Chỉ là việc uống nước hàng ngày thôi nhưng nếu bạn có thói quen này thì coi chừng...
Nhiều người có thói quen uống nước bằng cốc giấy, cốc nhựa hoặc vô tư uống nước bằng những cốc lâu ngày không rửa... mà không biết rằng đang tự rước họa vào thân.
Uống nước bằng cốc giấy, cốc nhựa, cốc lâu ngày không rửa
Cốc uống nước là vật dụng không thể thiếu ở mọi nhà. Sự đa dạng của các loại cốc với những chất liệu phong phú giúp thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của người mua. Và mọi chuyện sẽ không có vấn đề gì nếu như bạn biết "hạn sử dụng" của mỗi loại cốc, luôn tráng rửa trước và sau khi dùng. Nhưng hãy tự hỏi bản thân xem, bạn đã sử dụng cốc uống nước đảm bảo vệ sinh?
Đầu tiên hãy nói về những loại cốc vài ngày mới được rửa. Bạn có phải là người đi tráng cốc mỗi lần trước khi uống? Cốc rót nước sau khi uống xong liệu có được rửa sạch và úp ở nơi khô ráo? Chắc chắn là không phải ngày nào bạn cũng thực hiện đều đặn việc làm tốt cho sức khỏe như vậy.
Với dân văn phòng, bởi guồng xoay công việc, cuộc sống quá bận rộn, đến công ty sát giờ làm, sau đó lại tất bật bật máy tính, tìm nút bấm điều hòa cho bớt ngột ngạt, rồi thì buồn ngủ quá, bạn quơ vội tay làm nhanh một cốc cà phê... mà có thể quên mất rằng mình cần phải rửa cốc sạch sẽ trước khi uống. May ra thì bạn sẽ nhớ rằng phải úp cốc xuống khi ra về và phải tráng cốc – ngay tại chỗ lấy nước uống vào sáng hôm sau. Đó là chưa kể, bạn ngồi lỳ trước màn hình máy tính, chỉ khi cảm thấy khát mới đứng lên tìm cốc và lấy nước uống ngay để thỏa mãn cơn khát tức thì.
Ở gia đình cũng vậy. Chỉ khi nào bạn khát nước thì mới tìm đến cốc uống nước. Sau khi thỏa mãn cơn khát có lẽ chẳng mấy ai để ý xem chiếc cốc mà mình sử dụng đã vài ngày rồi chưa được rửa. Chiếc cốc dùng để uống nước trong gia đình lại không phải là vật dụng cá nhân, mọi người có thể dùng chung. Một chiếc cốc sau vài ngày không rửa được đưa lên miệng hết người này đến người khác thì hãy nghĩ xem, khả năng lây bệnh do lây lan vi khuẩn sẽ ở mức độ nào?
Ở gia đình cũng vậy. Chỉ khi nào bạn khát nước thì mới tìm đến cốc uống nước. Sau khi thỏa mãn cơn khát có lẽ chẳng mấy ai để ý xem chiếc cốc mà mình sử dụng đã vài ngày rồi chưa được rửa. Chiếc cốc dùng để uống nước trong gia đình lại không phải là vật dụng cá nhân, mọi người có thể dùng chung. Một chiếc cốc sau vài ngày không rửa được đưa lên miệng hết người này đến người khác thì hãy nghĩ xem, khả năng lây bệnh do lây lan vi khuẩn sẽ ở mức độ nào?
Thay vì dùng cốc sứ, một số người lại sử dụng cốc nhựa để uống. Đây là một loại chất liệu có khả năng bám dính cao khi bạn tiếp xúc, kể cả bằng bàn tay hay miệng. Nếu không được diệt khuẩn thường xuyên, hãy thử tưởng tượng xem điều gì có thể xảy ra với sức khỏe của bạn?
Bên cạnh đó, cốc giấy, cốc nhựa dùng một lần có ưu điểm gọn nhẹ, dùng xong một lần rồi bỏ cũng được nhiều người sử dụng. Chúng ta vẫn cho rằng, loại cốc này đảm bảo tính vệ sinh vì dùng xong một lần rồi bỏ đi dùng cái khác, khỏi lo vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Sự thực có phải như bạn vẫn nghĩ?
Cốc uống nước lâu ngày không rửa chính là nơi phát sinh ổ vi khuẩn
Chiếc cốc luôn ẩm ướt và tiếp xúc với bàn tay đánh máy tính, đôi môi tô son chẳng hạn sẽ để lại những dấu vết không thực sự đẹp trên cốc. Dù bạn có lau sạch bằng giấy vẫn có những vi khuẩn còn sót lại. Gặp môi trường thuận lợi, lượng vi khuẩn sẽ được nhân lên một cách đáng sợ.
Với những loại cốc dùng một lần, kết quả nghiên cứu cũng khiến bạn phải hoảng hồn. Kết quả điều tra của các nhà khoa học Mỹ và Canada cho thấy, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene có màu trắng, nhẹ, tính dẻo. Báo cáo nghiên cứu của Chương trình Độc chất học quốc gia Mỹ cũng cho hay, Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại. Styrene là một chất gây ung thư, phá hủy DNA ở con người, gây nên dị tật thai nhi, mệt mỏi, căng thẳng, đột quỵ… Liệu những loại cốc này có thực sự nguy hại đến vậy?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, có thể nói uống nước bằng cốc không tráng rửa mỗi ngày thể hiện một lối sống tùy tiện, kém văn minh. Nói về nguy hại khi sử dụng loại cốc này, vị Phó giáo sư cho rằng, thực tế thì nguy hại của nó không có gì quá to tát. Có thể bạn sẽ trải qua những cơn đau bụng, mệt mỏi vì nuốt phải ổ vi khuẩn ngay miệng cốc. Điều này sẽ đem lại một chút rắc rối cho hệ tiêu hóa của bạn.
“Cốc lâu ngày không rửa có thể phát sinh một ổ vi khuẩn, khi chui xuống bụng qua việc uống nước có thể gây hại cho đường tiêu hóa nhưng không có gì to tát. Môi trường ở cốc thường ẩm ướt nên rất dễ làm phát sinh một ổ vi khuẩn. Chỉ cần chúng ta chăm chỉ rửa cốc mỗi ngày bằng nước rửa chén là có thể loại bỏ vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể”, chuyên gia khẳng định.
Riêng những loại cốc giấy, cốc nhựa dùng một lần rồi bỏ, theo ông Thịnh, đây là một phương pháp làm cốc mới, tiên tiến, một cách tiêu dùng mới rất thuận lợi cho nhiều dịp khác nhau như đi du lịch, đi dã ngoại… Việc sử dụng cốc nhựa, cốc giấy dùng một lần sẽ đảm bảo tính vệ sinh, sạch sẽ nên rất được chuyên gia khuyên dùng.
“Nhiều người hay suy diễn loại nhựa làm cốc có nhiều nguy hại cho sức khỏe, hơn nữa chỉ dùng một lần rồi bỏ mà giá thành tương đối rẻ nên càng lo lắng. Thực tế thì loại nhựa để làm cốc giấy, cốc nhựa dùng một lần là loại nhựa trong suốt, mỏng dính. Đây là loại nhựa rất tốt mới có khả năng đựng nước như vậy, do đó chúng ta không nên nghi ngờ, lo lắng vì công nghệ tráng chất dẻo bên trong cốc giấy chính là một sự tiến bộ của công nghệ sinh học”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Vấn đề duy nhất khiến bạn nên băn khoăn khi sử dụng cốc giấy, cốc nhựa một lần đó là vấn đề môi trường. Theo ông Thịnh, những loại cốc này do chỉ dùng một lần là vứt bỏ nên thải ra ngoài nhiều sẽ làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề hoàn toàn khắc phục được nếu chúng ta thu gom chúng và tái chế.
Khi sử dụng cốc uống nước bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Cốc nhựa, cốc giấy dùng một lần sử dụng xong trong ngày nên vứt bỏ vào thùng rác.
- Cốc uống nước lâu ngày như những loại cốc nhựa, cốc tráng men… đều cần được rửa sạch bằng nước rửa chén có tính diệt khuẩn.
- Sau khi uống xong nên lau khô cốc và úp xuống khay đựng cốc cẩn thận, tránh tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi.
- Không uống chung cốc với những người khác để đảm bảo tính vệ sinh, tránh lây lan vi khuẩn.
- Nguồn nước uống cần được lọc qua clo để tránh có sẵn vi khuẩn, làm tình trạng sức khỏe suy giảm trầm trọng.
- Những loại cốc, chai nhựa sử dụng trong thời gian dài có nhiều vết nứt, rãnh, tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ, do đó bạn nên thay bằng cốc sứ, thủy tinh sẽ an toàn hơn.