Chinh phục loạt thành tích đáng nể về tiếng Anh, cô học trò 12 tuổi chia sẻ bí quyết chỉ trong 4 chữ
Dù có xuất phát điểm học tiếng Anh muộn và chỉ học ở nhà nhưng ngay từ giai đoạn tiểu học, Bích Ngân đã chinh phục được nhiều thành tích ấn tượng.
Cuối tháng 7/2023, Trần Thị Bích Ngân (sinh năm 2011, hiện là học sinh lớp 7A8 trường THCS Dĩnh Kế - TP Bắc Giang) nhận được kết quả đạt chứng chỉ PET ở trình độ B1. Nữ sinh 12 tuổi có chút tiếc nuối "vì chỉ còn 4 điểm là con được B2", tuy nhiên, liền sau đó, em lại tự nhủ: "Thôi, lần sau con làm lại tốt hơn".
Từ trước đến nay, việc học và thi tiếng Anh đối với Bích Ngân luôn nhẹ nhàng như vậy. Đối với em, tiếng Anh là đam mê chứ không phải vì điểm số. Em học mọi lúc, mọi nơi, học bất cứ điều gì mình hứng thú thay vì cặm cụi với bút, sách.
Có lẽ việc yêu và coi tiếng Anh là trò chơi thay vì môn học, chăm chỉ không áp lực nên dù có xuất phát điểm học tiếng Anh muộn và chỉ học ở nhà nhưng từ giai đoạn tiểu học, Bích Ngân đã chinh phục được nhiều thành tích ấn tượng.
Ngay năm lớp 4, Bích Ngân đã đạt giải Nhì huyện Lạng Giang cuộc thi "English Champion", chinh phục chứng chỉ quốc tế Movers 15/15. Năm lớp 5, Ngân giành Huy chương Vàng Khối 5 toàn quốc kỳ thi IOE cấp quốc gia; giải Nhì thành phố kỳ thi HSG tiếng Anh khối 6; giải Nhì tỉnh cuộc thi "Tiếng Anh 5.0".
Bích Ngân có 6 năm làm lớp trưởng. Ngoài ra, em còn năng nổ tham gia các dự án cộng đồng, các hoạt động hè, có cơ hội làm trợ giảng, chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh, làm MC trong các ngày hội của trường: 20/11, ngày hội tiếng Anh, bế giảng, tham gia các chương trình văn nghệ...
Ngoài tiếng Anh, em còn có đam mê với tiếng Trung và đang học thêm ngôn ngữ này.
Không chạy đua học tiếng Anh sớm vẫn "bứt phá" giành giải thưởng
Khi học ngoại ngữ, nhiều phụ huynh được khuyên không nên bỏ lỡ thời điểm "vàng" để con học tiếng Anh và sử dụng thành thạo 2 ngôn ngữ từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, với chị Vũ Thị Hiền, mẹ em Bích Ngân, xây dựng cho con niềm yêu thích tiếng Anh và giúp con rèn thói quen tự học quan trọng hơn việc cho con học thời điểm nào. Chị luôn dặn con phải tiếp thu bài ở lớp thật tốt, khi về nhà, chị cùng học với con.
Với Bích Ngân, đến năm lớp 3 em mới bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc. Chị Hiền đánh giá, con gái có thế mạnh về lĩnh vực ngôn ngữ, nhưng không bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ từ nhỏ. Với môn tiếng Anh gia đình đã nhờ các thầy cô giáo quen biết rèn luyện từ khi bé vào lớp 3.
Sau đó, chị có cho con theo học một trung tâm tiếng Anh có giáo viên nước ngoài uy tín nhất địa phương một thời gian, nhưng vì không thấy phù hợp nên lựa chọn theo phương pháp tự học.
"Ngân kiên nhẫn, mạnh mẽ, rất ham học hỏi và luôn tò mò, tìm tòi cái mới, tiếng Anh là một trong số đó. Hơn nữa gia đình rất chú trọng thường xuyên khuyến khích bằng những phần thưởng để tạo động lực cho bé. Gia đình không có ai giỏi tiếng Anh, (thậm chí mẹ cháu cực dốt môn này). Ngoài việc học gia đình thường xuyên dành thời gian cho bé vui chơi, tập thể dục cùng gia đình và tạo mọi điều kiện cho bé tham gia các hoạt động của trường của lớp chứ không tạo áp lực", chị Hiền chia sẻ.
Thời gian đầu tự học, Bích Ngân cho biết có những lúc em thấy nản, không có động lực bước tiếp. Sau đó em nhận ra nguyên nhân là vì khối lượng bài học em tự đặt ra cho mình quá nhiều nên khiến bản thân thấy quá tải. Để thay đổi, em bắt đầu có kế hoạch cụ thể.
Ngân lập một danh sách công việc (To-do list) cần làm trong ngày. Nếu hoàn thành xong, em sẽ tự thưởng bản thân một chút gì đó, ví dụ như xem phim, đọc sách, uống trà sữa, hay ăn gì mình thích... Điều này giúp em thoải mái hơn và tận hưởng việc học tiếng Anh hơn.
Nếu không có môi trường học tiếng Anh, hãy tự tạo môi trường cho mình
Nói về bí quyết chinh phục tiếng Anh, Ngân cho rằng, đó chính là sự chăm chỉ - bền bỉ. "Thực ra tiếng Anh chẳng khác gì tiếng Việt cả, vậy nên nếu muốn thành thạo, con nghĩ rằng bắt buộc mình phải học và nói hàng ngày, cần mẫn góp nhặt từng chút một. Nếu xung quanh không có môi trường, mình có thể mở đài lên để nghe, khi nghe nhiều thành thuộc, mình nói, dần dần sẽ thành một vòng lặp như tiếng Việt", Ngân chia sẻ.
Có thời điểm, Ngân thức dậy hàng ngày từ 5-6h sáng để quay các clip nói tiếng Anh theo chủ đề trong 365 ngày liên tục, mỗi ngày là một chủ đề khác nhau để trau dồi phát âm. Ngân cho rằng, tiếng Anh không nhất thiết chỉ ngồi trên bàn học, mà có thể học qua cuộc sống, qua các bộ phim, qua âm nhạc, qua các hoạt động vui chơi, học ở nhà, học trên đường...
Cứ rảnh rỗi Bích Ngân lại nghe (máy nghe có cắm thẻ nhớ tải nội dung nói hoặc video tiếng Anh), nhưng phải chọn chủ đề mình thích, sau mới chuyển chủ đề khó, lạ. Ngoài ra, nữ sinh cũng rèn luyện tiếng Anh qua xem phim bằng cách xem 2-3 lần, lần 1 bật phụ đề Việt, lần 2 bật phụ đề Anh, lần 3 tắt phụ đề. Ngoài ra, em còn lồng tiếng những đoạn hội thoại để phát âm tốt hơn và học được nhiều lối hành văn khác nhau.
Môi trường thứ hai của Ngân chính là hội tự học. Việc tham gia với một cộng đồng cùng chí hướng giúp Ngân có thêm được kiến thức từ người hướng dẫn và có thêm động lực học tập, chủ động tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi.
Càng học em càng nhận ra, chẳng cần phải có tố chất gì cao siêu để học giỏi môn tiếng Anh. Cũng như một người thành thạo tiếng Việt vì ta tiếp xúc với nó hàng ngày, hàng giờ thì tiếng Anh cũng như vậy. Không phải học theo sách vở để lấy điểm đẹp mà quan trọng hơn, phải "sống trong nó", biến nó thành niềm yêu thích để có thể học mọi lúc.
Theo Ngân, trong 4 kỹ năng thì viết là kỹ năng khó nhất bởi khi đó mình sẽ phải chuyển đổi những suy nghĩ ở trong đầu mình ra thành từng câu, từng đoạn nhất định trên giấy. Để trau dồi kỹ năng này, ban đầu em chọn một chủ đề phù hợp với khả năng và sở thích để luyện viết. Khoảng thời gian này em chỉ viết và viết, đến khoảng thời gian sau mới bắt đầu tính đến đúng sai.
Để viết tốt, phải đọc nhiều. Đọc càng nhiều, mình sẽ biết thêm nhiều từ vựng mới và bối cảnh để sử dụng từ đó. Khi vốn từ vựng phong phú, chúng ta sẽ biết cách áp dụng nhiều từ khác nhau và nhiều cấu trúc khác nhau vào các ngữ cảnh thích hợp để tạo nên một bài viết.
Theo em, khi chọn một bài báo hay cuốn sách vừa sức, người đọc sẽ được thẩm thấu một cách tự nhiên rất nhiều kiến thức ngữ pháp, từ cách dùng thì, đến giới từ, chia động từ... và quan trọng nhất là học được cách sắp xếp từ ngữ sao cho đúng, chuẩn và tự nhiên. Ngân hay đọc các trang báo online như Scientist,…
Ngân thường áp dụng cách học từ vựng theo cụm và chủ đề để liên kết các từ cần học theo một trường từ vựng cụ thể. Nếu chỉ học nghĩa của nguyên từ gốc thì sẽ khó có thể hiểu chính xác được nghĩa của cụm từ chứa nó. Vì vậy, học từ vựng tiếng Anh theo cụm từ sẽ giúp mình có cái nhìn mở rộng hơn về nghĩa của từ đó.
Với các cuộc thi con tham gia và đạt giải, chị Vũ Thị Hiền, mẹ em Ngân cho rằng, gia đình cho con đi thi để cọ xát và có thêm động lực chinh phục tiếng Anh. Trước mỗi cuộc thi, gia đình thường động viên và không tạo áp lực. Bên cạnh đó, con cũng xem mỗi cuộc thi là một trải nghiệm để mình lớn hơn, từ đó biết phát huy thế mạnh hay rút kinh nghiệm những điểm chưa hoàn thiện. Vì vậy, con luôn bước vào phòng thi với tâm thế rất thoải mái.