Cho con chơi smartphone tự do, nhiều cha mẹ thất kinh chứng kiến con bị rối loạn chức năng vận động
Mới đây, một phụ huynh ở Kiên Giang đăng tải trên mạng xã hội việc con trai 4 tuổi có những biểu hiện lạ, co giật, nháy mắt, nhíu mũi liên tục. Sau khi đưa con đến bệnh viện thăm khám, người mẹ mới phát hiện bấy lâu nay mình đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho con tiếp xúc tùy tiện với smartphone.
Ngày 11-8, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, thời gian gần đây, mỗi ngày bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận thăm khám từ 5-7 ca mắc hội chứng TIC, với biểu hiện là co giật cơ bụng, nhún vai, giật mắt. Đây là một dạng rối loạn chức năng vận động. Có nhiều nguyên nhân gây phát bệnh, một trong số đó là do nghiện smartphone.
Điển hình là một bé gái 10 tuổi tại TP HCM bị cận thị từ nhỏ. Khoảng 3 tháng nay bé thường xuyên bị giật mắt một cách vô thức, không kiểm soát được, có thể xảy ra lúc đeo kính lẫn không đeo. Các bác sĩ chuyên khoa mắt khám không phát hiện các bệnh lý về mắt nên chuyển qua bác sĩ thần kinh ngày 10/8. Tại đây, em được phát hiện đã mắt hội chứng rối loạn chức năng vận động TIC.
Bé gái ở Kiên Giang mắc hội chứng TIC vì mẹ cho sử dụng smartphone tùy tiện.
Hay trước đó, một phụ huynh ở Kiên Giang đăng tải trên mạng xã hội việc con trai 4 tuổi có những biểu hiện lạ, co giật, nháy mắt, nhíu mũi liên tục. Sau khi đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám, chị mới biết phát hiện con mắc hội chứng TIC. Đáng chú ý, bấy lâu nay chị phát hiện mình đã cho con tiếp xúc tùy tiện với smartphone, chơi game và xem hoạt hình quá nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hội chứng TIC là một dạng thức rối loạn về chức năng, với biểu hiện là giật cơ, theo từng nhóm cơ. Một số bệnh nhân giật cơ mắt, cơ miệng, cơ vai hoặc giật cơ bụng, giống như nấc cụt. Các TIC có thể xảy ra đơn lẻ hoặc đồng thời, luân chuyển các nơi với nhiều mức độ khác nhau. Ngoài rối loạn về vận động, còn có dạng TIC âm thanh khiến bệnh nhân phát ra những âm điệu lạ.
BS cho biết, TIC không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể tạo thành tật xấu về sau.
Theo bác sĩ Vinh, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5-7 trẻ đến khám, chủ yếu là bé trai 4-10 tuổi. Tình trạng này hiện chưa rõ nguyên nhân, thường gây ra lo lắng, hoang mang cho phụ huynh, giáo viên. Các triệu chứng gây ra do bệnh lý thần kinh, tâm thần nhưng khi tìm nguyên nhân tổn thương trong não và thần kinh ngoại biên đều không phát hiện bất thường.
"Hội chứng TIC thường gặp nhiều nhất là cơ mắt. Biểu hiện của hội chứng TIC là giật cơ trên khuôn mặt và cổ như nháy mắt, gật lắc đầu, nhếch mép… Đặc trưng của TIC âm thanh bao gồm các âm thanh lạ phát ra trong họng, lẩm nhẩm, phát ra các âm thanh như tiếng gáy hoặc tiếng ho. Nhiều trẻ khởi phát các cơn nặng do tập trung chơi game, phim hoạt hình với hình ảnh động, sử dụng smartphone liên tục, ở cự ly gần.. " – BS Vinh nói.
BS Vinh chia sẻ, thường tuần đầu tiên của kỳ nghỉ hè, số đến khám tăng đột biến do trẻ có thời gian nghỉ học và ở nhà chơi game, xem phim, điện thoại nhiều. Không ít trẻ đến lớp khi bị cô giáo nhắc nhở, trẻ càng hoảng loạn thì lại càng biểu hiện mạnh hơn nên cô giáo tưởng trẻ hư, muốn trêu chọc cô. Lý giải cho điều này, BS cho rằng đây là tình trạng vô thức chứ không phải cố ý, khi càng la mắng gây căng thẳng, sợ hãi thì trẻ sẽ càng bị nhiều hơn.
Dù hội chứng này không gây nguy hiểm cho bệnh nhân nhưng để lâu có thể tạo thành tật xấu, khó sửa về sau. Một số trường hợp trẻ được dùng thuốc để điều trị triệu chứng, do tổn thương màng não. Thời gian điều trị không cố định mà tùy theo từng trường hợp.
"Hội chứng sẽ tự hết nếu quá nặng sẽ được bác sĩ tư vấn kê thuốc làm giảm phản xạ thần kinh. Phụ huynh và giáo viên cần phải hiểu, không nên quá lo sợ, tìm cách kìm nén hay có thái độ la mắng trẻ. Cần giúp trẻ thoải mái tâm lý, thư giãn, tránh căng thẳng" – BS đưa ra lời khuyên.