Cháy nhà mới ra... mặt hàng xóm: "Giấc mơ hồng" chung cư của vợ chồng tôi đã biến thành "mây đen xám xịt" như thế nào
Cứ nghĩ là mua chung cư thì sẽ được ở một nơi văn minh, lịch sự, an ninh. Ai ngờ cũng có ngày chính tôi phải ngửa mặt than trời vì đủ thứ khó chịu đến từ hàng xóm.
Từ "giấc mơ hồng" đến những "mảng màu xám xịt"...
Sau vài năm ở nhà đất, suy đi tính lại, vợ chồng tôi quyết định tậu một căn chung cư tầm trung, gần trung tâm thành phố. Vừa để tiện đi làm, con cái cũng có chỗ vui chơi, cả gia đình được trải nghiệm không gian sống tiện ích, văn minh hơn.
Tìm tới tìm lui, cuối cùng vợ chồng tôi cũng chốt được một căn 2 phòng ngủ, cửa hướng Đông Nam, rất hợp tuổi ông xã. Khu tôi ở, phần lớn chủ căn hộ là những gia đình trẻ như gia đình chúng tôi, đây cũng là điều khiến tôi khá hào hứng khi chuyển tới. Còn gì tuyệt hơn những người hàng xóm đồng trang lứa, dễ thông cảm và gần gũi nhau hơn phải không nào?
Ấy thế nhưng chẳng biết từ bao giờ, giữa cuộc sống luôn vội vã nơi đô thị này, nhiều người quên luôn cái gọi là "tình làng nghĩa xóm". Việc 2 ông ở cạnh nhà nhau mà chẳng biết tên nhau, đi lướt qua nhau không một ánh nhìn, dường như từ lâu đã là chuyện bình thường.
Tôi thì khác. "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" - câu nói ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ khi còn nhỏ, tới giờ vẫn vậy. Với tôi, hàng xóm thế nào ảnh hưởng 50% tới quyết định mua nhà. Thật đấy, sống mà không có hàng xóm thì chán.
Chỉ cần nghĩ về việc mỗi sáng sớm khi vừa mở cửa, chờ đón tôi là những lời chào thân thiện từ hàng xóm nhà đối diện hoặc chung vách. Đến chiều về lại là những lời hỏi thăm nhau, từ những người vốn chẳng có quan hệ máu mủ. Rồi mỗi dịp nghỉ lễ, có người về quê, có người ở lại nhưng trước đó luôn có một buổi liên hoan vui vẻ giữa các thành viên khu nhà chung cư. Ai ốm đau, ai có việc cần nhờ, chẳng ngại ngần mà chìa tay ra giúp đỡ.
Sau khi đến ở được một thời gian, gia đình tôi cũng gọi là "làm quen" được với một vài hàng xóm trong khu chung cư... Thế nhưng, những "mảng màu xám xịt" đã nhanh chóng bủa vây, phũ phàng phá tan "giấc mơ hồng" về những người hàng xóm tốt bụng mà tôi vẫn nghĩ về ngày "chân ướt chân ráo" tới đây...
Người vô hình
- "Cháu chào bác ạ, em chào anh chị ạ".
- "Ừ".
Câu trả lời vỏn vẹn chỉ có thế khi chúng tôi - những người hàng xóm sát vách vừa gặp nhau ở thang máy, cái chính là chẳng ai có vài giây để ngẩng mặt lên xem ai là người vừa cất tiếng chào mình.
Một vài lần thì nghĩ là họ bận, nhưng lần thứ 2, thứ 3 thì chắc là họ... chẳng coi mình ra gì rồi. Ai cũng bận dán mắt vào cái điện thoại. Thậm chí đến cái tên còn chẳng biết người ở kế bên mình là ai. Đã nhiều lần tôi chủ động mở lời, nhưng xem ra tôi như kẻ vô duyên, lắm lời mà chẳng ai cần tiếp chuyện. Thậm chí họ còn liếc xéo tôi với ánh mắt... đề phòng. Ủa hàng xóm?
Đi làm về, các căn hộ quanh tôi đóng cửa im lìm, chẳng một ai ló mặt ra chào nhau hay giao lưu hỏi han nhau dăm câu ba điều như tôi vẫn nghĩ. Thất vọng tập 1!
Sống được 3 tháng, vợ chồng tôi cứ lầm lũi đi về rồi chơi với con, tuyệt nhiên chẳng có lấy 1 người hàng xóm nào sang chơi dù chúng tôi luôn mở sẵn cửa và tươi cười tiếp đón. Tôi để ý ở đây, cũng chẳng có ai sang nhà ai chơi.
Họ lặng lẽ đi, lặng lẽ về, không giao tiếp với ai, cùng lắm thỉnh thoảng gật đầu xã giao như một con rô-bốt.
Rốt cuộc, là họ kỳ cục hay tôi thân thiện quá đà?
"Nhà tao, tao muốn làm gì thì làm"
Ngày mua lại căn hộ này, tôi có sai lầm là không động chạm gì đến trần nhà, một phần trần nhà không cao nên tôi không nghĩ đến việc lắp thêm các tấm thạch cao. Vậy là những khi hàng xóm ở tầng trên chạy nhảy mạnh, hay kê đồ mạnh, tôi đều nghe thấy và cảm thấy đau đầu.
Ban đầu là tiếng uỳnh uỵch như đổ bàn, đổ ghế lúc 12h đêm. Nghĩ sự cố nên chẹp miệng cố ngủ để cho qua. Nhưng đêm nào cũng như đêm nào, cứ tầm giờ ấy là lại rầm rầm, uỳnh uỵch không thể nào chịu nổi, tôi phải lên nhắc nhở.
Vừa mới gõ cửa định phản ánh mà thấy họ dữ dằn, cả hai xăm trổ đầy người, chưa gì đã trừng mắt nhìn tôi như muốn "ăn tươi nuốt sống", sợ động phải Chí Phèo nên tôi đành nín nhịn đi xuống. Thời gian sau mới biết, đó là căn nhà được chủ cho thuê lại, đôi vợ chồng là dân "xã hội", chuyên "hoạt động về đêm", bạn cờ, bạn nhậu rồi cả... bạn khiêu vũ nữa. Trách nào...!
Những ngày này, khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, 2 đứa nhà tôi phải nghỉ học, tôi cũng phải xin nghỉ làm ở nhà trông con. Những bức xúc trên càng thêm mệt mỏi.
Trẻ con vô tư chạy nhảy đã đành, nhưng không hiểu vì lý do gì, hay do quá buồn chán vì phải ở nhà trông con, mà nhiều người lớn ở chung cư cũng "vô tư" bật nhạc hát karaoke suốt đêm ngày mà chẳng hề quan tâm đến hàng xóm xung quanh.
Có những đêm 1h sáng vẫn nghe tiếng karaoke chát chúa vang lên, giọng ca ngân lên sai nhịp cứ lặp đi lặp lại: "Một chiều rừng gió lộng/Một chiều rừng kể chuyện bên đồi thông/Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín/Tâm hồn đang trắng trong/Như chim non khi ăn còn chưa no....".
Thứ âm thanh cứ ù ù, oang oang kéo dài, sai nhịp ngân lên, ngân xuống khiến tai tôi nhiều khi chẳng còn nghe thấy gì, đầu đau như búa bổ, mất ngủ và sức khỏe giảm sút. Thú thật, lúc đó tôi chỉ muốn bán quách chung cư đi, quay trở về tổ chim câu cũ.
Vừa xong, trên diễn đàn cư dân chung cư tôi cũng mới xảy ra tranh cãi gay gắt vì có một gia đình 22h00 giờ đêm vẫn mở karaoke hát, dù ban quản lý tòa nhà đã lên nhắc nhở. Khốn nỗi, xung quanh nhà này toàn gia đình con nhỏ mới sinh, nhạc xập xình khiến trẻ khóc. Vậy mà gia đình này không quan tâm, vẫn thường xuyên mời bạn bè đến ăn uống, liên hoan, hát hò.
Chưa kể, có đôi vợ chồng hay cãi nhau to tiếng giữa khuya khiến cả dãy chung cư phải giật mình bởi tiếng khóc thét của chị vợ, tiếng chửi bới tục tĩu của anh chồng, thậm chí, những người hàng xóm này còn không thèm đóng cửa vì lý do "để cho thoáng" và "nhà tao, tao muốn làm gì thì làm".
Có lẽ nhiều người vẫn giữ tư tưởng nếu mua nhà chung cư thì đó là sở hữu cá nhân, muốn làm gì trong nhà thì làm. Thế nhưng, họ quên rằng ngoài căn hộ của mình ra, chung cư là môi trường tập thể với nhiều căn hộ khác, ngăn cách nhau chỉ bởi một bức vách.
Bị cả "làng" chửi xơi xơi vì... đòi trật tự
Vẫn là khó chịu về chuyện tiếng ồn, có lẽ vì quá bức xúc nên chủ nhân của căn 8xx đã đăng lên group chung cư yêu cầu trẻ em nên giữ trật tự và mong muốn cha mẹ nên bảo ban con mình, để người đi làm về mệt mỏi có không gian nghỉ ngơi.
Bởi theo chủ nhân căn hộ này, mỗi lần đi làm về (khoảng 5h30 chiều) hoặc giữa trưa cuối tuần, khi chị rất mệt mỏi nằm vật ra nghỉ thì cũng là lúc cả đoàn quân xe lắc, với hơn chục đứa trẻ chạy rầm rầm ở hành lang, hò hét. Tiếng xe lắc lao phình phịch vào tường, cửa cộng với tiếng trẻ con nô đùa khiến chị như gặp... ác mộng.
Nhắc nhở một vài lần nhưng rồi ngày nào tình trạng ấy cũng diễn ra như thế, nhắc nhở không hiệu quả nên chị đăng lên diễn đàn. Ấy thế mà chưa kịp nhận được chia sẻ gì, chị này đã nhanh chóng nhận được cả rổ gạch đá vì bị chê... không có văn hóa yêu trẻ thơ.
"Bạn cứ thử có con đi rồi bạn sẽ thấy, bây giờ chưa nói được gì đâu nên đừng ích kỷ như thế/ trẻ con chơi, vận động được còn hơn là ở trong nhà dính mắt vào ipad, tivi..."; Nào là chưa nuôi con nên đâm ra... ích kỉ; Nào là vô sinh hay "tịt" mà lại có suy nghĩ độc ác như thế... Thậm chí, có người còn comment mong chị không thể có con được vì thói ích kỉ, không yêu trẻ của chị!?
Đọc những dòng gạch đá của chính hàng xóm, không chỉ chủ nhân bài đăng mà ngay cả bản thân tôi cũng phải... choáng! Tôi không thể nghĩ người ta có thể xỉ vả người khác bằng lời lẽ độc địa như vậy chỉ vì ý kiến góp ý việc trẻ con hàng xóm nô nghịch thái quá như thế. Tôi quyết định vào comment bênh vực chị.
Ấy thế mà, từ khi trót có ý kiến đồng tình, tôi lập tức nhìn thấy những cái trừng mắt "đầy âu yếm" của hàng xóm, những cái nguýt dài như thể tôi mới là người làm sai, rằng "tôi đã làm tổn thương chính những đứa con của họ"?!
Cháy nhà mới ra... mặt hàng xóm!
Vì quá bí bách và ồn ào, tôi quyết định xuống sân đi bộ cho thoáng, ấy vậy mà muôn sự nhiêu khê vẫn cứ bám lấy tôi...
Đang đi thì bỗng nhiên thấy một bác hàng xóm cách nhà tôi vài căn, vẫy lại, "hỏi thăm" nhiệt tình. Hết hỏi công việc, bác lại quay sang hỏi gia đình, thái độ thì cực kì niềm nở.
Đáp lại, tôi "được lời như cởi tấm lòng", chia sẻ thoải mái đồng thời không quên mời bác ghé nhà chơi.
Quả nhiên, sau hôm đó, vô số tin đồn không đúng về tôi lan truyền khắp khu nhà chung cư với đủ phiên bản thêu dệt.
- "Thế á, thế mà tưởng thế nào?"
- "Ừ, nhìn đàng hoàng thế, vậy mà đi làm lẽ cho người ta, nghĩ cũng chẳng sướng đâu, tham của thì cho chết"...
Tiếng thì thầm to nhỏ, ánh mắt dò xét cứ thỉnh thoảng liếc trộm làm tôi thấy nhột nhột khi đứng chung thang máy. Chẳng biết người ta có nói gì về mình không mà tự dưng đi hỏi thì vô duyên, nhưng bị xì xào gần tai thế này thì khó chịu lắm!
Chẳng cần tôi phải đợi lâu, vừa bước chân về nhà, chồng tôi hằm hằm mặt, gọi tôi ra hỏi:
- "Em có nói chuyện gì với ai không?".
Tôi ớ người đăm chiêu một lúc, thì ra là câu chuyện với bà hàng xóm cách nhà tôi vài căn. Chẳng hiểu thêu dệt thế nào, thấy chồng tôi làm xây dựng, lại hơn tôi 13 tuổi nên bà ta đi kể khắp chốn là tôi vì tham tiền mà cam tâm làm... vợ lẽ của chồng. Câu chuyện sai sự thật này có lẽ cứ bị đồn thổi nếu như không phải do chồng tôi đích thân nghe được từ mấy ông bạn trong đội bóng.
Quả thật bức xúc cùng cực khi mà "chuyện nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường". Định bụng gõ cửa nói cho bà hàng xóm bỏ ngay cái tính "buôn dưa" sai sự thật, nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi lại chậc miệng bỏ qua.
Thôi thì, lần sau xin vái!
Cứ tưởng sống hiền lành, ít động chạm tới ai cho yên ổn, nào đâu có được yên. Cứ tí chốc lại có cái họa "từ trên trời rơi xuống" khiến bản thân tôi xém "chết hụt" mấy lần.
Chẳng là chung cư tôi được trang bị lò đốt vàng mã riêng cho cư dân, vậy mà hầu như lại ít được sử dụng, họ cứ mạnh ai người nấy đốt, bạ đâu đốt nấy. Từ ban công căn hộ cho đến hành lang chung.
Chưa tính việc khói gây ô nhiễm, có lần còn khiến hệ thống báo cháy kích hoạt, báo hại cư dân chạy tán loạn. Có lần bố nó đi vắng, tôi ôm cu con chạy từ tầng 12 xuống tầng 1 chỉ muốn tắc thở, vừa chạy vừa khấn Phật cho mẹ con an toàn.
Cá biệt, có người đốt ngay ban công, thả luôn tàn tro "để gió cuốn đi". Cuốn đi đâu thì chưa thấy, chỉ thấy nó đáp sang hẳn ban công nhà bên cạnh.
Dù đã mấy lần báo cháy để cả cư dân chạy hụt hơi, chí mạng, ấy vậy mà bác hàng xóm cùng tầng nhà tôi vẫn "điếc không sợ súng", không ngại hóa vàng mã ngay trong nhà, ở ban công và cả trong cầu thang bộ của chung cư, dù dưới sân người ta đã xây sẵn một cái lò. Tôi nhắc nhở thì các bác cười xòa, bảo lát bác hót tàn tro đi, yên tâm không bay lung tung đâu.
Hay việc trẻ em ở ban công trên cao vứt đồ xuống dưới cũng không hiếm. Bản thân tôi cũng chính là người trải nghiệm khi một ngày đẹp trời đang đi bộ dưới sân, thì nguyên bịch đồ chơi trẻ con "đáp" thẳng lên đầu.
Sau một hồi choáng váng tưởng chết, tôi ngó lên thì cậu bé trên tầng 3 đang cười ra vẻ thích thú lắm. Đáng nói hơn là sự xuất hiện của bà mẹ, thấy mặt tôi là bà vội kéo con mình vào trong, mặc kệ tôi đứng đó ngước mắt lên mong mỏi lắm một lời xin lỗi...
Ai cũng cần có hàng xóm
Dù điều kiện sống có hiện đại, tiện ích đến đâu thì căn hộ chung cư sẽ không thể là "tổ ấm mơ ước" đúng nghĩa nếu thiếu đi giá trị cộng đồng. Không chỉ về mặt vật chất, giúp đỡ đơn thuần mà còn là giá trị tinh thần khi khiến cho môi trường sống căn hộ chung cư trở nên ấm áp, thoải mái hơn là bốn bức tường lạnh lẽo.
Hay đặt trường hợp là bạn, sẽ như thế nào khi bạn đang gặp khó khăn cần giúp đỡ như đau ốm, bệnh tật hoặc đơn giản là cần người phụ giúp di chuyển vật nặng. Nhưng điều bạn nhận được chỉ là những cánh cửa luôn đóng kín hoặc những cái lắc đầu, phủi tay của những người hàng xóm?
Sống trong môi trường căn hộ chung cư, lẽ ra cái "tình làng, nghĩa xóm" cần phải được thắt chặt hơn nữa khi đó là một môi trường mà chúng ta có thể chạm mặt nhau ở khắp mọi nơi, khi vừa ra cửa, trong thang máy hay dưới hầm đỗ xe, gặp đâu cũng có thể chào nhau đầy niềm nở.
Dù mỗi người một tính cách, một quan điểm sống riêng, nhưng những cái gì chung, gây ảnh hưởng đến người khác thì chúng ta nên có ý thức, có văn hóa. Có như vậy căn hộ chung cư mới sở hữu được giá trị đích thực của nó, và hàng xóm mới là nơi để chúng ta tự hào "tắt lửa, tối đèn, có nhau"!