Cho con vào trường chuyên bằng mọi giá: Sức hấp dẫn do "ngon-bổ-rẻ"?
Trong quan niệm của nhiều phụ huynh, trường chuyên là môi trường giáo dục “ngon-bổ-rẻ” nên nhất quyết phải cho con vào học bằng mọi giá.
Kiệt sức ôn thi
Hiện các trường chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã công bố lịch thi, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Em Nguyễn Xuân Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) thở phào vì 3 trường THPT chuyên dự định đăng ký thi năm nay không bị trùng lịch như một số năm trước.
Trước đó, gia đình Huy như "ngồi trên đống lửa" vì lo các trường tổ chức thi cùng ngày. Nam sinh này luôn trong tâm trạng bất an bởi chỉ cần 2 trường trùng lịch thi thì sẽ mất đi một cơ hội chạm tay vào giấc mộng trường chuyên.
Yêu thích và sở trường môn Toán nên năm nay, Huy đặt mục tiêu phải trở thành học sinh lớp chuyên Toán của một trường có tiếng của Hà Nội từ cấp 1,2.
Còn hơn 1 tháng nữa, Huy sẽ thi lớp chuyên Toán hoặc Toán tin, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Đại học Sư phạm hay trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Vì quyết tâm muốn có một suất vào trường chuyên cấp 3 nên ngay từ tiểu học, bố mẹ đã định hướng con sẽ thi. Đặc biệt, lên lớp 6, đều đặn Huy được gia đình đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tài chính cho các môn phục vụ cho việc thi cử vào trường chuyên.
Ở giai đoạn nước rút này, nam sinh Hà Nội học thêm tất cả các buổi tối trong tuần cả 3 môn Văn, Toán và tiếng Anh. Riêng môn Toán dùng để "chọi" vào chuyên, Huy học thêm của các thầy cô chuyên luyện khác nhau của các trường để vừa ôn luyện cơ bản, vừa bồi dưỡng nâng cao. Ngày nào cũng như ngày nào, sau khi trở về từ các lớp học thêm, Huy tiếp tiếp tục vào bàn học thêm 2-3 tiếng. Có những ngày nam sinh này kiệt sức vì thức giải đề đến tờ mờ sáng.
Thi vào lớp 10 chuyên ở nhiều trường cùng lúc là chuyện không hiếm gặp. Không chỉ chi mạnh tay cho con học thêm, nhiều gia đình còn sẵn sàng tìm đủ cách để con có trong tay tấm vé vào trường chuyên. Gia đình chị Nguyễn Thị Dung, ở Hoài Đức, Hà Nội cũng không ngoại lệ.
Từ đầu năm học, chị Dung và chồng chia nhau đưa đón và chăm sóc con gái đang ôn thi vào lớp 10. 3 buổi trong tuần, công việc chính của chị Dung lo từng bữa ăn và đưa đón con đi học thêm. Và khoản đầu tư từ năm lớp 8 đến giờ cũng tính vào cả gần 100 triệu chưa tính đến công bố mẹ đưa đón con đi học.
Có nhất quyết phải cho con vào trường chuyên?
Câu hỏi “có nên cho con thi vào trường chuyên hay không?” là một câu hỏi có nhiều đáp án.
Theo thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh của trường THPT chuyên đại học Sư phạm cho rằng, một số phụ huynh đã lập trình sẵn con đường để các con thi vào trường chuyên, cả 2 hay 3 đứa con trong 1 gia đình đều sẽ vào chuyên. Có phụ huynh thì nhất quyết không vì “để cho con có tuổi thơ thực sự”. Vậy, câu hỏi đặt ra là có nên “cho con thi vào trường chuyên bằng mọi giá?”.
Hiện nay hệ thống trường chuyên bao gồm các trường trực thuộc Sở (chuyên của tỉnh) và các trường chuyên trực thuộc đại học. Số lượng trường chuyên chưa đến 100 trường trong cả nước, ở nhiều tỉnh trường chuyên được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực chất lượng cao… để đảm bảo “điển hình giáo dục của cả tỉnh”.
Việc trường chuyên hấp dẫn và hút phụ huynh cũng như học sinh thể hiện ở tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, các kì thi KHKT hay kì thi tốt nghiệp; tỉ lệ học sinh trường chuyên đỗ vào các trường đại học hàng đầu trong nước cũng như nhận những học bổng có giá trị tại các đại học tốp đầu thế giới cũng rất cao.
“Chính vì vậy, trong quan niệm của nhiều phụ huynh thì trường chuyên đúng là môi trường giáo dục “ngon – bổ - rẻ” và dẫn tới tình trạng mong muốn cho con vào học trường chuyên bằng mọi giá"- thầy Công phân tích.
Có một thực tế là để có thể tăng cơ hội đỗ vào trường chuyên, các học sinh phải đi học ôn thi từ rất sớm các môn cơ sở (Toán, Văn, Anh) và môn chuyên. Nhiều gia đình đầu tư từ giai đoạn tiểu học để con có thể thi đỗ vào các trường THCS chất lượng cao, những trường có tỉ lệ cao học sinh đỗ vào trường chuyên và khi lên cấp II, phụ huynh lại đầu tư cho con ôn thi từ giai đoạn lớp 6, lớp 7…
Tuy nhiên, với các học sinh không có năng khiếu về môn học, việc học thêm Toán, Văn, Anh và môn Chuyên 4 – 6 buổi mỗi tuần ngoài giờ học chính khóa khiến cho nhiều học sinh bị quá tải, chán học, suy giảm sức khỏe, căng thẳng thần kinh, tăng độ cận… mỗi quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng.
Nhiều học sinh thuộc nhóm này có thể vì ôn luyện quá lâu nên có thể đỗ vào trường chuyên, khi đó học cùng các bạn giỏi đồng trang lứa sẽ gây ra những áp lực rất lớn đến tâm lí các bạn đó, kết quả học không tốt khiến học sinh trở nên lạc lõng.
Do vậy, theo thầy Công, phụ huynh chỉ nên động viên và cho con thi vào trường chuyên nếu con thực sự yêu thích một môn học nào đó. Gia đình và con phải đồng hành cùng nhau trên con đường tìm hiểu xem con có thực sự thích và yêu quý môn học đó hay không, có năng khiếu học tập và tìm hiểu các kiến thức môn học đó hay không.
Nhiều giáo viên cho rằng, cũng không nên đầu tư toàn bộ cho môn học đó mà cả các môn học nền tảng khác cũng cần cho con học cẩn thận. Bản thân con là người phải thích thú và có mong muốn tham gia kì thi vào trường chuyên, khi đó con mới có động lực vượt qua những thời kì ôn thi vất vả vào trường cũng như có hứng thú học những bài học chuyên sâu trong môi trường của trường chuyên.
Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội : Cha mẹ cũng cẩn trọng với lý thuyết ao cá lớn cá nhỏ
Có nhiều động cơ từ cha mẹ nhưng trong đó sẽ có một niềm tự hào kiêu hãnh của người làm cha làm mẹ rằng con mình được học ở một trường chuyên nổi tiếng. Niềm tự hào đó sẽ tạo động lực học tập lớn cho học sinh.
Bố mẹ tin rằng ngay cả những hạt giống tốt cũng cần được gieo xuống những mảnh đất tốt. Những hạt giống chưa tốt nếu được gieo vào mảnh đất tốt cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển tốt hơn. Vào trường tốt thì điểm đầu vào cũng phải cao, bản thân những người bạn học của con đều xuất sắc, có năng khiếu hoặc tài năng.
Vào đến lớp 10, dường như sự ảnh hưởng của cha mẹ ít đi, vòng quan hệ bạn bè rất quan trọng và những người bạn xuất sắc sẽ giúp cho con học được không chỉ kinh nghiệm học tập mà còn cả các kỹ năng mềm và các tài lẻ khác.
Bản thân các trường danh tiếng cũng thường được địa phương và nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất nên điều kiện phương tiện dạy học chắc chắn sẽ đầy đủ hơn.
Tất cả những suy nghĩ đó khiến cha mẹ thường có áp lực phải bằng mọi giá tìm một vị trí trong ngôi trường chuyên vì nó sẽ là môi trường nuôi dưỡng và phát triển tiềm năng của trẻ tốt nhất.
Tuy nhiên cha mẹ cũng cẩn trọng với lý thuyết ao cá lớn cá nhỏ. Ví dụ ví dụ nếu con chúng ta có thành tích xuất sắc ở một lớp bình thường thì con có thể sẽ phát triển sự tự tin lớn hơn, ý thức được điểm mạnh và lợi thế học tập của bản thân để phát huy được mặt mạnh đó cho nghề nghiệp tương lai tốt hơn.
Tuy nhiên nếu với học lực đó, khi đặt các con vào trường chuyên, bên cạnh rất nhiều học sinh xuất sắc khác đứa trẻ có thể sẽ mất đi ý thức mình cũng có những mặt mạnh và năng khiếu, trẻ trở nên thất vọng, chán nản và cảm thấy mình thất bại vì không đạt được chuẩn chung như các bạn xuất sắc khác trong lớp.
Cha mẹ hãy hiểu là nếu không tạo một chút áp lực bằng cách đặt các mục tiêu, kỳ vọng cho con thì đứa trẻ cũng sẽ thiếu năng lượng, thiếu động lực chinh phục nhưng nếu quá nhiều áp lực, bằng mọi cách ép con phải có được một chỗ trong trường chuyên thì cũng sẽ làm trẻ mất tự tin, lo âu, trầm cảm, mệt mỏi và bỏ cuộc.