Chánh Tín: "Đam mê điện ảnh không còn như xưa nữa..."

Bài và ảnh: Duy Khánh,
Chia sẻ

Nguyễn Thành Luân của thập niên 80 nay đã thay đổi rất nhiều, không chỉ ở dung mạo, tướng tá mà ngay cả niềm đam mê với điện ảnh cũng không còn được căng tròn như trước.

Trong khi các hãng phim tư nhân đang đổ nhân lực làm phim truyền hình thì anh lại ung dung ở nhà chơi chim, tỉa tót cây kiểng. Anh xa hẳn sự tất bật vốn có của chốn phim trường.

Nguyễn Thành Luân của một thời vang bóng
 
- Thời gian qua không thấy hãng phim của anh có sản phẩm mới?

- Phim ảnh dạo này tệ quá, nên tôi cũng không muốn nó tệ hơn. Phim Việt nhiều hơn nhưng thường thấy phim được làm với phong cách ẩu. Mà làm như thế thì tôi làm không được.

- Mảnh đất phim truyền hình cũng khá mầu mỡ, chắc anh quá khắt khe?

- Đúng là nhu cầu mua phim truyền hình để phát sóng rất cao, chúng tôi cũng nhận được những lời mời để sản xuất phim truyền hình. Song ngân sách dành cho phim lại không được cao lắm. Nếu làm với giá sàn hiện tại thì không thể nào có phim hay. Chúng tôi sẽ mang đến những sản phẩm kém chất lượng. Ai đành lòng làm vậy. Nhưng nếu đổ tiền vào đầu tư thì lại không thu được lợi nhuận.

Giờ Chánh Tín giành nhiều thời gian cho việc chăm bón bonsai và nuôi chim kiểng

- Vậy nguyên chính là nằm ở tài chính cho một  tập phim?

- Từ cái đó nó kéo theo nhiều cái và khiến cho tất cả các yếu tố để xây dựng 1 phim hay đều méo mó. Rồi về định mức thời gian. Ba ngày xong một tập thì sao mà làm. Làm kiểu “ trong nhà ngoài phố” thì làm được.

- Nhưng các hãng khác vẫn sản xuất và phim vẫn lên sóng đều đều đấy thôi?

- Vẫn làm được, làm ẩu thì vẫn làm được. Nhưng khán giả thích được bao nhiêu phim. Người chịu thiệt là khán giả, đành phải coi phim dở, coi xong ấm ức nhưng vẫn coi, vì hiện tại thì chưa có phim hay. Đó mới chỉ là phim truyền hình thôi còn phim điện ảnh lại là một câu chuyện khác.

Làm phim nhựa thì chỉ nhắm vô mùa tết, nhưng số lượng rạp đạt tiêu chuẩn thì khoảng 50 đến 60 rạp. Mà chỉ ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn thì công chúng mới thường xuyên đến rạp. Một miếng bánh nhỏ mà chia cho bao nhiêu người, mọi phức tạp lại bắt đầu từ đây. Làm phim nhựa thì chỉ từ lỗ đến huề vốn. Mà thường thì thấy lỗ, nhiều khi cũng ham lắm những đành buông xuôi.

 - Anh có nghĩ là cái khó nó ló cái khôn không? Một hướng nào khác để dung hòa được nghệ thuật – lợi nhuận?

- Hiện tại, tôi như gấu ngủ đông, tạm ngưng tất cả các dự án. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm phim nhưng không phải là lúc này. Đợi tình hình có những tín hiệu mới thì lúc ấy mới làm. Với lại mình là nghệ sĩ mà, làm gì cũng phải có hứng, khi mất hứng thì khó làm lắm. Nhiều khi gác tay lên trán, thấy buồn nhiều, niềm đam mê với điện ảnh cũng không còn như xưa nữa.

Tình yêu với điện ảnh không còn tràn đầy như xưa nữa

- Ngủ đông mà ngủ li bì thì anh không sợ những cơ hội tốt sẽ qua và miếng bánh ngon lại về tay những hãng phim khác sao?

- Là một trong những hãng phim tư nhân đầu tiên, chúng tôi cũng có những sản phẩm đã được công chúng đón nhận và được cả những giải thưởng cao quý như cánh diều vàng. Về phim hành động  thì chúng tôi là người tiên phong với “ Dòng máu anh hùng”, rồi tiếp đến là phim kinh dị, tuyển tập phim ma ngắn… Nhưng hiện tại là nhất quyết sẽ “ngủ đông”. Các anh em khác có cơ hội thì mừng cho họ thôi. Thực tại giờ tôi cũng hơi nản. Thay vì thời gian và tiền của đầu tư cho điện ảnh, tôi kinh doanh nhà đất, trồng trọt và xây dựng trang trại ở Đà Lạt, Blao. Như thế tiền dễ đẻ ra tiền hơn. Chứ là phim thì toàn lỗ. Nói thế thôi chứ gom được bao nhiêu tiền lại đem đi làm phim.(Cười)

- Kinh doanh nhà đất và trồng trọt là cái hứng mới để chờ niềm hứng khởi ở tình yêu điện ảnh trở lại đúng không anh?

- Về đất đai và trồng trọt thì tôi có các bạn bè anh em giúp đỡ và hỗ trợ, họ am hiểu rộng hơn. Làm cái này thì lại không cần hứng nhiều. Hiện tại thì tôi hứng thú với thú chơi chim và chăm sóc bonsai. Nó giúp cho cuộc sống vui vẻ hơn và bớt buồn nhiểu về chuyện phim ảnh.

- Anh chơi chim kiểng lâu chưa?

- 20 năm nay rồi. Lúc đầu bà xã khó chịu lắm. Vì tụi nó đứa nào cũng hót, hót suốt ngày. Nhưng nghe riết thấy thích, rồi cũng cùng tôi chăm sóc.

- Trong bộ chim kiểng của anh con nào hót ghê nhất?

- Con nào cũng ghê hết á! Ghê nhất là con Nhồng này nè, nó không hót mà nói, câu “bất hủ” của nó là “ nhậu say chưa”?
Con Nhồng với câu nói bất hủ " Nhậu say chưa?"
 
- Vậy là ông chủ của nó nhậu dữ lắm?
 
- (Cười) nhậu nhẹt gì đâu, tập cho nó nói cho nó vui nhà vui cửa đó mà. Có tụi nó thấy không khí cũng “rộn ràng”.
 
Tiếng cười của anh hòa lẫn trong tiếng chim chóc đang chí chóe trong lồng. Nhàn nhã với thú vui riêng nhưng nhìn sâu trong ánh mắt có thể thấy được sự trăn trở của một con người yêu nghề nhưng lại quyết định buông xuôi. Anh tâm sự, điện ảnh Việt Nam nếu nói đúng nghĩa là phát triển thì còn lâu lắm, không biết là mình còn đủ sức để chờ đến ngày đó không. Nhưng chắc chắn trong tương lai gần, những sản phẩm điện ảnh của Chánh Tín sẽ ra rạp. Những sản phẩm đạt chuẩn của nghệ thuật  và đạt chuẩn về cả định mức doanh thu.
Cây điệp vàng bonsai  được Chánh Tín cưng nhất trong vườn cây nhà mình







Chia sẻ