Chỉ nhìn vào giày dép, dáng đi cũng lộ ra bệnh tật, thấy 8 điểm này cần thăm khám ngay
Trên thực tế, nhiều vấn đề sức khỏe có thể được bộc lộ thông qua dáng đi và cả độ mòn của giày dép.
Chúng ta đi lại, sử dụng giày dép mỗi ngày nhưng ít ai có thói quen kiểm tra chúng thường xuyên, trừ khi phát hiện sự khó chịu hay giày dép hư hại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khỏe thì những bất thường như độ mòn ở giày dép, dáng đi có thể phản ánh nhiều điều về sức khỏe mỗi người.
4 kiểu mòn giày dép cảnh báo trước nhiều vấn đề sức khỏe
Giày dép đi lâu cũng sẽ bị mòn, nhưng nếu phát hiện giày dép của bạn mòn theo 4 kiểu dưới đây thì nên cẩn trọng!
Mòn mặt trong của đế:
Mặt trong của đế giày dép là mặt đối xứng giữa 2 bàn chân, thường chạm như khi chụm 2 bàn chân lại. Nó có thể được gây ra bởi chân vòng kiềng nặng hoặc tình trạng bàn chân phẳng, thường gọi là chân bẹt. Hoặc là do xương chậu bị nghiêng về phía trước, dị dạng khớp háng.
Bàn chân bẹt khiến bàn chân nghiêng vào trong khi vòm bàn chân trước chạm đất, gây mòn gót chân bên trong. Bàn chân bẹt làm giảm chức năng nâng đỡ của bàn chân và khiến cơ bắp chân phải làm việc quá sức, có thể dẫn đến chuột rút hoặc sưng khớp cổ chân trong, sưng khớp háng bên trong, đau thắt lưng.
Mòn mặt ngoài của đế:
Mặt ngoài đế giày tức là mặt hướng ra ngoài, gần với tay và vai hơn. Đây là dấu hiệu của sự căng quá mức ở bên ngoài gót chân, thường là do gót chân bị lõm khiến trọng lượng dồn về phía bên ngoài bàn chân, gây mòn bên ngoài giày.
Cách đi bộ này dễ dẫn đến bong gân, chấn thương khớp, căng thẳng không đều trong thời gian dài cũng có thể gây hao mòn sụn ngoài của đầu gối, dẫn đến viêm khớp. Trong trường hợp mặt ngoài đế giày bị mòn nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên đến chuyên khoa chỉnh hình để khám, tránh làm biến dạng cấu trúc xương và gây hậu quả nghiêm trọng.
Độ mòn đế 2 bên giày dép không đối xứng:
Tình trạng này chủ yếu là do lực tác dụng lên đầu gối không đồng đều, phổ biến nhất là bàn chân dài hoặc bàn chân ngắn, hai bên xương chân có độ dài khác biệt nhau. Điều này dẫn tới động tác đi lại sẽ có một chút khác biệt, độ mòn của lòng bàn chân đương nhiên sẽ khác nhau. Lòng bàn chân dài sẽ mòn tương đối ít, trong khi lòng bàn chân ngắn sẽ mòn nhiều hơn do phải chịu lực lớn hơn.
Nguyên nhân ngoài yếu tố bẩm sinh còn có thể liên quan đến nghiêng xương chậu, lệch xương hông, cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nghiêm trọng, các bệnh gây ăn mòn xương khớp…
Mòn đầu mũi giày dép:
Hiện tượng mài mòn ở phần đầu đế giày cũng tương đối phổ biến. Đây thường là do bàn chân của người đó tương đối to, trong khi giày lại nhỏ và lực tác động lên bàn chân trước không đồng đều. Hoặc do tư thế đi sai, dị dạng xương chân, các bệnh gây dày sừng lòng bàn chân như viêm da cơ địa… Nếu do giày chật, tư thế đi sai thì có thể sẽ xuất hiện thêm vết chai, lồi hoặc biến dạng nhỏ ở ngón chân. May mắn là điều này có thể điều chỉnh.
Còn trong trường hợp nghiêm trọng, thói quen đi nhón chân gây mòn mũi giày dép còn có thể là do các bệnh lý nguy hiểm như: loạn dưỡng cơ, bại não, tự kỷ, bệnh tủy sống… nhất là ở trẻ em.
Các chuyên gia cũng nhắc nhở thêm rằng, đối với những đôi giày mới mua, nếu độ mòn trong vòng sáu tháng nằm trong khoảng 20% thì đó là điều bình thường. Nhưng nếu rút ngắn thời gian này xuống còn 3 tháng, không chỉ là tư thế đi lại có vấn đề mà còn là cơ thể có bất thường, nên đến bệnh viện kiểm tra kịp thời.
4 bất thường khi đi lại là dấu hiệu bệnh tật nguy hiểm
Ngoài độ mòn của gót giày, một số bất thường khi đi lại cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tật nguy hiểm nhưng ít ai để ý.
Bước đi hình cái kéo:
Zhang Jie, phó bác sĩ khoa Tim mạch tại Bệnh viện Nhân dân số 7 Trịnh Châu (Trung Quốc) nhắc nhở: “Đi lại với dáng như cây kéo cắt là dấu hiệu điển hình của vấn đề về não bộ, thường gặp nhất là bại não, bệnh nhồi máu não. Khi đi bộ, hai đùi khép lại, chân bắt chéo nhau, đi bộ dễ dàng bước trước một chỉ mu bàn chân của bàn chân.
Lý do là các dây thần kinh và mạch máu của cơ thể con người phân bố rộng rãi ở chân nên nhồi máu não có thể gây suy giảm khả năng vận động của chi một bên, khiến chi bị ảnh hưởng mất đi sự linh hoạt khi đi lại. Vì vậy, người bệnh sẽ dùng chân khỏe làm điểm tựa khi đi lại, chi còn lại sẽ đu về phía trước nhờ sự trợ giúp của lực và quán tính của cơ thể khi đi, tạo thành dáng đi giống như một chiếc kéo khi nhìn từ phía sau”.
Đau nhức bắp chân khi đi quãng ngắn, kể cả khi nghỉ ngơi:
Bác sĩ Wang Wei, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu của Bệnh viện Xiangya thuộc Đại học Trung Nam (Hồ Nam, Trung Quốc) nói: “Nếu cảm thấy bắp chân nặng, lạnh và yếu, khoảng cách đi bộ ngắn cũng thấy đau nhức dù không quá cao tuổi thì nên cẩn trọng với nhiều vấn đề sức khỏe. Ví dụ như thiếu máu, căng cơ quá độ, viêm dây thần kinh ngoại biên, tiểu đường, mỡ máu, huyết khối, thuyên tắc động mạch chi dưới….
Các bệnh tim mạch nghiêm trọng và bệnh thuyên tắc động mạch chi dưới khiến bạn bị rút ngắn quãng đường đi bộ theo thời gian, thậm chí bắp chân vẫn cảm thấy đau ngay cả khi nghỉ ngơi. Cảm giác khó chịu rõ ràng hơn khi nằm xuống vào ban đêm. Trường hợp nặng có thể bị bầm tím, loét bàn chân, ngón chân”.
Đau răng hay đau hàm khi đi lại:
Bác sĩ Qin Haidong, Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Số 1 Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc) cho biết: “Nếu bình thường bạn không cảm thấy đau răng hay đau quai hàm nhưng cứ đi lại là có cảm giác đó thì hãy cẩn trọng với nhồi máu cơ tim. Cơn đau này thường kéo dài dai dẳng và có thể kèm theo các triệu chứng khác như đau ngực, đau vai, cảm giác bức bối khó hiểu”.
Đau đầu gối khi leo cầu thang, xuống dốc:
Theo Wang Jian, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Khớp và Xương tại Bệnh viện Nanfang thuộc Đại học Y miền Nam (Trung Quốc) cảnh báo: “Dù ở tuổi nào, nếu thường xuyên bị đau khớp gối khi leo cầu thang, xuống dốc mà không phải chấn thương thì hãy cẩn với bệnh viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, tràn dịch khớp gối.
Những người bị viêm khớp gối cũng có thể bị khó ngồi xổm hoặc đứng dậy, hoặc thậm chí phát ra âm thanh lộp bộp ở đầu gối. Một số trường hợp có thể là do tổn thương dây chằng, viêm bao hoạt dịch, thậm chí ung thư liên quan tới xương khớp hoặc máu”.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Family Doctor, QQ