Chỉ 4 từ, anh quân y thành công cưới cô hàng xóm cách đây 69 năm: Vợ ốm chồng canh thâu đêm, 92 tuổi vẫn chỉ ăn cơm vợ nấu!
"Ngày cưới, ông mặc nguyên bộ đồ bộ đội. Bà diện bộ quần áo đẹp nhất rồi về nhà chồng. Đám cưới thời chiến đơn giản như thế nhưng ông bà cũng đã gắn bó được gần 70 năm", cô cháu gái kể.
Chồng: Lưu Văn Tư - 92 tuổi - từng là Quân Y.
Vợ: Nguyễn Thị Đúc - 93 tuổi - là nông dân.
Hiện tại hai ông bà đang sinh sống tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Chàng Quân Y thành công lấy cô hàng xóm sau 1 câu hỏi
Câu chuyện về tình yêu vĩnh cửu của đôi vợ chồng ông Tư và bà Đúc được cô cháu gái Kim Yến kể lại. Đến bây giờ, cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền chặt ấy vẫn khiến con cháu xuýt xoa.
Ông Tư và bà Đúc đến với nhau theo cách thức vô cùng đặc biệt. Ngày đó, nhà hai ông bà cách nhau một cái ao. Họ quen nhau từ khi còn nhỏ. Có lẽ phải lòng cô gái hàng xóm giản dị mộc mạc từ lâu mà có một ngày chàng thanh niên ấy đã mạnh dạn hỏi cưới cô gái đó bằng một câu nói ngắn gọn đầy bất ngờ: "Bà cưới tôi nhé?".
Sau này, nhiều lúc cô cháu gái tò mò hỏi nhận xét của bà về ông của những năm thanh niên đó và tại sao lại gật đầu sau câu hỏi cưới bất ngờ, bà cười hiền: "Ông đẹp trai, trắng trẻo, thanh niên giỏi lắm". Có lẽ sự giỏi giang, điển trai đó đã khiến cho bà chẳng thể nào từ chối được.
Kim Yến kể: "Hai ông bà kết hôn vào ngày 20/10/1953. 20/10 cũng là ngày sinh nhật bà. Thời điểm đấy, ông đã nhập ngũ được 2 năm và làm Quân Y. Ngày cưới, ông mặc nguyên bộ đồ bộ đội. Bà diện bộ quần áo đẹp nhất rồi về nhà chồng. Đám cưới thời chiến đơn giản như thế nhưng ông bà cũng đã gắn bó được gần 70 năm".
Sau khi về chung một nhà, ông Tư phải quay lại với công việc trong quân ngũ. Bà Đúc một mình ở lại quê hương sản xuất, làm nông nghiệp.
Phải đến 6 năm sau khi kết hôn, ông bà mới có con đầu lòng bởi vợ chồng họ gặp thì ít, xa cách lại nhiều. Bà sinh con, ông vẫn phải công tác ở xa, chẳng thể nào phụ vợ. Những đứa con lần lượt ra đời. Ông bà có với nhau 5 người con. Ông bận rộn nhiệm vụ, bà ở nhà vừa chăm con, vừa lo việc đồng áng rồi chạy chợ kiếm tiền.
"Ông làm ở Quảng Ninh, nhiều lần bà bắt xe đưa bác cả đến thăm ông. Sau này con cháu nghe chuyện toàn trêu: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua là có thật", Kim Yến kể.
Hòa bình lập lại, ông Tư trở về quê hương. Khi về quê, ông bắt đầu theo nghề mộc của địa phương cùng vợ nuôi con cái khôn lớn. Sau một thời gian tích cóp, ông mua tặng vợ mình một chiếc nhẫn vàng mà cho đến bây giờ bà vẫn còn gìn giữ.
"Bà giỏi lắm, một mình gồng gánh cả gia đình. Bà đảm đang, khéo léo, biết lo toan. Những năm xưa cũ đó, khi bà không đến thăm được thì ông lại đạp xe từ Quảng Ninh về quê thăm bà cùng các con. Chiếc xe đạp năm đó bây giờ ông vẫn sử dụng, bền bỉ qua nhiều năm", Yến chia sẻ thêm.
92 tuổi vẫn chỉ thích được ăn cơm vợ nấu
Gắn bó với nhau 69 năm hôn nhân, tình cảm của bà Đúc, ông Tư vẫn luôn mặn nồng. Cuộc hôn nhân trải qua nhiều thăng trầm và hàng loạt cung bậc cảm xúc lại càng sâu sắc hơn.
Bây giờ, hằng ngày ông bà vẫn dành thời gian nói chuyện cùng nhau. Mở tivi xem bóng chuyền, bóng đá hoặc xem phim. Bà bị ốm, ông thức đêm thức hôm chăm sóc.
Có lần bà Đúc bị ốm, 2 giờ sáng ông vẫn đến bên cạnh để hỏi: "Bà có ổn không?" khi thấy vợ mệt quá.
"Ông khó tính lắm nhưng luôn dịu dàng với bà trong mọi hoàn cảnh. Ông thích ăn đồ bà nấu. Đến bây giờ ông bà đã 92 tuổi rồi nhưng bà vẫn ngày ngày nấu cơm cho ông vì mấy chục năm ăn quen miệng cơm của vợ rồi, con cháu muốn nấu thay cả hai cụ đều buồn lòng.
Mỗi ngày ông bà sẽ cùng nhau làm vườn, trồng rau. Ông thấy bà làm thì lo vì làm quá sức sẽ ốm. Cũng may ở tuổi hơn 90, cả hai ông bà vẫn mạnh khỏe, đồng hành cùng nhau", Kim Yến chia sẻ.
Trong ký ức của Yến hay với cả bố mẹ cô, họ chưa bao giờ thấy ông bà cãi vã. Cuộc sống mấy chục năm bên nhau đương nhiên cũng có đôi lúc chẳng hài lòng nhưng ông Tư bà Đúc luôn biết nhường nhịn đối phương.
Kim Yến nói thêm: "Ông có to tiếng thì bà im lặng, bà cáu giận ông lại làm trò để vợ vui hơn. Trong mắt ông lúc nào bà cũng xinh đẹp nhất. Nhiều hôm ông mở cuốn album xem ảnh, mình hỏi ông: "Ông thấy bà đẹp không?" thì đáp án luôn là: "Bà mày đẹp nhất". Thật sự điều lãng mạn đó con cháu cũng phải học hỏi nhiều".
Cuộc sống viên mãn của hai ông bà.
Ở tuổi "xưa nay hiếm", hằng ngày ông bà lại cùng ăn sáng. Ông pha trà, bà nấu cháo hoặc nấu mỳ để ăn với nhau. Ăn uống xong xuôi ông bà lại bật đài, nghe thời sự. Sau đó hai ông bà lại loanh quanh làm việc nhà, khi thì trồng rau. Đó như một thú vui để họ rèn luyện sức khỏe, giúp tuổi già vui vẻ hơn.
5 người con của ông bà đều có gia đình riêng, cuộc sống hạnh phúc. Cuộc hôn nhân 69 năm của hai ông bà thật sự viên mãn và là tấm gương để con cháu noi theo.