Chế độ ăn uống 'dưỡng sinh': Đủ ba bữa, mỗi bữa một chén cơm, một chén rau, nửa chén thịt cá
Dưỡng sinh không dừng lại việc tập luyện hay tập hít thở đúng mà còn đảm bảo dinh dưỡng đúng. Dưỡng sinh qua "lăng kính" của bác sĩ Đào Thị Yến Phi là cách chúng ta nuôi dưỡng sự sống khoa học, đảm bảo bốn nhóm hoạt động.
Ngày 28-10, bác sĩ Đào Thị Yến Phi - nguyên trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho biết khi nói về dưỡng sinh thì phần lớn mọi người đều nghĩ đến những môn tập thể dục, hít thở...
Thế nhưng dưỡng sinh cần phải hiểu đúng theo khoa học và tác động đến sức khỏe ra sao khi bản thân con người được cấu tạo bởi hàng tỉ tế bào, mỗi cơ quan thì có những tế bào khác nhau và đều bắt đầu từ tế bào phôi.
"Dưỡng" là nuôi nấng, nuôi dưỡng, chăm sóc; còn "sinh" là sự sống, sinh hiệu, sinh khí. Như vậy, dưỡng sinh là cách con người chúng ta nuôi dưỡng toàn bộ đơn vị sống (tế bào) của cơ thể.
Bên cạnh tập luyện, hít thở, nghỉ ngủ đúng; dưỡng sinh đúng còn đảm bảo về mặt dinh dưỡng - Ảnh: X.MAI
"Chúng ta cần tất cả tế bào phải sống và duy trì chúng trong ngưỡng hằng số sinh học tốt nhất, phù hợp với sinh lý con người.
Nhưng tế bào này không thể nuôi dưỡng qua duy nhất con đường ăn uống hoặc duy nhất việc hít thở, mà cần nhiều hoạt động khác nhau để nuôi dưỡng các tế bào cơ thể. Đây là sinh lý tự nhiên, chúng ta không đi lại ngược tự nhiên được", bác sĩ Yến Phi phân tích.
Những hoạt động giúp nuôi dưỡng tế bào mà bác sĩ Phi nhắc đến là dinh dưỡng đúng, thở đúng, ngủ nghỉ đúng và vận động đúng.
Về vận động, bác sĩ Yến Phi khuyến cáo cần tập thể dục nhẹ nhàng nhưng vẫn chú ý tăng sức cơ, hơi thở. Đối với dưỡng sinh trong ăn uống, phải đảm bảo khẩu phần ăn cân đối và phù hợp với nhu cầu từng cá nhân.
Theo đó, dễ nhớ nhất là mỗi ngày ăn ba bữa, mỗi bữa ăn một khẩu phần với tỉ lệ tương đối là: một chén cơm; nửa chén thịt, cá; một chén rau, trứng và một chén trái cây. Khi chọn thực phẩm thì chọn những loại càng gần với thiên nhiên và gần với ngày vừa thu hoạch thì càng tốt.
Khi chế biến thức ăn cần phải giữ được những chất dinh dưỡng có sẵn trong thực phẩm và không tạo ra độc chất mới sau quá trình chế biến, bằng cách nấu ở nhiệt độ phù hợp, không làm cháy thực phẩm...
Đồng thời không để xảy ra hiện tượng thôi nhiễm (dụng cụ nấu có tính trơ trong lúc đun nóng gặp những thức ăn có tính axit, kiềm thường tạo thành chất có hại sức khỏe).
"Đây là những yêu cầu nghe qua tương đối đơn giản mà thực hiện không dễ. Nhưng tất cả mọi điều chúng ta làm đều hướng đến mục tiêu duy nhất là giữ gìn cho từng tế bào một. Khi tế bào khỏe thì toàn cơ thể sẽ khỏe", bác sĩ Yến Phi chia sẻ.