Choáng ngợp clip biển người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Hơn 800.000 lượt người đã đến tham dự Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ - lễ hội lớn nhất xứ Lạng với những phong tục văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

Mới đây MXH chia sẻ đoạn clip về khung cảnh hàng nghìn người tập trung tại một khu vực, thu hút sự tò mò của cư dân mạng rằng sự kiện gì mà có thể khiến nhiều người tham dự đến vậy.

Hàng trăm nghìn người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn

Được biết đây là khung cảnh diễn ra tại Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ - lễ hội lớn nhất trong năm của tỉnh Lạng Sơn, được tổ chức từ 19 - 24/2/2025 tức từ ngày 22 - 27 tháng Giêng.

Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ là sự kiện gắn liền với tín ngưỡng thờ Quan lớn Tuần Tranh và Đức Thánh Trần. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ được tổ chức trong dịp này, đặc biệt là lễ rước kiệu từ đền Kỳ Cùng tới đền Tả Phủ.

Choáng ngợp clip biển người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn - Ảnh 2.

Choáng ngợp clip biển người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn- Ảnh 2.
Choáng ngợp clip biển người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn- Ảnh 3.

Choáng ngợp clip biển người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn- Ảnh 4.

Toàn cảnh lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ trong ngày hội chính (24/2 - tức 27/1 âm lịch). Ảnh: Báo Lạng Sơn, MXH.

Điểm nhấn ấn tượng của lễ hội thu hút hàng ngàn người tham gia chính là màn cướp đầu pháo, một nghi thức mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Tại màn cướp đầu pháo, đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong đầu pháo người ta để một vòng kim loại, nối với đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát mặt đất.

Khi pháo được đốt, đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống rồi xông vào tranh.

Choáng ngợp clip biển người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn- Ảnh 5.

Cướp đầu pháo là điểm nhấn của lễ hội.

Người nào tranh được thì đem đến trình báo với nhà đền, sau đó, Ban tổ chức sẽ thông báo và vinh danh, tặng thưởng rồi rước về tận nhà để tạ ơn tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, người may mắn tranh được đầu pháo và mang về thờ cúng sẽ nhận được may mắn, sức khỏe, hạnh phúc.

Ngay sau khi màn cướp đầu pháo kết thúc sẽ diễn ra lễ rước kiệu từ đền Kỳ Cùng tới đền Tả Phủ.

Trong suốt con đường đoàn rước kiệu đi qua, các gia đình hai bên đường, đặc biệt là những người làm kinh doanh, sẽ chuẩn bị sẵn mâm lễ trước cửa nhà với mong cầu bình an, tài lộc. Thậm chí nhiều chủ nhà sẽ tung tiền tán lộc cho du khách thập phương. Dù giá trị không lớn nhưng những người bắt được tiền cảm thấy vui mừng, phấn khởi vì đó được xem như lộc may mắn. 

Choáng ngợp clip biển người tham dự lễ hội lớn nhất Lạng Sơn- Ảnh 6.

Người dân và du khách thập phương hứng tiền tán lộc từ những người làm nghề kinh doanh. Đây gần như là một tục lệ không thể thiếu mỗi năm khi diễn ra lễ hội Tả Phủ. Ảnh: TTO.

Theo thông tin từ Phòng Văn hoá và Thông tin thành phố Lạng Sơn, trong 5 ngày (19 - 24/2/2025 tức từ ngày 22 - 27 tháng Giêng), thành phố đã thu hút 820.600 lượt người đến dự Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ (năm 2024 là hơn 500.000 lượt người).

Trong đó, riêng ngày 27 tháng Giêng, thành phố đã đón 356.200 lượt người.

Theo tài liệu ghi chép lại, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê, ban đầu là ngôi miếu nhỏ thờ Thần Giao Long (Thần sông Kỳ Cùng). Trải qua quá trình lịch sử, hiện tại, đền thờ Quan lớn Tuần Tranh, một vị quan được cử lên trấn ải tại Lạng Sơn.

Đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) được nhân dân 7 phường của Lạng Sơn và khách buôn 13 tỉnh Trung Quốc xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) để tri ân, phụng thờ Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài.

Theo dân gian truyền tụng, khi Hán Quận công Thân Công Tài nhận chức, có năm giặc cướp nổi lên quấy nhiễu dân lành. Ông đã huy động các lực lượng cùng nhân dân đánh tan giặc cướp. Sau chiến thắng đó, hằng năm người dân mừng hội thắng trận. Từ đó tới nay, hội đầu pháo được tổ chức thường niên vào ngày 27 tháng giêng.

Chia sẻ