Chợ bạc tỉ bỏ hoang
Bỏ ra hàng tỉ đồng xây mới, cải tạo các chợ truyền thống nhằm tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân, song khi những khu chợ hiện đại đi vào hoạt động, người ta lại thấy ở đó một sự hoang vắng đến tàn tạ.
Chợ ế
Chợ Nghệ ở trung tâm thị xã Sơn Tây được xây với kinh phí khoảng 160 tỉ đồng, gồm 3 tầng nổi và một tầng hầm để xe. Dù được đưa vào sử dụng đầu năm 2010, nhưng đến nay vẫn "ế" người mua, người bán. Tầng 2 của chợ với gần 300 gian hàng luôn ở trong tình trạng gần như bỏ hoang. Còn ở tầng 1, dù có khá nhiều người thuê kiốt bán hàng, nhưng cũng vắng khách mua. Qua tìm hiểu, việc thu phí xe quá cao là một nguyên nhân khiến người đến chợ vắng dần.
Chợ Thượng Đình (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) được xây với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng, song từ khi đưa vào sử dụng (năm 2003) đến nay, dù nơi đây có hàng trăm kiốt nhưng hiện chỉ lèo tèo vài chục sạp hàng. Khu tầng 2-3 của chợ hiện bỏ hoang, sàn, tường bị bong tróc, hư hỏng nặng. Nhiều tiểu thương ngán ngẩm với cảnh buôn bán ế ẩm, nhưng vẫn bày hàng vì đã trót đóng tiền mua sạp.
Nguyên nhân khiến chợ Thượng Đình gần như bị bỏ hoang là do trên trục đường Nguyễn Trãi - đoạn đi qua khu chợ - không có đường cắt ngang. Người dân muốn vào chợ phải đi vòng một đoạn đường xa. Hiện, chợ do Tổng Cty Thương mại Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, khi PV tìm gặp thì lãnh đạo Cty đã từ chối cung cấp thông tin.
Chợ Thượng Đình, các kiốt phía trong bị khóa trái lâu ngày.Trên địa bàn thủ đô, nhiều chợ hiện đại khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như: Cửa Nam, Ô Chợ Dừa...
Cân đối chợ hiện đại - chợ truyền thống
Trái ngược với cảnh vắng vẻ của một số chợ mới là sự tấp nập và hút khách của những khu chợ cóc, chợ tạm mọc lên quanh đó. Điển hình như chợ cóc Chính Kinh (nằm liền kề với chợ Thượng Đình), ban đầu chỉ vài người bán, nhưng ít năm gần đây đã tấp nập.
Rõ ràng, những bất cập của mô hình chuyển đổi chợ - trung tâm thương mại, chợ truyền thống sang chợ hiện đại mà Hà Nội và nhiều nơi đang áp dụng đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của nó, khi mà cả ở cấp quản lý cũng phải thừa nhận về sự hiu hắt, vắng vẻ của những khu chợ này. Ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm - cho biết: "Chợ Cửa Nam chưa thực sự hoạt động tốt vì sau khi xây xong, 56 sạp đưa xuống tầng hầm, nhưng kinh doanh lổn nhổn, vài hộ bán rau, vài hộ bán quần áo... không chuyên nghiệp, không hiệu quả. Hiện các hộ đã bán lại cho chủ đầu tư, nhưng cho đến nay hiệu quả kinh doanh vẫn thấp".
Trên thực tế, sự vắng vẻ người mua, bán của các khu chợ hiện đại mới xây dựng không chỉ ảnh hưởng đến việc giao thương của người dân, mà nó còn gây sự lãng phí lớn, đồng thời sự xuất hiện của những khu chợ cóc, chợ tạm ven đường còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự khu vực.