Chị dâu - em chồng: Cuộc chiến không cân sức

,
Chia sẻ

Đến đêm, khi “cơn hoả” của vợ đã nguội, anh ngồi lại nói chuyện với vợ thì mới biết, tất cả đều là do em gái anh “còn dại” và vợ anh thì “chưa đủ tế nhị”.

Ngồi trầm ngâm hút thuốc cả buổi sáng, Lượng đứng dậy cầm xe đi sang nhà em trai để nói chuyện với em gái. Em gái anh giận chị dâu đã bỏ đi cả ngày không về, anh không chỉ phải nhận trọng trách hoà giải giữa vợ và em, mà còn phải nghĩ cách “dạy em, dạy vợ”.

Mâu thuẫn giữa vợ và em gái là điều mà anh đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa các em về ở cùng. Anh cũng đã nói chuyện với vợ, với em gái, thế nhưng vẫn không ngăn chặn được xung đột xảy ra.

Đến bữa cơm, Lượng thấy không khí gia đình có gì “khang khác”. Không thấy em gái, anh hỏi thì em trai trả lời rằng: “chị ấy không ăn”. Gọi em gái, anh cũng nhận được lời đáp nặng chịch: “em không ăn”. Còn vợ anh thì không có phản ứng gì. Đi làm về mệt, thấy không khí gia đình không thoải mái, anh cũng không muốn ăn cơm. Được thể, vợ anh lớn tiếng: “Từ mai ai không ăn cơm thì phải báo trước với cả nhà một tiếng. Chứ nấu nướng ra mất bao nhiêu công, tốn kém, rồi ai cũng chê”. Thế là hôm sau, em gái anh bỏ đi không về.
 

Đến đêm, khi “cơn hoả” của vợ đã nguội, anh ngồi lại nói chuyện với vợ thì mới biết, tất cả đều là do em gái anh “còn dại” và vợ anh thì “chưa đủ tế nhị”. Vợ anh hậm hực kể: Buổi chiều khi đi chợ về, chuẩn bị nấu nướng vợ anh mới ngó vào phòng xem em chồng đâu. Thấy mấy chị em tối rồi không nấu nướng gì lại còn nằm ngủ, chị mới gọi các em dậy và nửa đùa nửa thật “đến giờ này mà còn nằm à? suốt ngày nằm thôi, không có việc gì làm à?”. Đến khi nhận được lời đáp của em chồng, cô mới giật mình: “Không nằm thì làm gì? Đi chơi à?”. Cô đi nấu cơm, không nói gì nữa.

Đang nấu dở nồi canh thấy thiếu gia vị, cô nhờ em trai đi mua. Nhưng vì đang dở tay nên cô bảo cậu em “hỏi chị Thanh xem tiền sáng ngày chị đưa đi chợ còn không thì lấy hộ chị”. Thế là vợ anh bắt đầu nghe thấy tiếng chân đi nặng hơn ngày thường, tiếng xả nước cũng “khác ngày thường” của em gái chồng. Dù bực mình  nhưng cô cũng cố gắng nhịn, bởi vì cô biết “một sự nhịn là chín sự lành”. Nhưng hành động bỏ cơm của em gái chồng thì cô không thể chấp nhận được nữa. Cô bực quá nên mới có chuyện xảy ra.

Tâm trạng của “hoà giải viên”

Thực ra, các ông chồng đều không muốn phải đứng giữa trong bất kì cuộc xung đột nào, dù là mẹ chồng – nàng dâu hay chị dâu – em chồng. Các ông chồng luôn muốn mẹ - vợ - em gái mình có thể tự tìm lấy một giải pháp để giữ gìn hoà khí trong gia đình. Đến khi buộc phải nhảy vào cuộc thì các đấng nam nhi đều cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

“Bênh vợ cũng không được mà bênh em cũng không xong” - Lượng tâm sự. Bênh vợ thì mất lòng em, bênh em thì mất lòng vợ, kiểu gì thì mối quan hệ giữa hai chị em cũng rất khó để cải thiện. Làm như thế nào để cả vợ và em không mất lòng, mà cả hai chị em đều hoà hợp là lí do khiến anh bỏ làm, ở nhà ngồi hút thuốc cả buổi.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc em chồng có phản ứng với chị dâu là chuyện hết sức bình thường. Bởi vì tự dưng có một người lạ vào nhà mình, rồi lại dạy bảo, lên lớp với mình, giành lấy sự quan tâm của anh trai đối với mình… khiến em chồng thường xuất hiện tâm lý “xoi xét”, “bắt lỗi” chị dâu, hạ bệ chị dâu trước mặt mọi người. Còn chị dâu trước cư xử của em chồng lại không hiểu và không đủ sự vị tha để hiểu, nên cảm thấy ấm ức và tìm cách “trả đũa”.

Để có thể hoà giải mối quan hệ phức tạp này, hành động của “hoà giải viên” bất đắc dĩ chưa hẳn là một giải pháp tối ưu. Quan trọng là chị dâu và em chồng phải thực sự xây dựng được một mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, coi nhau như chị em ruột. Đặc biệt, cả hai chị em đều phải học cách vị tha. 
 
TH (Tổng hợp)
Chia sẻ