Chi cả trăm triệu cho con ôn thi, phụ huynh lo trường Amsterdam dừng tuyển lớp 6
Thông tin trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không được tuyển sinh lớp 6 làm nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng.
Từ khi đọc được thông tin Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường THPT chuyên phải dừng tuyển sinh lớp 6 năm học 2024 - 2025, chị Trần Thị Lan (SN 1985, Thanh Xuân, Hà Nội) đứng ngồi không yên. Suốt 3 năm qua, chị đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền học thêm, bồi dưỡng cho con với mục tiêu thi đỗ hệ THCS của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Bắt đầu khi con lớp 3, hằng tuần, chị đều đặn cho con học thêm đủ 3 môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, trung bình 6 buổi/ tuần, bất kể mưa hay nắng.
“Nghe tư vấn của đồng nghiệp, cho ôn luyện càng sớm tỷ lệ đỗ càng cao, vợ chồng chúng tôi cũng cố tích góp dành tiền cho con học thêm. Tiền học thêm 1 tháng của con bằng cả tháng lương làm văn phòng của tôi”, chị Lan nói.
Mỗi buổi học giá trung bình 300.000 đồng, mỗi tháng học 24 buổi, tiêu tốn khoảng 7,2 triệu đồng. Luỹ kế tính trung bình một năm chỉ tiền học thêm đầu tư cho con khoảng hơn 80 triệu đồng.
Như vậy, tính từ năm học lớp 3, 4, 5 gia đình chị đầu tư ngót nghét gần 300 triệu đồng, chưa kể tiền học ôn các lớp nâng cao trong giai đoạn nước rút này để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Chị Lan đánh giá, với sức học của con hoàn toàn có thể vào các trường công mà không cần ôn luyện. Việc học thêm này chủ yếu để phục vụ việc thi tuyển vào chuyên Hà Nội - Amsterdam.
"Trên một số nhóm chat phụ huynh còn mách nước phải tìm đúng lớp ôn thi của các giáo viên đang dạy tại trường sẽ uy tín, tỷ lệ đỗ cao hơn, dạy ôn luyện sát với đề thi. Tất nhiên điều này cũng đồng nghĩa mức tiền học thêm đắt gấp đôi", vị phụ huynh này nói.
Năm học 2023 - 2024 vừa qua, học sinh muốn trúng tuyển lớp 6 vào chuyên Hà Nội – Amsterdam cần vượt qua các yêu cầu khắt khe như có 5 năm tiểu học đạt hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Các em không được có quá 2 điểm 9 trong suốt 5 năm ở tất cả các môn học. Nắm rõ tiêu chí này, năm qua chị Lan sát sao với việc học của con để đảm bảo điểm số ở mỗi kỳ học.
Chị Lan và chồng làm công tác tư tưởng cho con từ nhỏ, nhiệm vụ duy nhất là ăn và học, kết thúc buổi học ở trường là đến trung tâm học thêm, hoàn thành lớp ở trung tâm lại về tự ôn luyện ở nhà tiếp. Chị cũng thừa nhận thời gian qua bắt con học quá nhiều, ít có thời gian nghỉ ngơi, giải trí.
“Bỏ công, bỏ của nhiều khi vợ chồng tôi cũng áp lực, nhìn con học nhiều cũng thấy thương nhưng vì tương lai của con, cả nhà lại động viên nhau mỗi người cố một chút, con cố học, bố mẹ cố kiếm tiền”, chị nói.
Từ khi biết thông tin Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển lớp 6 trường chuyên đến nay, trên tay chị lúc nào cũng cầm điện thoại để update các thông tin mới nhất. “Hồ sơ chuẩn bị gần như đã xong xuôi, giờ mà thay đổi thì công sức của chúng tôi coi như đổ sông đổ bể”, chị Lan chỉ còn cách chờ nhà trường lên tiếng.
Các năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thường là 200 học sinh, nhưng số lượng đủ điều kiện tham gia thi tuyển vẫn thường ở mức hơn 4.000 em. Đồng nghĩa một học sinh sẽ phải "chọi" với ít nhất 20 em khác để mong có suất vào trường này.
Nhờ kinh nghiệm từ con trai lớn, đến con thứ hai, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1973, Hà Đông, Hà Nội) đã chuẩn bị hồ sơ từ sớm, không ngại tìm thầy giỏi, học phí cao cho con học ôn. Anh cũng tự tin hồ sơ của con sẽ vượt qua vòng 1 sơ khảo vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Bắt đầu từ năm lớp 2, ngoài thời gian học chính khoá trên lớp, anh đầu tư cho con học thêm các môn học Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, mỗi môn 2 buổi học/tuần.
Anh thường xuyên cùng con luyện đề và theo dõi đề kiểm tra của các môn này nhiều năm nay. Anh đánh giá đề thi rất khó, nếu không có sự chuẩn bị ôn luyện từ sớm thì khó trúng tuyển.
"Mọi thứ đều chuẩn sẵn sàng nhưng khi có thông tin Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam gia đình tôi rất sốc và tiếc nuối. Tiếc vì số tiền đầu tư cho con học ôn trong những năm qua, phần khác cũng tiếc vì đây là trường có bề dày lịch sử, chất lượng đào tạo tốt, được kiểm chứng qua nhiều thế hệ học sinh", anh Hùng nói.
Về một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên hệ THCS trong trường chuyên như trước, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học mới 2024 - 2025, chú trọng nghiên cứu và tham mưu để thành phố đề xuất cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong tuyển sinh vào các trường chuyên đặc biệt đối với lớp 6.
Như vậy, hệ thống THCS trong trường chuyên có thực sự bị ‘xoá sổ’ hay không vẫn là câu trả lời bỏ ngỏ khiến nhiều phụ huynh quan tâm.
Hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (thường được nhắc đến với tên gọi "Ams2") được thành lập năm 2009 theo quyết định của UBND TP. Từ đó đến nay, việc tuyển sinh (xây dựng kế hoạch, sơ tuyển, tổ chức thi, ra đề, chấm thi….) vào lớp 6 trường Amsterdam đều do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì tổ chức.
Mỗi năm, kỳ thi lớp 6 trường Amsterdam tuyển khoảng 200 chỉ tiêu. Đây là kỳ thi có tiếng khó nhằn với yêu cầu cực khắt khe ngay từ vòng hồ sơ. Sau khi vượt qua vòng 1, thí sinh sẽ tiếp tục tham dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực (vòng 2) với đề ra ở mức độ vận dụng cao.