Cháy rừng hoành hành ở California, cây lớn nhất thế giới được bọc trong lớp vải chống lửa

Quỳnh Chi ,
Chia sẻ

Phần gốc của cây lớn nhất thế giới đã được bọc trong một tấm vải chống lửa trong nỗ lực nhằm cứu cây này khỏi những đám cháy rừng đang hoành hành khắp bang California, Mỹ.

Cây General Sherman trong một công viên quốc gia ở Sierra Nevada được bao trong lớp bọc bằng vải nhôm có thể chịu được nhiệt độ cao trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong khu Rừng Khổng lồ thuộc Vườn quốc gia Sequoia, các cây cổ thụ Sequoia, Bảo tàng Rừng Khổng lồ và những công trình khác đã được bao bọc để bảo vệ khỏi các vụ cháy rừng dữ dội có khả năng xảy ra. Giới chức liên bang Mỹ cho biết, vật liệu này đã được sử dụng trong vài năm qua trên khắp miền Tây nước Mỹ để bảo vệ các công trình, cấu trúc khỏi các vụ cháy rừng.

 - Ảnh 1.

Khói bốc lên từ đám cháy Paradise ở Vườn quốc gia Sequoia. (Ảnh: AP)

Đại diện lực lượng cứu hỏa địa phương cho biết, ngọn lửa Colony Fire, một trong hai ngọn lửa đang bùng phát trong Vườn quốc gia Sequoia, dự kiến sẽ lan đến được Rừng Khổng lồ, khu rừng với 2.000 cây Sequoia cổ thụ, trong vòng vài ngày tới.

Cây General Sherman là cây cự sam lớn nhất thế giới tính theo thể tích với 52.508 feet khối. Cây cao 83 m và có chu vi gốc lên tới 31 m.

 - Ảnh 2.

Lối vào Công viên quốc gia Sequoia bị chặn lại do cháy rừng bùng phát tại đây. (Ảnh: AP)

Việc đốt cây theo quy định nhằm mục đích loại bỏ các loại cây bụi và thảm thực vật khác có thể gây cháy rừng đã được áp dụng trong 50 năm qua để giúp các cây Sequoia trong công viên tồn tại, giảm bớt tác động nếu ngọn lửa tiếp cận chúng.

Năm 2020, các trận cháy rừng đã khiến hàng nghìn cây Sequoia hàng nghìn năm tuổi trong khu vực bị thiệt hại.

 - Ảnh 3.

Ngọn lửa thiêu rụi sườn đồi trong Vườn quốc gia Sequoia. (Ảnh: AP)

Hạn hán lịch sử và những đợt nắng nóng liên quan đến biến đổi khí hậu đã khiến các đám cháy rừng khó kiểm soát hơn ở miền Tây nước Mỹ.

Những đám cháy rừng gần đây nhất trong mùa hè này đã thiêu rụi diện tích gần 3.550 dặm vuông (trên 8.670 km²) ở California và phá hủy hàng trăm ngôi nhà.

Chia sẻ