Chịu thua tin nhắn rác

Theo Công An TPHCM,
Chia sẻ

Vấn nạn tin nhắn rác đang làm khổ hàng triệu thuê bao di động mỗi ngày. Khách hàng toàn bị làm phiền bởi những tin nhắn ào ạt đổ vào máy bất kể sáng trưa chiều tối

Lừa đảo tinh vi

Nếu ai xài mạng Vinaphone thì mỗi ngày đều bị “tra tấn” bởi những tin nhắn có nội dung: “Lướt web không giới hạn trên PC/laptop chỉ 50 nghìn đồng/tháng với ezCom”, “Miễn phí ứng dụng cập nhật tin tức và giải trí hằng ngày trên di động”... Trên mạng Viettel, khách hàng thường xuyên nhận những tin nhắn rác đề nghị làm theo cú pháp để đánh đề, bói toán, đoán tính người yêu... nội dung rất phản cảm. Xài mạng Mobiphone, người sử dụng cũng gặp rất nhiều phiền toái khi bị hàng loạt thư rác “dội bom”. Cái nào cũng cùng một mô típ là: “Chúc mừng... Bạn là người may mắn duy nhất hôm nay. Soạn... gửi tới số... để nhận được kết quả giải đặc biệt. Chính xác 100%”. Các tin nhắn rác đều xuất phát từ các thuê bao di động.


Tin nhắn rác hoành hành.

Chị Nguyễn Thị Thu Ngọc (trú đường Hoàng Sa, phường Tân Định, Q1) cho biết, suốt ngày bị tin rác làm phiền, chị gọi điện cho số thuê bao nhắn tin đó thì chẳng ai nghe máy mà nhắn tin cho tổng đài thì mất rất nhiều tiền. Có lần, chị nhận được tin nhắn với nội dung: “Bạn vô cùng khó chịu và bực mình vì suốt ngày bị tin nhắn rác làm phiền? Hãy chặn các tin nhắn đó bằng cách soạn tin CHANSMS gửi 7775”.

Đây cũng là một tin nhắn lừa đảo nhưng nực cười ở chỗ 7775 chính là một trong những thủ phạm chuyên phát tán rác viễn thông mà bây giờ lại quảng cáo... chặn tin nhắn rác. Chị đã từng gọi điện đến tổng đài để phản ánh nhưng tổng đài chỉ xin lỗi vì đây là tình trạng chung, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng chưa có cách nào để hạn chế tin nhắn rác.

Chung bức xúc như chị Thu Ngọc, anh Nguyễn Văn Thành (ngụ đường Nguyễn Kiệm, P3Q.Gò Vấp) kể, mới đây anh nhận được tin nhắn với nội dung: “Quý khách đã nhận được 30 nghìn đồng do thuê bao 0168xxx gửi tặng. Cám ơn quý khách đã sử dụng dịch vụ I-shared của Viettel Telecom”. Chỉ vài phút sau, có một số điện thoại lạ gọi tới cho anh và trình bày rằng: “Em vừa bắn nhầm tiền cho chị gái em vào số của anh. Anh cho em xin lại với ạ”.

Anh Thành cẩn thận kiểm tra lại tài khoản thì thấy số tiền vẫn y nguyên, chẳng tăng thêm một đồng nào. Đọc kỹ lại tin nhắn vừa rồi thì mới thấy nó có nội dung y hệt như tin nhắn chuyển tiền của tổng đài nhưng lại được gửi từ số của thuê bao di động. Anh Thành nói, những “quả lừa chuyển tiền” thường xảy ra vào sáng sớm hay gần nửa đêm. Lúc ấy, các nạn nhân đều ngái ngủ nên “bắn tiền” trả lại luôn mà không hề kiểm tra.

Giải pháp nào chống lại tin nhắn rác.

Một lý do khiến tin nhắn rác hoành hành như hiện nay là sim khuyến mãi đang được bán tràn lan trên thị trường. Người ta rất dễ dàng mua một sim điện thoại mới với giá chưa đến 50.000 đồng nhưng tài khoản được những... 150.000 đồng mà không phải đăng ký thông tin cá nhân. Các công ty quảng cáo sẽ mua hàng loạt sim khuyến mãi này để tiến hành nhắn tin quảng cáo đến các thuê bao di động. Mỗi tin nhắn gửi đi chỉ tốn khoảng 300 đồng, nhưng chỉ cần một tin nhắn phản hồi họ đã thu lại từ 5 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, tại Hà Nội và TPHCM có một số công ty tư nhân chuyên “treo đầu dê, bán thịt chó”. Trong giấy phép đăng ký hoạt động là kinh doanh thiết bị số, công nghệ thông tin nhưng chủ yếu là phát tán tin nhắn rác. Cách đây mười năm, một số doanh nghiệp kinh doanh dạng này thu lợi nhuận rất cao, lên tới cả trăm triệu một tháng. Hiện nay thì quá nhiều công ty cạnh tranh nên lợi nhuận giảm dần. Họ đã chuyển sang quảng cáo trên truyền hình để lừa người dân quê hoặc kẻ nhẹ dạ. Đã đến lúc Bộ Thông tin truyền thông cần xử phạt các đài truyền hình kinh doanh loại quảng cáo “độc hại” này.

Cần chế tài mạnh

Tháng tư vừa qua, lần đầu tiên Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông phát hiện một ổ chuyên phát tán tin nhắn rác với số lượng lớn là công ty EMOBI, ở quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan này đã ra quyết định phạt 70 triệu đồng vì phát tán tin nhắn rác trái quy định. Nội dung các tin nhắn này chủ yếu liên quan đến bói toán, cờ bạc, lô đề... EMOBI không phải là nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nhưng vẫn phát tán tin nhắn mà không được sự đồng ý của người nhận. Theo Nghị định 90, lỗi này bị phạt 40 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị phạt thêm 20 triệu đồng vì cung cấp tin nhắn có nội dung bói toán, kích động mê tín dị đoan và 10 triệu đồng cho việc lôi kéo người khác đánh bạc trái phép.

Trước đó, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã tiến hành thanh tra đối với Công ty cổ phần VNNET, địa chỉ số 17 ngõ 167, phố Tây Sơn, Hà Nội. Cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty VNNET sử dụng các thiết bị GSM/GPRS/CDMA Modem được lắp SIM và kết nối với máy tính qua cổng COM hoặc cổng USB để phát tán tin nhắn rác. Sơ bộ cho thấy, việc phát tán được Công ty VNNET thực hiện trung bình 3 lần/tuần, mỗi lần phát tán tới khoảng 20.000 thuê bao di động.

Từ chối nhận tin quảng cáo còn phải mất tiền.

Để tránh bị mất tiền oan, các chuyên gia viễn thông khuyến cáo, người sử dụng tuyệt đối không nhắn tin đến bất kỳ đầu số có 3 hoặc 4 chữ số nào dạng xxxx (6xxxx, 7xxxx, 8xxxx... ). Tin nhắn nào gửi tới các đầu số này sẽ bị trừ tiền ngay trong tài khoản di động lên tới 15.000 đồng/tin nhắn.

Có ý kiến cho rằng, mỗi tin nhắn qua tổng đài đã phải chịu phí rồi nên tin nhắn rác mới chưa bị xử phạt. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh tay, nên rút giấy phép hoạt động của những công ty làm ăn phi pháp.

Nghị định 83 của Chính phủ cũng quy định chi tiết các mức phạt đối với hành vi phát tán tin nhắn rác đang gây bức xúc trong dư luận. Theo đó, các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan hoặc gửi phát tán tin nhắn rác có nội dung thông tin bói toán, mê tín dị đoan; thông tin có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc để phục vụ chơi cờ bạc sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.




Chia sẻ