Chấp nhận "sống chung với Covid-19", vì sao Anh và Singapore có 2 kết quả khác nhau?
Hơn một năm sau đại dịch, các quốc gia giàu có trên thế giới bắt đầu chấp nhận rằng Covid-19 sẽ không biến mất.
Nhưng trong khi nhất trí về "việc sống chung với lũ", các quốc gia này có những cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.
Covid-19 sẽ trở thành cúm hoặc thủy đậu?
Singapore, một quốc đảo có dân số 5,69 triệu người và Vương quốc Anh, nơi sinh sống của khoảng 66 triệu người, đã có những trải nghiệm và kết quả rất khác nhau.
Trong khi Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có số ca tử vong liên quan đến Covid-19 cao nhất trên thế giới - gần 129.000 người kể từ khi đại dịch bắt đầu - chỉ có 36 người chết vì Covid-19 ở Singapore. Cứ 100.000 dân ở Anh thì đã có 192,64 trường hợp tử vong do Covid-19 ở Anh. Con số này giảm xuống 0,63 ở Singapore, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Chính phủ Anh đã bị chỉ trích vì chậm triển khai các biện pháp kiểm soát đại dịch, chẳng hạn như quy định về đeo khẩu trang và phong tỏa, khi virus bắt đầu lây lan vào mùa xuân năm 2020.
Ngược lại, Singapore đã nhanh chóng đóng cửa biên giới của mình, thực hiện một chương trình xét nghiệm và truy vết toàn diện, đồng thời sớm áp đặt các yêu cầu kiểm dịch.
Giờ đây, hai quốc gia đang vạch ra những con đường khác nhau để thoát khỏi đại dịch.
Vào tháng 6, các nhà lập pháp Singapore đã tiết lộ lộ trình của đất nước hướng tới tình trạng "bình thường mới" trong một bức thư đăng trên Straits Times, vạch rõ một sự khác biệt triệt để với mô hình "không lây nhiễm" trước đây của Singapore.
Cái gọi là phương pháp tiếp cận "zero-Covid" đã được một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương áp dụng.
Nhưng lá thư tiết lộ rằng các nhà chức trách Singapore đang tìm cách thay đổi cách giải quyết, chuyển từ việc giám sát các ca bệnh hàng ngày sang tập trung vào kết quả y tế như "bao nhiêu người bị ốm nặng, bao nhiêu người trong phòng chăm sóc đặc biệt, bao nhiêu người cần được đặt nội khí quản".
Cuối cùng, họ hy vọng, Covid-19 sẽ được điều trị như một căn bệnh ít nghiêm trọng hơn, như cúm hoặc thủy đậu.
Nhiều tuần sau, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra một lưu ý tương tự, dự đoán rằng Covid-19 sẽ "trở thành một loại virus mà chúng ta học cách sống chung như chúng ta đã từng làm với bệnh cúm." Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ hầu hết tất cả các hạn chế, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang và các quy tắc giãn cách xã hội tại Anh vào ngày 19/7.
Singapore mở cửa từ từ, Anh hướng đến một "vụ nổ lớn"
Tuy nhiên, vào thứ Sáu, gần 52.000 trường hợp mắc mới và 49 trường hợp tử vong, đã được ghi nhận tại Anh.
Việc Anh mở cửa trở lại là biện pháp chống đại dịch mới nhất nhằm chia rẽ dư luận trong nước. Trong khi nhiều người trong Đảng Bảo thủ cầm quyền của Johnson ủng hộ cách tiếp cận của ông, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng rằng sức khỏe của hàng triệu người đang bị đe dọa, vì khả năng miễn dịch bầy đàn chưa đạt được và khoảng 17 triệu người - một số được xếp vào nhóm cực kỳ dễ bị tổn thương bởi Covid-19 - vẫn chưa được tiêm chủng.
Singapore hiện đang ghi nhận trung bình 26 ca Covid-19 mới mỗi ngày; vẫn chưa có ngày chính thức nào được ấn định cho việc mở cửa trở lại.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói với Bloomberg vào ngày 9 tháng 7 rằng lộ trình của Singapore đã khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận "vụ nổ lớn" (big bang) của Vương quốc Anh. Ông giải thích rằng điều quan trọng là đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao và "duy trì cả các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu số ca mắc".
Khoảng 40% dân số Singapore đã được tiêm liều vaccine thứ hai và chính phủ cho biết quốc gia này đang tiến tới tiêm chủng cho 3/4 dân số vào ngày 9/8.
Ong nói với Bloomberg rằng "cán cân sẽ thay đổi", nhưng các biện pháp giảm thiểu và ngăn chặn sẽ không bị từ bỏ. Thay vào đó, ông nói, việc mở cửa trở lại của Singapore sẽ diễn ra từ từ, "từng gói một và mỗi bước, hãy đảm bảo rằng chúng tôi giữ an toàn cho người dân."
Trở lại Anh, nhiều người đang theo dõi canh bạc mở lại của Boris Johnson với sự báo động.
Hơn 100 bác sĩ và nhà khoa học vào tuần trước đã cảnh báo, chiến lược này sẽ tạo ra "mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của các biến thể kháng vaccine", gây nguy hiểm cho Vương quốc Anh và toàn thế giới. Họ viết: "Chúng tôi tin rằng chính phủ đang bắt tay vào một thí nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức, và chúng tôi kêu gọi họ tạm dừng kế hoạch từ bỏ các biện pháp giảm nhẹ vào ngày 19/7.
Johnson cũng kêu gọi mọi người có trách nhiệm cá nhân và khuyến cáo họ nên đeo khăn che mặt ở những nơi đông người, bất chấp quyết định dỡ bỏ quy định hạn chế của ông.
"Rất dễ đổ lỗi sang cá nhân" nếu số người chết tăng lên, Tiến sĩ Oliver Watson, Đại học Hoàng gia London
Vaccine và xét nghiệm vẫn là chìa khóa
Trái ngược với Vương quốc Anh, lộ trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 của Singapore ít vấp phải sự phản đối của công chúng, một phần nhờ vào mức độ tin tưởng cao vào chính phủ, được cho là đã giúp ngăn chặn virus trong 18 tháng qua.
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, quốc đảo này có những lợi thế mà nhiều quốc gia lớn hơn không có: dân số nhỏ, quen với việc xây dựng quy tắc kỷ luật từ trên xuống. Ngoài ra, kinh nghiệm về đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 đã mang lại cho Singapore kinh nghiệm trong việc tạo ra các cơ sở cách ly, xây dựng các phòng thí nghiệm và một lực lượng lao động cho dịch bệnh virus tiếp theo.
Một phần lớn thành công của Singapore trong việc ngăn chặn Covid-19 nằm ở hệ thống truy vết rộng rãi và tích cực của nước này, công nghệ không dây Bluetooth, ứng dụng Trace Together theo dõi các cuộc tiếp xúc gần giữa mọi người được áp dụng. Các ứng dụng này còn là điều kiện bắt buộc nếu bạn đến một số điểm công cộng.
Mức độ bao phủ vaccine cao là trọng tâm trong kế hoạch mở cửa trở lại của chính phủ. Tuy nhiên, các nhà lập pháp không chắc liệu nước này có đạt được mức bao phủ 90 hoặc 95% cần thiết cho khả năng miễn dịch bầy đàn hay không, Bộ trưởng Y tế Ong nói với Bloomberg. "Chúng tôi có thể đạt được 80%, nếu chúng tôi may mắn," ông nói.
Các nhà chức trách của Singapore đang làm việc trên cơ sở rằng Covid-19 vẫn sẽ tồn tại, nhưng với tỷ lệ rất thấp.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù có nhiều nhu cầu cân bằng giữa các biện pháp y tế công cộng và nền kinh tế, nhưng cả hai không loại trừ lẫn nhau.
"Có vẻ như việc mở cửa đất nước ngay lập tức về mặt kinh tế là một điều tốt, nhưng nếu kết quả cuối cùng là một làn sóng lây nhiễm khác, thì có thể sẽ rất tồi tệ về mặt kinh tế", David Matchar, Giáo sư tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore, nói với CNN.
Ông Matchar cho biết Singapore đang cố gắng dỡ bỏ các hạn chế một cách từ từ và đều đặn để ngăn các bệnh viện trở nên quá tải và ngăn chặn những cú sốc kinh tế do việc đóng cửa quyết liệt.
Watson của Đại học Hoàng gia London cho biết: "Có vẻ là điều đáng tiếc" khi Vương quốc Anh không thể chờ đợi lâu hơn một chút như Singapore.