“Chặt chém” vẫn xuất hiện ở nhiều điểm du lịch

Theo Tuổi Trẻ,
Chia sẻ

Tăng giá phòng lên từ 2-5 lần, ít thì cũng tăng 30%, giữ xe máy đến 50.000 đồng/chiếc, ôtô 100.000 đồng/chiếc. Đó là ghi nhận của phóng viên tại các điểm du lịch Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Huế... những ngày lễ.

“Chặt chém” vẫn xuất hiện ở nhiều điểm du lịch 1
Bãi Sau Vũng Tàu tràn ngập khách du lịch ngày 2-5  

Tại Quảng Bình, trong các ngày 29, 30-4 và 1-5, nhiều đoàn khách phải chạy đôn chạy đáo nhưng vẫn không tìm ra được nơi nghỉ qua đêm ở TP Đồng Hới.

1,5-2 triệu đồng/phòng khách sạn 1-2 sao

Quảng Bình với hệ thống hang động Phong Nha, biển Nhật Lệ và bây giờ có thêm khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Vì vậy, giá phòng tại một số khách sạn 1-2 sao và nhà nghỉ đã được đẩy lên tới mức “kỷ lục”: 1,5-2 triệu đồng/phòng/đêm, chưa từng xảy ra từ trước tới nay ở Đồng Hới. Ngày thường giá của các khách sạn và nhà nghỉ này chỉ khoảng 300.000-600.000 đồng/ngày đêm. Các khách sạn còn lại đều tăng giá 20-30% so với ngày thường.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình, cho biết cách đây một tháng tỉnh đã yêu cầu các nhà nghỉ, khách sạn niêm yết giá thuê phòng, nhưng do dịp lễ hết phòng nên nhiều khách đã chấp nhận thuê với giá cao là khó tránh khỏi. Sở có nhận thông tin khách thuê phòng giá cao ở một vài nhà nghỉ của tư nhân, nhưng do họ chỉ thỏa thuận miệng với nhau rồi sau đó khách rời đi nên cũng khó xử lý. Còn đa số khách sạn, nhà nghỉ đều tăng giá ở mức 20-30%. Ông Kỳ nói tình trạng này xảy ra là do hiện nay chỗ nghỉ trên địa bàn TP Đồng Hới thiếu trầm trọng, lượng du khách đổ về lại quá đông so với mọi năm, dẫn đến cung không đủ cầu.

Bệnh nhân bị tai nạn, cấp cứu gấp đôi bình thường

Trong những ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày khoa khám bệnh Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận 150 bệnh nhân vào viện, gấp đôi so với bình thường, một nửa trong số này là bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Đặc biệt trong ngày 30-4 có 140 bệnh nhân vào khoa khám bệnh nhưng có đến 84 người là do tai nạn giao thông, trong đó có 23 bệnh nhân nặng phải chuyển mổ cấp cứu.

LAN ANH

Ngoài giá phòng nghỉ tăng, trên địa bàn Quảng Bình cũng xảy ra tình trạng tính giá cao đối với mặt hàng ăn uống, đặc biệt là ở các nhà hàng ven biển. Ông Nguyễn Xuân Đạt - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình - cho biết đã kiểm tra 279 lượt ở các nhà hàng, phát hiện 65 trường hợp không niêm yết giá hoặc niêm yết không đầy đủ quy định; đã xử phạt một số cơ sở hơn 10 triệu đồng.

Trong khi đó, tại Huế ngày 2-5, Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế cho biết có hơn 20.000 khách lưu trú, được xem là ngày có đông khách nhất, hầu hết khách sạn đều kín chỗ. Giá cả hầu như đều tăng, nhất là các khách sạn nhỏ. Chiều 2-5, khi phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ đặt phòng, nhân viên lễ tân khách sạn Heritage (đường Lý Thường Kiệt) cho biết vẫn còn phòng, nhưng với giá 800.000 và 1 triệu đồng/phòng đôi (ngày thường chỉ 500.000-600.000 đồng/phòng). “Ngày lễ mà!” - nhân viên này nói. Khách sạn Stay (đường Nguyễn Công Trứ) cho biết giá 600.000 đồng/phòng đôi nhưng đã hết phòng. Theo nhân viên đặt phòng, ngày thường phòng ở đây chỉ khoảng 400.000 đồng/ngày đêm, song do dịp lễ nên tăng lên 600.000 đồng.

Đại diện Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên - Huế thừa nhận hầu hết trong số 26 khách sạn từ 3-5 sao ở Huế đều tăng giá 20-30% so với ngày thường. Tuy nhiên, tất cả khách sạn đều niêm yết giá và nói rõ với khách khi giao dịch đặt phòng.

Theo một vị quản lý Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, giá phòng khách sạn ở Huế có tăng trong dịp lễ nhưng vẫn thấp so với nhiều thành phố du lịch khác. Vị này cho biết thêm việc tăng giá phòng 20-25% vào các dịp lễ tết được UBND tỉnh cho phép nhưng không công bố công khai, các đơn vị phải niêm yết rõ ràng và phải thông qua quản lý thuế.

Gửi xe máy 50.000 đồng

Dịp nghỉ lễ năm nay lượng khách đổ về các khu du lịch Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) không quá đông đúc như mọi năm. Tình trạng “chặt chém” du khách cũng không diễn ra quá nhức nhối, các loại hình dịch vụ không còn hét giá trên trời. Thế nhưng nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng vẫn dùng đủ chiêu thức để nâng giá.

Theo ghi nhận tại các “cung đường vàng” dọc bờ biển Bãi Cháy vẫn nâng giá phòng lên khoảng 20-30%, có nơi còn hét giá gấp 2-3 lần so với ngày thường. Giá một phòng nghỉ hai giường đơn của một khách sạn 2 sao tại đây được nâng lên mức 1,2-1,5 triệu đồng/đêm. Các khách sạn gần nơi diễn ra lễ hội như đường Hạ Long, phố Hậu Cần, khu Vườn Đào, khu bến phà cũ... giá phòng nghỉ thấp nhất cũng khoảng 800.000-1 triệu đồng/đêm. Tại một số khách sạn lớn, phòng VIP với giá từ 2,5 triệu đồng trở lên (tăng gấp hai lần so với ngày thường). Tại các nhà nghỉ, khách sạn nhỏ trong khu vực thành phố đều nâng giá lên khoảng 30%, phòng đơn có giá 500.000 đồng/đêm, phòng đôi khoảng 800.000 đồng/đêm.

Bức xúc nhất đối với nhiều du khách đến dự lễ hội carnaval Hạ Long là bị chủ các bãi giữ xe “chém đẹp” với mức giá trên trời. Trước khi lễ hội diễn ra, dọc bờ biển Bãi Cháy mọc lên hàng trăm điểm trông giữ xe. Nhiều du khách vào gửi xe xong ra nhận vé thì hốt hoảng khi bị “chém” tới 50.000 đồng/xe máy và 100.000 đồng/ôtô. Thậm chí các mặt hàng như trà đá cũng được nâng giá lên 5.000 đồng/ly, bánh mì xúc xích bán dọc đường với giá 30.000 đồng/cái.

“Tôi không tưởng tượng được là mặt hàng nào họ cũng “chặt chém”. Gửi xe máy, ôtô mà các chủ bãi xe nâng giá lên gấp 10 lần. Nếu không vì đưa trẻ con đi chơi dịp nghỉ lễ thì tôi sẽ quay về chứ không chấp nhận được kiểu làm ăn chụp giật như vậy” - một du khách phàn nàn sau khi gửi xe vào tham dự lễ hội carnaval Hạ Long 2014.

“Chặt chém” dần biến mất khỏi Vũng Tàu

Qua ba ngày lễ, ngành chức năng và chính quyền địa phương tại Vũng Tàu chưa nhận được phản ảnh của du khách về tình trạng bị “chặt chém”, lấy giá cao, cân sai ký...

Chiều 2-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo hai phường vốn xảy ra tệ “chặt chém” nhiều trước đây là P.Thắng Tam và P.2 đều khẳng định qua ba ngày lễ đến nay, địa phương chưa nhận được thông tin du khách bị lấy giá cao, cân đong gian lận. Bà Trương Thị Hường, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cũng khẳng định điều này với Tuổi Trẻ vào chiều cùng ngày.

Ông Trần Bá Việt, phó chủ tịch UBND P.Thắng Tam, cho biết trước đây trên địa bàn phường có vài quán bị thành phố đưa vào danh sách “đen” và công khai tên, địa chỉ quán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Việt cho hay phương pháp này đã có tác dụng khi du khách đến Vũng Tàu đã nhớ và “né” những địa chỉ “đen”.

Cũng theo ông Việt, một quán “đen” trên đường Võ Thị Sáu sau một thời gian hoạt động đã đóng cửa vì không có khách. Một quán khác trên đường Hoàng Hoa Thám dù đã đổi tên, đổi mặt hàng kinh doanh, thậm chí đổi chủ nhưng cũng ế ẩm, buôn bán èo uột. Còn ông Trương Thanh Phong, phó chủ tịch UBND P.2, cho hay có một số chủ quán trước đây từng lấy giá cao của du khách cũng đã nhận thức được sai lầm nên không còn buôn bán, làm ăn theo kiểu chụp giật.

Ngoài việc đưa vào danh sách “đen”, biện pháp chống “chặt chém” được UBND TP Vũng Tàu và các phường triển khai là tăng cường kiểm tra, nhắc nhở trước những dịp lễ đông du khách. Theo nhận xét của những người có trách nhiệm, việc nêu tên quán “chặt chém” trên các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng rất lớn, còn hơn cả hình thức phạt.

Chia sẻ