Chính sách nào cho giáo dục THPT ở Hà Nội khi xã hội hoá quá đà?

TS Đỗ Thị Ngọc Quyên,
Chia sẻ

Sau sự kiện các phụ huynh xếp hàng xuyên đêm cho một suất học lớp 10 tại Hà Nội, song song với việc đốc thúc các dự án phát triển trường mới, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã đề xuất cơ chế đặc biệt, cho phép Hà Nội vượt chuẩn như tăng số lớp ở các trường công lập cũng như tăng sĩ số lớp lên 10%. Với một hệ thống có thể đã "xã hội hoá" quá đà, liệu những giải pháp này có phát huy tác dụng?

Tiền Phong xin giới thiệu bài phân tích của TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia giáo dục độc lập trước giải pháp của Hà Nội đưa ra để giải quyết bài toán trường lớp cho học sinh THPT.

Chính sách nào cho giáo dục THPT ở Hà Nội khi xã hội hoá quá đà? - Ảnh 1.

Theo Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2022-2025, thành phố dự kiến sẽ xây mới 16 trường THPT công lập, trong đó có 7 trường liên cấp. Các trường này nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn; chỉ có 2 trường sẽ được xây ở quận Hà Đông và Cầu Giấy. Cũng theo kế hoạch này, tổng số trường công lập là 550 trường các cấp, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành.

Bản Kế hoạch trung hạn này cũng nêu 9 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào 4 nhóm: (1) đầu tư xây dựng, phát triển trường sở, trang thiết bị; (2) chuẩn hoá nhà trường theo chuẩn quốc gia (đảm bảo chuẩn cơ sở vật chất, sĩ số, định biên giáo viên, giáo viên đạt chuẩn…); (3) Chuyển số và phát triển công nghệ giáo dục; và (4) tài chính: xã hội hoá giáo dục, phát triển trường tư thục. Sở cũng kiến nghị xin cơ chế đặc thù áp dụng cho Hà Nội, theo đó mỗi trường tăng thêm 5 lớp và mỗi lớp tăng sĩ số lên 10%.

Tăng số lớp, tăng sĩ số học sinh/lớp

Theo Luật Giáo dục, Việt Nam không thực hiện chính sách phổ cập giáo dục ở bậc THPT. Điều này có nghĩa rằng nhà nước không có nghĩa vụ cung cấp chỗ học công lập ở bậc THPT cho 100% học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Nếu xem xét số lượng chỗ học theo chỉ tiêu Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho các trường THPT thuộc các khối công, tư, có yếu tố nước ngoài, công tự chủ, trung tâm GD thường xuyên và dạy nghề, tổng số chỗ học xấp xỉ số học sinh tốt nghiệp cấp 2. Như vậy, một lần nữa cần làm rõ, với số tổng số 129 ngàn học sinh hoàn thành lớp 9 vào năm 2023, vấn đề không hẳn là thiếu chỗ học, mà thiếu chỗ học để đảm bảo chất lượng.

Theo Điều lệ trường phổ thông, sĩ số chuẩn là 45 HS/lớp và đây cũng là sĩ số để tính chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường THPT công lập ở Hà Nội. Ngay cả khi chuẩn sĩ số này được đảm bảo, sĩ số 45 vẫn không phải là điều kiện thuận lợi cho giáo viên có thể thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực hay cá nhân hoá mà Chương trình GDPT 2018 hướng đến. Việc tăng sĩ số lớp lên 50 đẩy các mục tiêu chất lượng, đột phá nâng cao chất lượng của Sở GD&ĐT đi xa hơn nữa.

Trong khi đó, việc tăng số lớp ở mỗi trường lên thêm 5 lớp sẽ gây ra áp lực lớn đối với các nhà trường về định biên giáo viên, về kế hoạch khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, qua đó phá vỡ kế hoạch giáo dục. Các khu trải nghiệm, phòng thực hành có thể bị trưng dụng làm phòng học. Như vậy, việc tăng số lớp và sĩ số lớp là giải pháp tình thế, chỉ giúp gia tăng số chỗ học "có điều kiện chất lượng kém". Do vậy, việc gia tăng số lớp học chỉ có ý nghĩa nếu gắn với việc tăng số trường công lập, đồng thời giảm sĩ số lớp học.

Xây dựng trường mới

Việc tăng nhanh dân số cơ học trong khu vực nội đô và dự báo quy mô dân số không chính xác, cộng thêm các vấn đề về quy hoạch đô thị và quy hoạch các công trình dịch vụ - công cộng đã dẫn đến việc thiếu trường học, quá tải ở các trường công lập một cách hệ thống ở các đô thị lớn như Hà Nội. Trong kế hoạch đến 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã lập đề xuất xây thêm 16 trường THPT mới, tuy nhiên số trường này chủ yếu được xây dựng ở các huyện ngoại thành, các khu dân cư mới để đón đầu số học sinh tốt nghiệp THCS tăng mạnh trong vài năm tới, trong khi việc cạnh tranh suất học THPT chủ yếu căng thẳng ở các quận nội thành.

Chính sách nào cho giáo dục THPT ở Hà Nội khi xã hội hoá quá đà? - Ảnh 2.

Đồ thị: Duy Tuân

Với mục tiêu giảm căng thẳng, giảm tải ở bậc THPT với số học sinh hiện tại, việc xây trường mới dường như không phải là giải pháp khả thi. Cần lưu ý rằng việc thiếu trường và quá tải xảy ra ở tất cả các bậc học mà nghiêm trọng nhất là ở bậc tiểu học. Sĩ số chuẩn ở bậc học này là 35 học sinh/lớp, tuy nhiên nhiều năm nay, các trường tiểu học nội thành phải bố trí 55-60 học sinh/lớp, thậm chí trên 60. Ngay cả khi bố trí lớp lớn như vậy, có những khu vực vẫn không đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ đúng tuyến trên địa bàn. Do chính sách phổ cập giáo dục ở tiểu học, nếu còn quỹ đất nội thành để xây trường, chắc chắn tiểu học sẽ được ưu tiên.

Giả định còn quỹ đất dành cho việc xây thêm trường cấp 3 mà giao đất cho các tập đoàn tư nhân mở trường tư thục, thu học phí cao sẽ không giúp giảm bớt việc phụ huynh và học sinh chạy đua căng thẳng vào lớp 10 công lập nơi học phí thấp bằng 1/20-1/30. Hơn nữa, nếu mở thêm trường ở khu vực ngoại thành cũng sẽ không có tác dụng bởi cạnh tranh ở các khu vực này vốn dĩ không căng thẳng, một số trường cấp 3 ở các huyện thậm chí tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Trong khi việc xây trường công lập không đơn giản chỉ là chuyện đất đai, mà còn chi phí đầu tư xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, tuyển dụng, tăng định biên, phát triển đội ngũ giáo viên… mà Sở GD&ĐT sẽ phải đảm nhận.

Vậy có những lựa chọn nào?

Đề xuất giải pháp chính sách tuyển sinh cần phải dựa trên phân tích dữ liệu người học nhằm nhận diện chính xác vấn đề và căn nguyên, gốc rễ của nó. Không quá khó để thấy hai xu hướng chọn trường chủ yếu của phụ huynh Hà Nội và hai yếu tố chính điều chỉnh lựa chọn của người học là chất lượng giáo dục và học phí ( như đã phân tích ở bài trước ) .

Thứ nhất , xu hướng đổ xô vào các trường tốt dẫn tới chênh lệch quá lớn về nhu cầu và điểm chuẩn tuyển sinh giữa các trường THPT. Giải pháp, do vậy, trước tiên cần tập trung vào chất lượng giáo dục hướng tới xoá bỏ hố sâu ngăn cách giữa trường công lập ở nội và ngoại thành, giữa các trường cùng khu vực tuyển sinh, cũng như giữa các loại cơ sở giáo dục, kể cả giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Việc chuẩn hoá và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) và giáo viên thông qua bồi dưỡng thường xuyên và các chính sách tổ chức, nhân sự như luân chuyển nội khu (giữa các trường trong cùng quận, huyện, cùng khu vực tuyển sinh) cũng như liên khu (giữa các trường các quận huyện liền kề trong thành phố) là những lựa chọn chính sách cần xem xét, đặc biệt vai trò dẫn dắt, tạo sự thay đổi của hiệu trưởng và nhóm giáo viên cốt cán trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng trường học cần được chú trọng.

Ngoài ra, các giải pháp hướng đến đạt chuẩn chất lượng quốc gia, tập trung vào nâng cấp cơ sở vật chất và trình độ giáo viên là cần thiết, nhưng không nên chỉ dừng hình thức. Điểm cốt yếu nằm ở việc nâng cao năng lực giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và phát triển tài liệu, chương trình cho đội ngũ giáo viên, đổi mới thực chất phương pháp giảng dạy triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 mới nhằm đem lại những thay đổi thực chất.

Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm chênh lệch chất lượng giữa các trường sẽ giúp giải toả cạnh tranh đổ dồn về một số trường và giảm tải đối với các trường tốp trên. Việc nâng cao chất lượng trong khối giáo dục thường xuyên và dạy nghề cũng sẽ giúp việc phân luồng học sinh hiệu quả hơn, qua đó giảm tải cho khối trường công lập.

Thứ hai , xu hướng cạnh tranh vì chỗ học ở các trường học phí thấp. Với chương trình THPT hệ chuẩn tại Hà Nội, khối ngoài công lập tính theo số học sinh (căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh) chiếm xấp xỉ 30% tổng quy mô đào tạo hệ chuẩn của thành phố (33 ngàn tư thục và 78 ngàn công lập). Nếu tính theo số trường, khối ngoài công lập (tư thục và công tự chủ, đều sử dụng nguồn thu xã hội hoá) thậm chí chiếm tới 48%. Những con số này chưa tính các trường có yếu tố nước ngoài. Liệu tỷ lệ công/tư như vậy có phù hợp không và có gây ra những bất cập về tiếp cận giáo dục?

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2022 ở Hà Nội là 6,4 triệu đồng. Nhóm có thu nhập cao nhất là 13,4 triệu/tháng trong khi 80% còn lại có mức thu nhập trung bình dưới 7,5 triệu. Mức học phí trường tư cấp trung (ngoại trừ các trường có yếu tố nước ngoài có mức học phí hàng trăm triệu mỗi năm) rơi vào khoảng trung bình 7-10 triệu đồng/tháng là quá cao so với mức thu nhập như vậy. Tỷ trọng khối tư thục so với công lập cũng là quá cao và có nguy cơ gây bất bình đẳng nghiêm trọng trong tiếp cận giáo dục.

Giải pháp tốt để điều chỉnh tỷ trọng công/tư là tăng số trường công với các điều kiện đã phân tích ở phần trước. Đây là một giải pháp lâu dài. Giải pháp trước mắt là các chính sách hỗ trợ tài chính hướng đối tượng theo đầu học sinh cho khối tư thục bằng nguồn ngân sách nhà nước, tuy nhiên cần tính toán kỹ lưỡng dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu và điều kiện kinh tế của hộ gia đình của các nhóm học sinh tiếp tục học lớp 10. Phân tích phục vụ xây dựng chính sách này cũng cần đi sâu vào tỷ lệ chi đầu tư và chi thường xuyên cho nhà trường và cơ cấu học phí của khối tư thục.

Lời kết

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019 về xã hội hoá trong giáo dục, Chính phủ xác định đến 2025 tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập là 2,7% và tỷ lệ học sinh theo học ngoài công lập là 3%. So với mức quy hoạch hệ thống này, Hà Nội đã đi trước, vượt chỉ tiêu phát triển khối trường tư thục cao gấp hàng chục lần hay đã phá vỡ cân bằng quy hoạch công/tư trong giáo dục? Tỷ lệ trường tư và học sinh học tư thục ở Hà Nội đều quá cao như vậy, không rõ đã được tính toán dựa trên cơ sở nào, nhưng chắc chắn cần đánh giá lại và điều chỉnh để đảm bảo phúc lợi và công bằng xã hội cho người dân Hà Nội.

Đà Nẵng vừa quyết định thực hiện chính sách miễn phí cho trường công từ lớp 1 đến lớp 12, đồng thời dành một phần ngân sách hỗ trợ giảm học phí cho khối tư thục là một chính sách phù hợp để khuyến khích người dân hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao trình độ và năng lực cho lực lượng lao động địa phương, thúc đẩy nền kinh tế tri thức. Đây là một ví dụ lý tưởng về chính sách dành cho giáo dục phổ thông để các địa phương khác tham khảo, học tập.

Năm học 2023-2024, Hà Nội có 119 trường THPT công lập, 101 trường tư thục, 9 trường công lập tự chủ và hàng chục trường có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, còn một số loại hình khác như trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Theo thống kê do Sở GD&ĐT Hà Nội cung cấp cho các cơ quan báo chí, năm học 2022-2023, Hà Nội có khoảng 129 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó xấp xỉ 105 ngàn đã đăng ký thi vào lớp 10 công lập chiếm 81% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS.

Tổng số chỉ tiêu lớp 10 công lập ban đầu là 72 ngàn, sau đó được tăng thêm khoảng 6 ngàn lên khoảng 78 ngàn chỗ, cung cấp chỗ học công lập cho hơn 60% học sinh đã tốt nghiệp THCS. Hơn 100 trường tư thục cung cấp chỗ học cho khoảng 30 ngàn học sinh. Tổng chỉ tiêu cho các trung tâm giáo dục thường xuyên tại các quận huyện là khoảng 10 ngàn, chưa kể hàng chục ngàn chỗ học ở các trung tâm, trường dạy nghề. Các trường quốc tế và có yếu tố nước ngoài cũng chiếm một thị phần nhỏ.

Dự báo trong 3-5 năm tới, số học sinh tốt nghiệp THCS tăng mạnh lên khoảng 150 ngàn.

Chia sẻ