Chen nhau lễ hội, du xuân, làm sao để tránh mắc COVID-19?
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp, khi tham gia lễ và du xuân hội người dân cần chủ động các biện pháp dự phòng cá nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận hơn 1.300 ca mắc COVID-19, giảm mạnh so với thời gian trước đó và không ghi nhận bệnh nhân tử vong. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cho rằng vẫn cần thận trong với dịch COVID-19 bởi số ca mắc và tử vong do virus SARS-CoV-2 trên thế giới vẫn rất cao.
Trong thông báo mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo khả năng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng "vẫn còn hạn chế". Thế giới đã ghi nhận hơn 170.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong 8 tuần qua.
WHO cảnh báo SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi
Cùng với đó, theo WHO việc giám sát và giải trình tự gene đã giảm đáng kể trên khắp thế giới, khiến việc theo dõi các biến thể đã biết và phát hiện những biến thể mới trở nên khó khăn hơn. Trước thực tế này, WHO đã quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu với đại dịch COVID-19 sau 3 năm ban hành vì cho rằng đại dịch này vẫn gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế.
Theo các số liệu thống kê, bước sang năm 2023, dịch COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại ở một số nước. Hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện liên tục của các biến thể phụ mới.
Đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 600 biến thể phụ của SARS-CoV-2 trong đó 5 biến thể phụ đang phải giám sát vì có khả năng biến đổi và trở thành áp đảo. Đáng chú ý, biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Các biến thể phụ này được cảnh báo ngày càng có khả năng né tránh được hệ miễn dịch.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, hiện tại vấn đề giám sát, xét nghiệm... không được hoàn hảo như trước và số liệu báo cáo hàng ngày chưa phản ánh đúng thực tế. Hiện nhiều người mắc COVID-19 nhưng không xét nghiệm và cũng có không ít người có sốt, ho... và xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế như trước đây.
"Tuy nhiên, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và không có tình trạng quá tải hệ thống y tế. Điều này là người dân đã có miễn dịch cộng đồng và miễn dịch do mắc COVID-19" - PGS Trần Đắc Phu nói.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân để phòng bệnh. Ảnh: H.Hưng
Dù vậy, với đặc tính biến đổi liên tục của virus SARS-CoV-2, trong khi miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, các chuyên gia khuyến cáo vẫn phải cảnh giác trước dịch bệnh này, nhất là trong thời điểm mùa đông - xuân có nhiều lễ hội tập trung đông người, cộng thêm thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.
Để phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo khi đi du xuân hoặc tham gia các lễ hội, người dân cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân. Cùng đó, các địa phương phải theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra
"Đầu năm, nhu cầu đi lại, du xuân cũng nhiều hơn, tại những nơi tổ chức lễ hội, khu vực công cộng là nơi tập trung đông người nên nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như COVID-19, cúm cũng cao hơn. Vì thế, người dân nên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sạch hoặc khử khuẩn tay... Chủ động tiêm đủ các liều vắc-xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh, người có bệnh nền" - PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo.