Chích silicone lỏng dưới da và những hiểm họa khôn lường

,
Chia sẻ

Điều nguy hiểm là đến nay, khi những tác hại ghê gớm của việc chích silicone lỏng không còn xa lạ thì công việc tưởng như một sai lầm trong quá khứ này vẫn đang tiếp tục được thực hiện.

Những bệnh tích do silicone lỏng gây ra ở những vùng cơ thể có các thần kinh quan trọng như vùng má hay ngực, mông… vẫn còn là thử thách lớn cho y học. Điều nguy hiểm là đến nay, khi mà những tác hại ghê gớm của việc chích silicone lỏng không còn xa lạ thì công việc tưởng như một sai lầm trong quá khứ này vẫn đang tiếp tục được thực hiện đây đó.

Bằng chứng là vẫn còn những bệnh nhân đến khám với một vùng cơ thể sưng đỏ vì mới chích silicone trong vòng vài tháng. Những thao tác quá đơn giản so với tiền thù lao nhận được, kết quả nhanh chóng về mặt thẩm mỹ… đã đưa đẩy người chích và người được chích đến với nhau trong mê muội.

Tiêu chuẩn một chất độn lý tưởng

Chích một chất lỏng dưới da để bù đắp những khiếm khuyết trên cơ thể trong mục đích thẩm mỹ hay tạo hình là phương pháp đã quyến rũ bao thế hệ phẫu thuật viên. So với dùng chất độn đặc, cứng đã có từ lâu, lịch sử của chất độn lỏng dường như chỉ bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 19. Những chất lỏng có độ quánh cao có nguồn gốc thực vật hay động vật đã được dùng. Khởi đầu là paraffin, đến lanolin rồi silicone cùng các hợp chất của nó, chưa có chất nào thực sự vô hại để có thể chích vào cơ thể.
 
Một chất độn lý tưởng phải đạt được những tiêu chuẩn: không gây phản ứng tại chỗ, không có tính kháng nguyên, không gây ung thư; trơ về hoá học cũng như vật lý học; không độc và không kích thích phản ứng toàn thân; không thay đổi với thời gian, sức nóng và áp suất; không là môi trường cho vi trùng phát triển; dễ tiệt trùng và dễ sử dụng; không đắt tiền. Silicone lỏng thoả được phần nào những tiêu chuẩn này nên đã được dùng nhiều và dùng lâu nhất với nhiều thành công và thất bại.
 
Ngày nay, tuy không còn dùng trong những cơ sở thẩm mỹ đúng đắn, silicone lỏng vẫn đang được tiếp tục dùng bởi những kẻ ngoài ngành y tế, tập trung ở tỉnh lẻ, vùng xa, trong một số tiệm uốn tóc vùng biên giới hay chỉ với hành trang của một chị làm móng tay dạo ngoài chợ. Càng nguy hiểm hơn là chất lượng của cái gọi là “mỡ nhân tạo” này thì không thể kiểm soát được.

“Silicone lỏng nằm dưới da không chỉ tạo nên những bệnh tích nặng nề về mặt thẩm mỹ mà còn gây ra những phản ứng mẫn cảm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và năng suất lao động của bệnh nhân”

Những tai hại do silicone lỏng gây ra

Silicone lỏng nằm dưới da không chỉ tạo nên những bệnh tích nặng nề về mặt thẩm mỹ mà còn gây ra những phản ứng mẫn cảm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và năng suất lao động của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nữ (nam giới cũng không phải hiếm), nỗi khổ tâm nhất liên quan đến hậu quả chích silicone lỏng là thân thể ngày càng xấu đi, tồi tệ hơn.
 
Thêm vào đó còn là nỗi đau triền miên vì vùng bị phản ứng luôn sưng, nhức. Lạc thú ở đời cạn kiệt do một chế độ ăn uống kiêng khem khắc nghiệt cùng nỗi lo sợ ngày kia silicone sẽ hoá ung thư. Hy vọng héo tàn qua bao lần chữa trị, mổ xẻ, vừa hao tốn, vừa đau đớn mà kết quả thường tệ hơn. Tại chỗ, sự tồn tại của silicone lỏng diễn biến xấu dần theo nhiều cách, có thể nhanh hay chậm, nặng hay nhẹ tuỳ phản ứng của chủ thể, loại silicone dùng, liều lượng, số lần chích và kỹ thuật chích.

Về đại thể, theo trọng lực xuống phía dưới, silicone lỏng sẽ gây ra những tổn thương: làm chảy xệ vùng chích; cô lập lại thành từng nhóm hạt trong suốt; xuất hiện túi xơ co rút; bị u silicone. Về vi thể, đó là hình ảnh của cấp độ phản ứng viêm: có thể chỉ là hình ảnh tẩm nhuận các tế bào lympho ở những vùng mới chích; nếu chích nhiều silicone, các vách ngăn bằng mô sợi sẽ thành lập, phân chia khối dị vật ra thành từng kén; bị u silicone…

Cắt bỏ phải đi đôi với tái tạo
 
Phẫu thuật lấy mô nhiễm silicone phải là một kết hợp của sự cắt bỏ rộng, triệt để bởi một phẫu thuật khối u với một phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình có tính bảo tồn. Sự cắt bỏ phải đi đôi với tái tạo. Phẫu thuật muốn thành công, phải lấy hết silicone vì bệnh căn là một phản ứng dị ứng, đào thải chất lạ.
 
Điều trị vùng mũi: việc chữa trị gần như chỉ là kinh nghiệm của cá nhân. Những thông báo về cách chữa loại bệnh này trong y văn thế giới rất hiếm hoi vì chích silicone lỏng nhằm mục đích thẩm mỹ gần như chỉ thực hiện ở những nước Á châu.
 
Thực tế cho thấy tất cả những phương pháp bảo tồn đều thất bại và làm tình trạng bệnh xấu đi. Dễ nghĩ đến và dễ làm nhất có lẽ là dùng ống chích hút chất silicone trong cơ thể ra. “Sáng tạo” hơn, có người dùng dao rạch những vết nhỏ trên da rồi hút silicone ra bằng ống giác!
 
Cách khác nữa là chích kích thích tố thượng thận, tác dụng chậm, nhất thời cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên các phản ứng viêm sẽ xuất hiện lại, còn nặng hơn trước, sau khi thuốc hết tác dụng. Về phẫu thuật, cần một đường mổ ẩn vừa đủ rộng để có thể tấn công vào mọi ngõ ngách của tổn thương, vừa kín đáo để không gây sẹo quá đáng trên mặt. Quá trình điều trị cũng cần được hỗ trợ bởi một phẫu thuật tái tạo, nhằm tái tạo những di chứng nặng nề như sụp tháp mũi, lõm, méo mó vùng cạnh mũi, vùng trán…

Điều trị các vùng khác: thường khó lấy sạch silicone trên mặt. Phẫu thuật căng da mặt giúp cải thiện nhiều cấu trúc vùng mặt. Vấn đề là sự toàn vẹn của dây thần kinh VII. Với cằm, là một vùng khó tái tạo. Với môi, chỉ lấy một phần silicone để cải thiện về thẩm mỹ. Ở tay, kết quả kém vì da tay, yếu, dễ hoại tử, đổi màu. Với ngực, muốn lấy trọn thì phải cắt bỏ mô mềm vú, gần như mổ u lành.

Với những cố gắng của phẫu thuật viên lẫn bệnh nhân, bệnh tích do silicone lỏng gây nên không còn là chuyện quá nan giải. Vấn đề là cần tiếp tục những biện pháp ngăn chặn sử dụng cách làm thẩm mỹ này, làm sao để không còn ai tự đặt mình dưới mũi kim của tử thần như vừa qua nữa.
 
Theo Sài gòn TT
Chia sẻ