Chị em phàn nàn vì Tết bên ngoại bị xem nhẹ
Không biết tự bao giờ, trong suy nghĩ của phần đông người Việt, việc ăn Tết ở nhà chồng như là một lẽ đương nhiên. Có lẽ vì thế nhiều chị em khi lấy chồng xa quê thì xem như trở thành “con của nhà khác”, ít khi hoặc không bao giờ được đón một cái Tết trọn vẹn cùng bố mẹ mình.
Ảnh minh họa.
Chưa một lần được đón Giao thừa ở nhà bố mẹ
Chị Hương, quê ở một tỉnh miền Trung, hiện làm việc và lập gia đình tại Vĩnh Phúc kể rằng, từ ngày lấy chồng đến nay chị chưa một lần được đón Giao thừa ở quê nhà. Gia đình chồng chị có hai con trai. Chồng chị Hương là con trưởng. Người con trai thứ cũng đã lập gia đình ở Vĩnh Phúc. Ngược lại, bố mẹ chị Hương có bốn con gái. Chị Hương là con thứ ba. Sau chị Hương là cô em út đang học cuối cấp 2. Mặc dù lấy chồng xa, đời sống kinh tế khá giả nhưng mỗi lần Tết đến, sau khi lo xong việc Tết nhà chồng, chị lại ngồi thần người vì nhớ nhà, nhớ thời khắc Giao thừa bên những người ruột thịt của mình, nhớ đến những cái Tết bên cha mẹ, bên các chị và cô em út nhỏ xinh.
Nhiều lần chị Hương bàn với chồng thu xếp về quê ngoại đón Tết nhưng suốt 5 năm nay, chưa năm nào chị được thỏa ước nguyện. Năm thì vợ chồng đứa em mới sinh con, năm thì mẹ chồng ốm, năm thì bên họ nhà chồng có lễ mừng thọ của cụ trưởng họ… Có năm vợ chồng chị thu xếp về quê ngoại ăn Tết được thì đến tận mùng 3 Tết mới về, lúc đó mâm ngũ quả đã hạ xuống, Tết đã hết và người người khi gặp đều hỏi một câu: “Sao giờ mới về? Ăn Tết ở quê nội có vui không?”…
Cùng cảnh lấy chồng xa quê như chị Hương, chị Thảo ở Hà Nội cũng cho biết, từ ngày lấy chồng xa, bố mẹ chị “coi như mất” con gái. Chưa có một cái Tết nào chị về với bố mẹ. Chồng lại là con trai một nên năm nào chị Thảo cũng phải lo xong việc cúng 3 ngày Tết thì đi đâu mới được đi. Kể cả bố mẹ chị ốm, hay nhà ngoại có việc quan trọng thì chị Hương cũng không thể về trước ngày mùng 3 Tết. “Biết rằng lấy chồng, sinh con rồi thì mình phải lo cho gia đình mình nhưng nghĩ cảnh bố mẹ vò võ ngóng chờ con gái về mà hết sức chạnh lòng. Vừa thương bố mẹ, vừa thương thân gái 12 bến nước. Lấy chồng phải lo hàng tá trách nhiệm, đến việc muốn báo hiếu với bố mẹ đẻ mình cũng không thực hiện được mà thấy chua xót lắm”, chị Thảo nói.
Chị em sợ… Tết cổ truyền
Có ý kiến cho rằng, 100 phụ nữ có chồng thì có tới 90 người than thở nỗi sợ hãi ngày Tết cổ truyền. Bởi họ chìm trong những bữa cơm, mâm cỗ, lễ nghi...
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Quang Nam (ở Hà Nội), việc người phụ nữ lấy chồng xa vì phải lo Tết ở nhà chồng mà không thể về báo hiếu với bố mẹ đẻ là sự thể hiện quyền lực tương quan tiếng nói giữa nam và nữ. Lấy chồng lo Tết cho nhà chồng vì thế như một quy định bất thành văn ủng hộ nam giới nhiều hơn, hướng đến nhu cầu hay tình cảm của nam giới. Quy định bất thành văn này bắt nguồn từ quan niệm tam tòng trong xã hội đạo Khổng. Mặc dù hiện nay không còn nặng nề như trước nhưng vẫn còn ảnh hưởng trong xã hội ta. Có những ông chồng, dù còn rất trẻ vẫn xem đó như là giá trị ngẫu nhiên, xung quanh như thế thì mình cũng phải theo như thế… mà không màng tới nhu cầu của vợ.
Theo ông Nam: Để ngày Tết được vui vẻ thì hai vợ chồng cần trò chuyện, bàn bạc và thống nhất với nhau về kế hoạch ăn Tết, có thể là ở nhà mình, có thể là ở quê nội, có thể là ở quê ngoại, có thể là đi du lịch… dựa trên sự thống nhất nhu cầu của cả hai bên. Chúng ta không nhất thiết phải theo một tập quán cứng nhắc. Bởi nếu không nói chuyện với nhau, không coi trọng nhu cầu của nhau mà lấy văn hóa ra để bảo vệ cho nhu cầu của mình thì khi đó văn hóa là sự đồng minh của sự ích kỷ. Và như vậy, mâu thuẫn xung đột là lẽ đương nhiên không thể tránh khỏi. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ, Tết là cơ hội để các cặp vợ chồng học cách lắng nghe nhau, học để hiểu nhau. Nếu làm được như vậy thì ngày Tết chính là dịp để các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, để sống hạnh phúc thuận hòa hơn”.
“Tại sao người phụ nữ không được trong không khí của ấu thơ, tuổi thanh xuân trong Tết bên nhà cùng cha mẹ mình? Đó là sự bình đẳng trong công dưỡng dục, bình đẳng trong sự an vui của mỗi người dịp Tết đến, xuân về. Vì thế không nên quá đặt nặng những lễ nghi khiến con người mệt mỏi, sinh ra oán thán. Hãy bỏ lại việc làm đẹp lòng người mà tự tạo ra truyền thống cho chính mình. Lúc đó, Tết nhà nội, hay nhà ngoại không còn là sự so bì nữa mà là do sự yên vui mà mình cũng như người mình sống cùng cùng muốn hướng tới”, chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Quang Nam nói.