"Chiến lược" giữ chồng
Chiến lược chị Thư áp dụng để giữ chồng bao năm qua mà thực tế đã cho kết quả thành công mỹ mãn, chính là: Đừng coi chồng là chồng, mà hãy coi chồng như… tình nhân!
Thiên hạ thường rỉ nhau tai rằng, hôn nhân là mồ chôn tình yêu, là cái toilet người ở ngoài thì khao khát được vào còn kẻ ở trong thì chỉ muốn thoát ra càng nhanh càng tốt. Ấy thế nhưng, trường hợp vợ chồng nhà chị Thư thì lại là một minh chứng hùng hồn chứng tỏ rằng nhận định đó hoàn toàn sai bét!
Cưới nhau đã 5 năm, có với nhau một cô công chúa xinh xắn 3 tuổi rưỡi, nhưng tình cảm vợ chồng nhà chị Thư lúc nào cũng mặn nồng, thắm thiết như thuở mới yêu, thậm chí còn nồng cháy, quấn quýt hơn khối kẻ đang trong thời gian yêu đương mật ngọt!
Có người lại thắc mắc, một khi đã lấy nhau, vấp vào cơm áo gạo tiền thì những sự yêu chiều, tán tỉnh nhau của cái thời “chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì” cũng sẽ dần bớt đi chứ, chả ít thì nhiều. Thêm nữa, sống với nhau lâu, cảm giác quen thuộc xâm lấn, sự mới mẻ mất dần, sẽ có lúc thấy nhàm, chán chứ! Đúng vậy, thế nên để giữ gìn được “lửa tình” bền lâu thì cần có bí quyết cả đấy! Và chiến lược chị Thư áp dụng bao năm qua để giữ chồng mà thực tế đã cho kết quả thành công mỹ mãn, chính là: Đừng coi chồng là chồng, mà hãy coi chồng như… tình nhân!
Nói là làm, ở nhà chị Thư, những việc gì có thể san sẻ được chị đều khéo léo tìm cách “cưa đôi” với chồng (Ảnh minh họa).
Chị Thư bảo, các cô nhân tình có cô nào là không miệng ngậm đường, lúc nào cũng tuôn ra toàn những lời ngọt ngào, mê đắm thì đàn ông nào chả sướng quên đường về. Trong khi đó, vợ ở nhà thì luôn trong tình trạng càu nhàu, cáu gắt, coi việc thể hiện tình cảm ngọt ngào với chồng là vớ vẩn chả cần thiết, hoặc như nhiệm vụ bắt buộc phải làm, hoặc vợ quá bận bịu đến mức không còn thời gian để ý đến. Đấy, chẳng có khen thưởng, vuốt ve, toàn kỉ luật thì chồng nào chẳng ngán ngẩm và thèm thuồng ra đường để được bù đắp những thiếu hụt khi ở nhà.
“Nhiều người sẽ nói rằng, vợ và tình nhân là 2 khái niệm khác nhau rất nhiều, vợ với đủ thứ trách nhiệm, gánh nặng đè lên vai, trong khi tình nhân chỉ có yêu đương là việc duy nhất thì sao mà chẳng ngọt như mật cho được. Nhưng việc nhà, con cái đâu phải gắn mác ‘chỉ phụ nữ phải làm’, nhất là trong thời buổi hiện nay. Chị em đừng tự ôm hết vào mình, hãy chia sẻ hết mức có thể với ông xã để có thể cân bằng cuộc sống của mình” - chị Thư nói.
Nói là làm, ở nhà chị Thư, những việc gì có thể san sẻ được chị đều khéo léo tìm cách “cưa đôi” với chồng. Ví như, chị bận nấu bữa tối thì lúc đó anh xã nhà chị cũng chẳng được nhàn rỗi, mà phải đảm nhiệm việc tắm cho con, dạy con học. Bằng những cách như vậy, chị nhẹ gánh đi rất nhiều. Khi không còn quay cuồng với những việc không tên, chị có thời gian và tâm trí để chăm sóc bản thân, giải trí theo sở thích và cả nói chuyện yêu đương với chồng.
Mặc dù đã là vợ chồng nhưng chị Thư vẫn luôn duy trì sự ngọt ngào giữa 2 người bằng những cử chỉ có khi là rất nhỏ. Mỗi khi 2 vợ chồng đi đâu cùng nhau, chị bao giờ cũng chủ động nắm tay anh thật chặt, khiến anh cảm nhận được sự dịu dàng và tình yêu lúc nào cũng thường trực của chị dành cho anh. Thi thoảng chị bất ngờ thơm nhẹ vào gáy chồng, thì thầm câu “Em yêu anh”, khiến anh xã chị thích mê li. Đến khi cãi nhau hay chiến tranh lạnh thì chồng chị lại làm lành bằng cách đưa gáy ra cho vợ thơm như trẻ con vậy. Có lần chồng chị còn bảo: “Em cứ thế này anh quen mất, hôm nào không có em thơm gáy là anh lại vật, thấy ngứa ngáy, thiếu thiếu ấy!”. Chị Thư cười thầm trong bụng, vậy là việc làm của chị đã đem lại thành công, gần như tạo thành một thói quen cho chồng, để khi không có thì anh xã sẽ nhớ tới vợ ngay.
Chị cũng rất chịu khó thiết kế những bất ngờ lãng mạn dành cho chồng, siêng năng rủ anh lượn lờ, thăm thú lại những nơi từng in dấu tình yêu của 2 người để ôn lại kỉ niệm xưa (Ảnh minh họa)
Rồi mặc dù chị đã là “mẹ trẻ con”, nhưng chị vẫn hay mè nheo, nũng nịu chồng như con nít. Nhiều khi chị Thư đang cặm cụi nấu cơm dưới bếp 1 mình, anh xã chị thì ngồi gác chân nghịch máy tính trên nhà. Chị không cam lòng, leo lên nhảy thẳng vào ngồi trong lòng chồng, vít cổ chồng xuống thơm “chụt” một cái thật kêu: “Không nghịch máy nữa, xuống bếp nấu cơm với em!”. “Nấu cơm đơn giản thế mà cũng phải 2 người nấu á?” - chồng chị kiếm cớ thoái thác. “Nhưng mà em thích anh xuống nấu với em cơ, nấu 1 mình buồn lắm! Đi mà! Đi mà chồng yêu của em!” - vừa nói bằng giọng điệu nũng nịu, chị vừa đủn chồng đi. Chồng chị tuy ngoài mặt làm ra vẻ bực bội, làu bàu mấy câu nhưng trong lòng thì ắt hẳn đang sung sướng, còn cười cười giả vờ nạt vợ: “Nào thì đi! Sốt cả ruột!”.
Sáng nào chị cũng giữ thói quen nhắn tin… tán tỉnh, trêu ghẹo chồng y hệt như hồi còn yêu nhau. “Chỉ mất vài phút thôi, có nhiều nhặn gì đâu, nhưng hiệu quả đem lại thì rất to lớn!” - chị Thư chia sẻ. Chị cũng rất chịu khó thiết kế những bất ngờ lãng mạn dành cho chồng, siêng năng rủ anh lượn lờ, thăm thú lại những nơi từng in dấu tình yêu của 2 người để ôn lại kỉ niệm xưa, bồi dưỡng cho tình cảm hiện tại. “Không mất nhiều công sức cho những việc đó đâu, chỉ là nhiều khi cuộc sống quá bộn bề lo toan mà chị em xao nhãng đi thôi!” - chị Thư nhẹ giọng bộc bạch.
“Đi xa thì thôi chứ cứ về đến nhà là vợ chồng mình quấn quýt ríu rít, trêu chọc nhau như đôi tình nhân chính hiệu. Nhất là những ngày cuối tuần, mình thường thay phiên gửi con gái bên nhà ông bà nội, ngoại để 2 vợ chồng có không gian, thời gian tha hồ thoải mái ‘hú hí’. Hãy coi chồng như tình nhân, chồng đảm bảo thích mê tơi, từ đó mình cũng được hưởng lại sự ngọt ngào từ chồng đấy chứ! Nếu có ra đường thì chồng cũng miễn nhiễm với các thể loại gái ngọt như mật, vì ở nhà có khi vợ còn ngọt hơn!” - chị Thư nháy mắt bật mí.