"Cho bố mẹ xin lỗi..."

,
Chia sẻ

Cô giáo gọi điện đến nhà nói: “Em thấy cháu nó có những biểu hiện tâm lý không bình thường. Anh chị gần gũi cháu xem thế nào...”. Chị giật mình.

Con gái chị có một cái tên rất dịu dàng: Thuỳ Anh. Thuỳ Anh ngoan, học giỏi, lại có tính tự lập ngay từ bé. Thấy con gái tự lo cho mình được mọi việc, từ chuyện học hành, đến sinh hoạt... vợ chồng chị luôn cảm thấy rất yên tâm và tự hào về con.
Là con trai thì được thoải mái
 
ch đây 6 năm, Thuỳ Anh tròn 8 tuổi. Một lần, cô bé bắt cậu em trai chưa đầy 2 tuổi phải dọn dẹp đồ chơi, cậu bé bướng bỉnh không nghe, thế là Thuỳ Anh tặng cho em mấy cái phát vào mông. Cậu bé khóc toáng lên. Chị kéo con vào phòng, mắng: “Nó là em con. Con phải có trách nhiệm bảo ban nó, không được đánh nó thế. Hư lắm!”. Thuỳ Anh khóc nức nở: “Nhưng con bảo mãi mà nó không nghe, ngày nào nó cũng bày bừa cho con dọn” – “Thì con dọn dẹp cho nó rồi bảo nó dần dần. Nó là con trai, hiếu động chứ đâu có ngồi một chỗ ôm búp bê như con gái”. Thuỳ Anh bỗng ngước mắt lên nhìn mẹ: “Con trai thì được thoải mái nghịch ngợm mà vẫn được yêu hả mẹ? Rồi lớn lên lại được thoải mái chơi bời mà không ai cấm đoán?”. Chị sửng sốt: “Con nghĩ gì lạ thế?” – “Thì con thấy em Khoai nhà mình, nghịch ngợm phá phách suốt ngày, bố mẹ đâu có bực bội gì. Bạn của bố đến nhà còn nói, cứ mua về cho nó phá. Cục vàng quý thế, phá cái này lại mua cái khác. Rồi bố cứ hay đi đâu về muộn, thỉnh thoảng lại không về nhà ngủ. Bà ngoại chả bảo mẹ, nó đi đâu kệ nó, miễn là nó vẫn về nhà là được”. Chị vội vàng bịt miệng con gái: “Đừng nói thế. Con còn bé quá, con chưa hiểu được chuyện của người lớn. Các chú bạn bố hay nói đùa thôi...”.

Mắng con vậy nhưng chị thấy buốt cả lòng. Chồng chị tên Tâm - giám đốc một Cty xây dựng, hay phải đi xa. Nhưng Tâm cũng là người khát con trai lắm. Ngày chị có mang cô con gái thứ hai, anh đưa chị đi siêu âm. Anh hôiì hộp đến mức không dám vào phòng mà ngồi ngoài quán bia đợi. Khi bác sĩ (là bạn của chồng chị) đưa chị ra và nói “con gái”, mặt Tâm đang đỏ vì men bia bỗng trắng bệch. Anh nhìn lên trời và nói một cách vô thức: “Liệu có nhầm không?”. Ông bạn bác sĩ cười phá lên: “Cả phòng 5 bác sĩ cùng nhìn màn hình. Nhầm làm sao được”. Từ hôm siêu âm đến hôm chị sinh con, Tâm ít nói hẳn. Ngày chị trở dạ, anh làm nhiệm vụ đưa chị vào viện rồi đi đâu không biết. Chị chỉ ở viện đến hôm sau thì được về nhà. Gọi điện về bảo chồng vào đón, chẳng ngờ anh thủng thẳng: “Em thuê xích lô về đi”. Chị khóc vì tủi thân, vì giận: “Không sao đâu! Em sẽ gọi taxi”. Nghĩ ngợi sao đó, anh nói nhát gừng: “Được rồi. Cứ ở đấy. Anh gọi xe vào đón”.

Chị bế đứa con đỏ hỏn đi dọc hành lang. Ai cũng nhìn theo xuýt xoa: “Trời! Đứa bé đẹp quá. Đẹp như tranh ấy...”. Chị ôm núm ruột của mình chặt hơn, lòng thêm hờn giận người chồng vô tâm.

Hai con gái chị, đứa lớn hơn đứa bé 4 tuổi, đều xinh đẹp, dễ thương. Chồng chị, sau những ngày tháng đầu bị sốc rồi cũng biết yêu quý, xót xa “hai kho vàng” của mình. Nhưng anh vẫn vắng nhà thường xuyên và quan hệ “trên mức tình cảm” với nhiều phụ nữ. Sóng gió trong gia đình chị cũng nổi lên từ đó.

Mẹ đừng coi con là con gái

Chỉ có điều, khi “đũa bát xô”, chị càng muốn “lựa lời bảo nhau” thì anh lại càng như muốn phá cho bung hết ra. Anh dập cửa, quát tháo ầm ĩ: “Này thì sợ ai cười này. Ai muốn nghe cứ việc nghe. Ai muốn biết cứ việc biết. Thằng này đi với hàng trăm con đấy. Thằng nào chả thế, đố thằng nào dám cười ông...”. Bên ngoài cửa, hai chị em Thuỳ Anh ôm nhau khóc.

Một ngày đẹp trời, chị sinh thêm một cậu con trai. Chồng chị mừng đến mức không kiểm soát được. Anh bắn cả tin vào máy di động của chị: “Vợ anh vừa sinh con trai rồi”. Sau hơn 10 năm sống với chồng, lần đầu tiên chị được biết đến cảm giác hạnh phúc khi được chồng chăm sóc. Anh vụng về như lần đầu làm bố, cứ động nhẹ một tý đã sợ con ngã... Ông bà nội, ngoại và các cô bác đều quấn quanh bên thằng bé, ra sức nựng: “Nào, thằng chó con của bà đây. Trụ cột đây. Đích tôn đây...”. Chị thấy thoải mái, tự hào như thể vừa hoàn thành một việc trọng đại trong đời.

Thuỳ Anh không thích chơi búp bê như lúc còn bé tý. Nó chỉ thích phim hoạt hình, thích được làm siêu nhân. Chị mua cho con mấy cái váy rất đẹp, nó trả lại chị: “Mẹ đừng coi con là con gái. Con chỉ thích làm con trai thôi”. Chị ngỡ ngàng về con nhưng cũng chỉ trong chốc lát. Công việc và cả những buồn vui lại lôi tuột chị đi.

Mình có lỗi với con

Thoáng cái, “cục vàng” của chị đã vào học lớp hai. Thuỳ Anh cũng sắp bước sang tuổi trăng rằm. Cô bé ngày càng lặng lẽ, chỉ thích một mình trong phòng. Thấy kết quả học tập của con luôn ổn định, chị tạm yên tâm nhưng luôn băn khoăn về việc con gái chị ít bạn và ít biểu lộ tình cảm. Từ sau khi cô giáo gọi điện cho chị về những biểu hiện “không bình thường” của Thuỳ Anh như hay tư lự và ít trò chuyện với bạn cùng lớp, chị lại thêm lo lắng. Chị tìm cách gần gũi, lựa lời chia sẻ với con hơn. Thuỳ Anh nhìn thẳng vào mắt mẹ: “Bạn cùng lớp con chơi với nhau hời hợt nông cạn lắm. Con thấy không hợp”. Chị giải thích cho con về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì, về quan hệ thầy trò, bè bạn... cô bé vẫn lặng lẽ. Chị quát lên, bất lực: “Con như thế này, ai thèm chơi với con”. Chẳng ngờ, con gái chị bật khóc nức nở: “Không! Con sợ cô độc lắm. Bố mẹ và tất cả mọi người chỉ quấn quanh em Khoai, có ai thèm đoái hoài đến con đâu. Bao nhiêu năm qua con chỉ toàn chơi với thế giới hoạt hình, hết bọn người máy Đôrêmon lại đến người nhện, siêu nhân...”.

Dù chị có dỗ dành đến thế nào, Thuỳ Anh lại vẫn khép mình với một lời đề nghị: “Mẹ để con với thế giới của con”.

Cô giáo chuyển link blog của Thuỳ Anh cho chị. Những dòng chữ nhảy nhót: “Ngày... Cả nhà lại đang quấn quanh thằng bé. Không hiểu sao nó không ngồi yên mà cứ nhảy tưng tưng. Mình đứng lặng lẽ ngắm nó, ngắm gương mặt cả bố lẫn mẹ cứ ngời lên khi nhìn nó nghịch ngợm, chơi đùa. Lâu lắm rồi mình không được mẹ gần gũi, dù chỉ để vuốt mấy sợi tóc mai hay rủ loà xoà xuống trán, như ngày xưa mẹ thường làm thế...”; “Ngày... Dạo này bố không hay đi chơi nữa. Hình như từ ngày mẹ đẻ em Khoai. Chẳng lẽ bố lại khát con trai đến thế. Bao nhiêu năm qua, mình đã phấn đấu để trở thành con trai mà vẫn chả là gì trong mắt bố. Không hiểu em Khoai sau này có thoả mãn khát khao của bố mẹ là trở thành trụ cột trong gia đình, mạnh mẽ để bảo vệ cả nhà trước mọi sự tấn công của những người xấu? Dù mình gần như đứng ngoài cuộc, dù mình có khao khát tình cảm đến bao nhiêu, dù có bị thua thiệt... thì trách nhiệm của mình vẫn là yêu quý Khoai, vì nó là em ruột của mình. Sao mà mình thấy thèm được rúc vào mẹ như ngày bé đến thế?! Sao lúc này mình lại muốn được nắm tay em Khoai và chị Ngọc đi trên con đường có hàng cây xanh đến thế?!. Nhưng bố mẹ đang cho em Khoai về quê rồi. Chị Ngọc cũng đi với bạn. Ở nhà chỉ có mình và chị giúp việc. Mình chỉ còn biết làm bạn với blog mà thôi...”.

Nước mắt chị rơi lã chã. Đêm đó, chị gục đầu vào ngực anh, cố ngăn để không khóc mà vẫn nức nở: “Mình có lỗi với con. Cả em. Cả anh. Mình không xứng làm cha me...å”. Anh vỗ nhẹ vào lưng vợ. Hình như đây là lần đầu tiên chồng chị biết chia sẻ nỗi buồn với chị. Một nỗi buồn quá lớn nhưng may mà anh chị còn kịp nhận ra.

Theo Nguyễn Kim Khánh
dddn.com
Chia sẻ