bảo An - B’lao, Lâm Đồng - nơi Trịnh Công Sơn viết lá thư đầu tiên cho Dao Ánh, được dựng lại ở rừng Tà Năng. Ảnh: Em Và Trịnh.
Bối cảnh ở quán cà phê Tùng (Đà Lạt) tốn ít công sức hơn bởi nơi đây vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, để tái hiện lại không gian hoài niệm của buổi gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thì đoàn phim cũng phải bọc lại các trụ điện, sơn lại biển hiệu, bày trí lại bàn ghế… Thậm chí, con đường phía trước quán cà phê và tiệm đồng hồ cổ đối diện cũng cần làm lại.
Khung cảnh cà phê Tùng. Ảnh: Em Và Trịnh.
- Trường học B'lao
Địa chỉ: cung đường Tà Năng - Phan Dũng, Đức Trọng, Lâm Đồng.
Giá vé: miễn phí.
Lưu ý: Cung đường khó đi và nguy hiểm.
- Quán cà phê Tùng
Địa chỉ: 06 khu Hòa Bình, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cung An Định
Nếu ai đã từng xem Gái Già Lắm Chiêu V, hẳn vẫn còn nhớ những khung cảnh xa hoa, tráng lệ trong một ngôi biệt thự có tên Bạch Trà Viên, được miêu tả là cách biệt với thế giới bên ngoài. Sau khi phim công chiếu thì địa danh này được tìm kiếm không ngừng.
Trên thực tế, “phim trường” Bạch Trà Viên chính là một phần không gian trong cung An Định, nằm ở phía sau của lầu Khải Tường hay dựng ngay trên vết tích của nhà hát Cửu Tư Đài.
Cung An Định được coi là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của trường phái tân cổ điển đầu thế kỷ 20. Công trình này vừa mang dáng dấp của một tòa lâu đài châu Âu, nhưng vừa thể hiện nét truyền thống thông qua các hoạt tiết trang trí đặc trưng của cung đình triều Nguyễn ở cố đô Huế.
Cũng bởi để hài hòa với lối kiến trúc này nên sau khi chọn được bối cảnh chính, đạo diễn Victor Vũ đã chi hơn 2 tỷ đồng để dựng lên khu vườn Bạch Trà. Có hơn hơn 2000 cây bạch trà cùng nhiều loài cây đặc trưng của mảnh đất cố đô như thanh trà, hồng, chanh… tề tựu về đây. Không những thế, đài phun nước, tượng nữ thần và một số tiểu cảnh, thể hiện sự giao thoa văn hóa Á - Âu đã được bày trí và giữ lại để du khách chiêm ngưỡng.
Ảnh: Giái Già Lắm Chiêu
Ngoài ra, đoàn làm phim cũng thiết kế và dựng lại một số chi tiết bên trong các căn phòng ở cung An Định.
Địa chỉ: 179 Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Giá vé: (cập nhật mới nhất từ 02.2023)
- Tuyến tham quan Bảo tàng cổ vật + cung An Định: 80.000đ/người lớn.
- Cung An Định: 50.000đ/người lớn.
Miễn phí cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Chợ nổi miền Tây thuở xa xưa
Gần đây nhất, tháng 12/2022, đoàn phim Đất Rừng Phương Nam đã hé lộ hậu trường đầu tiên, cũng là bối cảnh chính của bộ phim, ở chợ nổi miền Tây. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chọn làng chợ nổi Trà Sư (An Giang) và huy động tới hơn 300 diễn viên quần chúng cho cảnh quay này.
Đoàn phim đã dựng thêm cả một cổng chợ lớn, tái hiện những biển hiệu vẽ tay xưa như Tiệm vàng - cầm đồ Kim Sang, Hiệu buôn vải Vĩnh Tường. Trên những chiếc thuyền, ghe xuôi ngược, chất đầy hàng hóa, mang đến không khí sôi động của những khu chợ nổi.
Thế nhưng, những phân cảnh này lại nhận về không ít ý kiến trái chiều. Bởi, nhiều khán giả nhận xét khung cảnh được sắp xếp quá gọn gàng, đến mức giả tạo, thiếu đi nét mộc mạc, giản dị của chợ nổi miền Tây xưa. Hay chưa cảm nhận được như những lời của Đoàn Giỏi viết từ góc nhìn nhân vật bé An trong nguyên tác: “Tôi ngồi đong đưa hai chân trên chiếc mui thuyền chở gạo ngóng lên chợ. Đền măng - sông ở các hiệu buôn, tiệm ăn của người Hoa kiều thắp lên sáng rực.”
Ảnh: Đất Rừng Phương Nam.
Mới là bối cảnh đầu tiên, phim hiện tại vẫn đang trong quá trình dựng. Vậy nên, hy vọng rằng trước những góp ý, đoàn phim Đất Rừng Phương Nam sẽ có những điều chỉnh để mang tới những thước phim đặc sắc nhất và những người tới thăm rừng tràm Trà Sư sẽ có thêm một địa điểm check - in đẹp.
Địa chỉ: Rừng tràm Trà Sư, Văn Giáo, Tịnh Biên, An Giang.
Giá vé: (cập nhật mới nhất đến 2022)
- Trọn gói: 200.000đ/người.
- Nếu mua vé theo địa điểm tự chọn thì giá vé tham quan bắt buộc: 100.000đ/người.