Cho con về quê nghỉ lễ, mẹ 9x muối mặt khi nghe họ hàng thì thầm 1 câu về hành động của con trai mình trong bữa cơm
Thực tế, chuyện ăn uống không chỉ là ăn cho no để sống mà còn liên quan đến tương lai của đứa trẻ.
Mới đây chị Nguyễn Th. (sinh năm 1990) đã gặp phải một tình huống khá xấu hổ khi đưa con về quê nghỉ lễ. Chị Th. quê ở Nam Định, sau khi tốt nghiệp đại học thì làm việc và lấy chồng ở Hà Nội. Năm nay vì nghỉ lễ 30/4, 1/5 dài ngày nên vợ chồng chị cho con trai 5 tuổi về quê.
Để mừng con cháu về chơi, bố mẹ chị Th. đã rủ thêm mấy người họ hàng nữa đến nhà để làm một bữa tiệc ấm cúng. Chuyện cũng không có gì để nói nếu như trong bữa cơm, con trai chị là đứa bé duy nhất không biết... mời mọi người ăn cơm.
"Trong khi những đứa cháu khác đều ngoan ngoãn mời "con mời ông ăn cơm, bà ăn cơm, các bác các cô ăn cơm", hoặc cháu nhỏ tuổi hơn con tôi cũng biết bập bẹ là "ông bà cơm" thì riêng con tôi khi được bố mẹ nhắc chỉ phụng phịu "không", "không" rồi ngúng nguẩy bới thức ăn, gắp miếng ngon bỏ bát khi mà ông bà còn chưa cả đụng đũa, chị Th. kể lại. Lát sau, khi mấy người họ hàng đứng dưới bếp để dọn bát đũa, chị Th. nghe thấy tiếng bàn tán: "Thằng bé nhà cái Th. lớn tướng rồi mà chán nhỉ".
Chị Th. cho hay, hàng ngày vợ chồng chị cũng không quá để ý đến chuyện nghi thức trong bữa cơm và chỉ nghĩ đơn giản là phiên phiến, ăn cho nhanh để còn nghỉ ngơi, làm việc, không cần câu nệ, rườm rà. Con chị Th. đi mẫu giáo cũng được các cô dạy phải mời cơm người lớn nhưng khi về nhà, chị cũng không quá chú ý, bắt buộc con.
"Thành ra, có lúc cháu mời thì vợ chồng tôi khen cháu ngoan, còn cháu không mời thì cả hai cũng chẳng bận tâm lắm. Nhưng sau lần này tôi sẽ phải rút kinh nghiệm. Những hành động như mời cơm tuy nhỏ nhưng cũng dạy trẻ rất nhiều điều về cách cư xử, tôn trọng người lớn".
Chị Th. cũng nhấn mạnh, nếu con mình là đứa trẻ hướng nội, rụt rè thì bố mẹ sẽ không bao giờ ép con phải vồn vã với người xung quanh như giục con "chào cô, chào bác đi", "hát cho cô bác nghe 1 bài đi",... Tuy nhiên với những quy tắc cần thiết cho sự phát triển nhân cách, cách ứng xử của con thì gia đình sẽ cần phải hướng cho con.
Giáo dục trẻ qua bữa cơm
Người xưa có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Trong đó, những quy tắc về ăn uống thường được chú ý và giáo dục đầu tiên. Thế nên, mọi người cho rằng chỉ cần nhìn vào hành động của một người trên bàn ăn là biết họ có được dạy dỗ tử tế hay không. Thực tế, chuyện ăn uống không chỉ là ăn cho no để sống mà còn liên quan đến tương lai của đứa trẻ.
Theo các chuyên gia giáo dục, nếu trẻ có những tật xấu này trên bàn ăn thì cha mẹ cần phải uốn nắn:
1. Loay hoay với các món ăn trên đĩa
Nhiều đứa trẻ thản nhiên lật các món ăn trên bàn ăn chỉ để tìm món chúng muốn ăn dù đang được mời cơm hay mời người khác tới nhà ăn cơm. Tất nhiên, điều này để lại ấn tượng vô cùng xấu với chủ nhà hoặc khách khứa. Họ sẽ né tránh lời mời hoặc tránh mời gia đình có đứa trẻ thiếu kỷ luật như vậy lần sau.
Có thể nói, hành vi của trẻ có thể làm hỏng mối quan hệ giao tiếp của cha mẹ, thậm chí nếu nhiều phụ huynh cho rằng vấn đề của trẻ không liên quan gì đến người lớn thì sau này khi trẻ ra ngoài giao tiếp với người khác cũng sẽ bị xa lánh bởi không ai muốn ăn chung bàn với một người có thói quen xấu đến vậy.
2. Nói quá lớn
Yên lặng ngồi ăn tại bàn là phép xã giao cơ bản nhất. Kể cả trò chuyện cũng được giữ ở mức độ không làm phiền người khác. Tuy nhiên, một số trẻ em gây ồn ào bất chấp cảm xúc của người xung quanh hoặc vui đùa trên bàn ăn, húp sùm sụp to tiếng khi uống canh...
Hành vi như vậy không chỉ khiến người khác có ấn tượng xấu về trẻ mà còn dẫn đến các vấn đề về trí tuệ cảm xúc của trẻ, chẳng hạn ích kỉ, chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình mà không màng suy nghĩ của ai khác.
3. Thích độc chiếm thức ăn
Trong một bữa tiệc, có gia đình nhà nọ ngồi ăn. Đứa bé tầm 5-6 tuổi cứ đợi có món nào ngon được mang lên giành lấy: "Cái này là của cháu". Thế mà mẹ của thằng bé lại vẫn vừa ăn vừa nói chuyện với người khác như thể mọi chuyện chẳng có liên quan gì đến cô ấy.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần đặt ra một quy tắc: Đó là nếu người lớn chưa đụng đũa thì trẻ cũng chưa được đụng đũa. Cách cư xử này thể hiện sự giáo dục, văn hóa gia đình. Nó cho thấy sự tôn trọng người lớn tuổi.
Tuy chỉ là quy tắc đơn giản nhưng sẽ hình thành cho trẻ thói quen tốt. Trẻ sẽ biết kính trọng người lớn, không vội vã giành ăn món ngon và không có tính ích kỷ.