Chỉ cần lấy 1 tờ giấy và làm việc này, phát hiện ngay chứng sa sút trí tuệ: Càng biết sớm càng dễ chữa
Đừng để tới lúc có triệu chứng mới chữa, mà cần phát hiện sớm để có biện pháp phòng tránh và bảo vệ não bộ.
Chứng sa sút trí tuệ là một thuật ngữ mô tả sự suy giảm chức năng nhận thức như trí nhớ, khả năng tư duy, phán đoán và ngôn ngữ… Đây không phải là một bệnh đơn lẻ mà là triệu chứng của một loạt các bệnh hoặc tình trạng sức khỏe, phổ biến nhất là bệnh Alzheimer.
Loại bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Họ dần mất khả năng tự chăm sóc bản thân, cần sự hỗ trợ liên tục từ gia đình hoặc nhân viên y tế. Ngoài ra, bệnh còn gây trầm cảm cho cả bệnh nhân lẫn người nhà, là gánh nặng tâm lý lớn.
Vậy nên, chúng ta cần có những biện pháp để phòng ngừa và kiểm soát bệnh từ sớm. Theo các chuyên gia, ngoài việc đi khám sức khỏe định kỳ, có một bài kiểm tra nhỏ để phát hiện sớm chứng sa sút trí tuệ này. Chỉ cần một tờ giấy nhỏ thôi là đủ, có thể thực hiện ở bất kỳ đâu.
Cách phát hiện sớm chứng sa sút trí tuệ
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, chứng sa sút trí tuệ thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi. Nhưng trong những năm gần đây, bệnh đang ngày càng trẻ hóa do lối sống, thậm chí là xuất hiện các triệu chứng một cách âm thầm.
Theo Jesus Ramirez-Bermudez – tiến sĩ kiêm bác sĩ thần kinh tại Viện Thần kinh và Phẫu thuật Quốc gia (Mỹ), để kiểm tra xem bản thân có đang mắc chứng sa sút trí tuệ hay không, hãy chuẩn bị 1 tờ giấy trắng, vẽ một chiếc đồng hồ bao gồm vòng tròn, số giờ và các kim chỉ thời gian. Chỉ đơn giản thế nhưng lại có hiệu quả bất ngờ.
Bài kiểm tra này sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí như:
- Người đó vẽ đồng hồ có tốt không?
- Đã bao gồm đủ 12 số chưa?
- Tất cả các số được vẽ theo đúng thứ tự trên mặt đồng hồ và đúng vị trí chưa?
- Các kim đồng hồ có chỉ đúng thời gian được quy ước trước khi vẽ không?
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (Anh), nếu người vẽ đáp ứng được hết tất cả các câu hỏi trên, thì nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ là rất thấp. Ngược lại thì phải hết sức cẩn trọng và đi khám ngay để phòng bệnh sớm.
Bài kiểm tra này như một phương pháp sàng lọc chứng sa sút trí tuệ rất hiệu quả. Nếu khi làm mà không đạt đủ tiêu chí nghĩa là não bộ đang gặp vấn đề. Lúc này, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị thêm về tâm lý hoặc thần kinh.
Những cách phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ
1. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn giàu omega-3 như cá hồi, cá mòi, các loại hạt và dầu oliu có thể cải thiện chức năng não. Ngoài ra hãy bổ sung trái cây, rau xanh và thực phẩm chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ tổn thương tế bào não.
Đặc biệt lưu ý, hãy hạn chế đường, thực phẩm chế biến sẵn và chất béo không lành mạnh để tránh các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch, tiểu đường.
2. Rèn luyện trí óc thường xuyên
Nên tham gia các hoạt động kích thích tư duy như đọc sách, giải đố, chơi cờ hoặc học một ngôn ngữ mới. Những việc này có thể tăng cường khả năng kết nối và linh hoạt của các tế bào thần kinh. Việc duy trì các hoạt động trí tuệ không chỉ giúp cải thiện trí nhớ mà còn làm chậm quá trình thoái hóa của não bộ.
3. Tăng cường vận động
Tập thể dục thường xuyên bằng cách đi bộ, chạy bộ, yoga hoặc bơi lội… giúp cải thiện lưu thông máu đến não và duy trì sức khỏe tổng thể. Hoạt động thể chất cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạch máu, một trong những nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ mạch máu.
4. Quản lý căng thẳng và sức khỏe tinh thần
Căng thẳng kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ. Các phương pháp thư giãn như thiền, yoga, hoặc hít thở sâu có thể giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tâm lý. Việc xây dựng lối sống vui vẻ, tích cực cũng giúp giảm nguy cơ trầm cảm – một yếu tố nguy cơ lớn của chứng sa sút trí tuệ.
Theo Indiatimes, Healthline