"Chiến thần" trong chiến dịch cứu nạn cứu hộ tại Myanmar của Đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Trong chiến dịch cứu nạn cứu hộ lần này tại Myanmar của Đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam, các cán bộ chiến sĩ đã sử dụng linh hoạt các phương tiện hiện đại. Trong đó, những chiếc kìm thủy lực được các cán bộ chiến sĩ gọi là "chiến thần".

Ngày 4/4, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Trưởng Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam, cho biết, sau 5 ngày tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân sau thảm họa động đất ở Myanmar, Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam đã tìm thấy 7 thi thể nạn nhân và bàn giao cho chính quyền nước bạn.

"Chiến thần" trong chiến dịch cứu nạn cứu hộ tại Myanmar của Đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam - Ảnh 1.

Chiếc kìm thủy lực được đoàn công tác đem theo (ảnh: BCA)

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an, trong điều kiện hiện trường các vụ tai nạn nhà cao tầng bị đổ sập 1 phần do động đất, nguy cơ bị sập đổ thứ cấp rất dễ xảy ra nếu phương án và kỹ thuật tác chiến không phù hợp.

Bởi lẽ, các tòa nhà cao tầng không bị sụp đổ hoàn toàn, đa phần bị đổ theo phương nghiêng nên gần như đều chực chờ để đổ tiếp. Nếu sử dụng các trang thiết bị tạo nhiều rung chấn như khoan cắt, cưa bê tông, đục bê tông... rung chấn gây ra là tương đối lớn. Nếu xảy ra sập đổ thứ cấp những điều không mong muốn sẽ xảy đến, nhẹ thì công trình bị sập đổ khiến công tác cứu nạn khó khăn hơn, xấu hơn là chiến sĩ cứu nạn cứu hộ có thể bị nguy hiểm, và xấu hơn cả là có thể những nạn nhân còn sống sót sẽ bị sự đổ, đè gây thiệt mạng.

Chính vì vậy, dù có nhiều trang thiết bị hiện đại trong tay, nếu không biết sử dụng đúng cách thì câu chuyện không chỉ là "dùng dao giết trâu để mổ gà" mà còn có thể làm mất cả cơ hội để cứu người.

"Chiến thần" trong chiến dịch cứu nạn cứu hộ tại Myanmar của Đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam - Ảnh 2.

Các chiến sĩ đang dùng kìm thủy lực trong công tác cứu nạn cứu hộ

Chiếc kìm thủy lực là chiến thần bởi khi tác nghiệp kìm có thể phá vỡ được các mảng, khối bê tông lớn nhưng gần như không gây ra chút rung chấn nào. Những động tác kìm nhanh, ngọt khiến các mảng bê tông vỡ vụn tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ tiếp cận hiện trường, giải cứu nạn nhân. Và giảm thiếu tối đa các nguy cơ bị sập đổ thứ cấp do rung chấn.

Trong lần tác nghiệp này, đoàn công tác Bộ CA đã phối hợp với nhiều đoàn nước bạn, tuy vậy, rất ít đoàn sử dụng chiếc kìm này. Chính vì thế, khi có sự góp sức của Đoàn BCA Việt Nam, với kĩ thuật, phương tiện phù hợp chúng ta đã chứng minh được năng lực từ sự thể hiện thực tiễn tại hiền trường.

Do đó, rất nhiều đoàn cứu nạn quốc tế nước bạn đã phối hợp thực hiện theo sự chỉ đạo chiến thuật của Đoàn cứu nạn Bộ Công an. Kết quả, nhiều nạn nhân đã được đưa ra ngoài dù tình huống mắc kẹt là rất khó khăn, nguy hiểm.

"Chiến thần" trong chiến dịch cứu nạn cứu hộ tại Myanmar của Đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam - Ảnh 3.

Những thiết bị hiện đại được sử dụng trong tác nghiệp

Trước đó, sáng 3/4, Đoàn CNCH của Việt Nam đã có buổi làm việc với Trung tâm quản lý thảm họa, Bộ An ninh giảm nhẹ và tái định cư Myanmar, do Bộ trưởng, Tiến sĩ Soe Win chủ trì.

Tại buổi làm việc, đoàn CNCH Việt Nam đã trao đổi với Bộ trưởng Soe Win về tình hình trong những ngày qua, cũng như công tác cứu nạn tại hiện trường trong những ngày tiếp theo.

Cụ thể, sau 5 ngày đến Myanmar, đoàn CNCH Việt Nam (gồm cả phía Quân đội và Công an) đã đưa được tổng cộng gần 20 thi thể nạn nhân ra khỏi các đống đổ nát, bàn giao cho gia đình và cơ quan địa phương, phối hợp với đội cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và đội cứu hộ của Myanmar giải cứu thành công 1 nạn nhân còn sống.

Bộ trưởng, Tiến sĩ Soe Win đánh giá rất cao sự hỗ trợ của đoàn CNCH Việt Nam và mong muốn đoàn CNCH Việt Nam tiếp tục có những chia sẻ, giúp đỡ tới Myanmar trong thời gian tới, để hỗ trợ đời sống người dân đang mất nhà cửa và tìm kiếm các nạn nhân còn mắc kẹt trong đống đổ nát.

Về phía Đoàn Việt Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ hết sức mình theo sự điều phối của nước bạn với tinh thần giúp bạn như giúp mình.

Chia sẻ