Chàng trai mù không bằng cấp kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng
Anh là Nguyễn Tuấn (SN 1976) ở thành phố biển Nha Trang, một người mù, một ông chủ của hai cơ sở mát-xa có tiếng được nhiều khách ghé thăm.
Cuộc đời cho anh sự sống nhưng không cho anh đôi mắt để nhìn đời. Bất hạnh hơn khi nó cướp đi hai đấng sinh thành lúc anh còn rất nhỏ. Những tưởng bóng tối ấy sẽ vùi lấp đời anh vào nỗi tuyệt vọng. Nhưng anh đã tự thắp lên ánh sáng cho mình bằng chính niềm tin vào cuộc sống.
Khao khát làm giàu
Lúc chào đời cũng là lúc anh mãi mãi không bao giờ nhìn thấy cuộc đời. Bất hạnh không dừng lại ở đó, anh cũng không được sống cùng cha mẹ mình bởi họ đã ra đi vĩnh viễn, chẳng có anh em, anh Tuấn sống trong sự yêu thương và chăm lo của ngoại. Khi Tuấn 14 tuổi, ngoại anh cũng ra đi, để lại anh trơ trọi giữa dòng đời. Anh được giới thiệu vào trung tâm của hội người mù ở Nha Trang. Ở đây, anh được học chữ, học toán.
Anh làm tất cả những gì mà một người mù có thể làm như bán vé số, bán tăm, bán chổi… Không chỉ ở Nha Trang, anh thuê xe đi xuống tận An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp... để bán những sản phẩm của hội người mù làm ra. 18 tuổi anh đã suy nghĩ đến vấn đề kinh doanh.
Năm 2001, anh được hội người mù cho đi học kỹ thuật mát-xa ở Hà Nội để tạo điều kiện cho người mù có nghề nghiệp ổn định. Lúc đó, được đi Hà Nội với anh chỉ là một niềm vui chứ anh chưa nghĩ đến đó sẽ là cái nghề nuôi sống mình. Sau khi học mát-xa được mấy tháng, anh được hội cho đi tập huấn ở TP. HCM.
Anh phải mua vé và xếp hàng dài để đợi đến lượt mình. Lúc đó anh mới ý thức được tầm quan trọng của dịch vụ mát-xa. Khi về lại Nha Trang, anh mạnh dạn đề nghị hội người mù mở dịch vụ này để kinh doanh. Anh gặp phải nhiều sự phản đối. Khó khăn hơn khi điều kiện cơ sở vật chất lúc này quá thiếu thốn. Anh vẫn kiên định làm theo kế hoạch của mình. Và cuối cùng anh đã thuyết phục được hội đồng ý để anh mở dịch vụ này. Đó là một bước ngoặt quan trọng của anh.
Không dừng lại ở đó, anh quyết định tự mình kinh doanh để thử sức. Tại thời điểm này, mát-xa là một dịch vụ rất được ưa chuộng. Lợi dụng thế mạnh đó, anh quyết định thuê nhà để làm cơ sở cung cấp dịch này cho khách. Năm 2005, anh chính thức trở thành ông chủ nhỏ của một cơ sở mát-xa ở Nha Trang. Lúc đó cả cơ sở của anh chỉ có 4 nhân viên, họ đều là người mù. Tuy vậy, họ đã tự làm lấy tất cả mọi việc. Tự mình dọn dẹp nhà cửa, giặt khăn, liên hệ khách hàng…
Bước đầu bắt tay vào kinh doanh, anh gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhưng với tài ăn nói rất được lòng người, thêm vào đó là khả năng sử dụng thế mạnh tuyên truyền một cách rất hiệu quả, anh đã đưa hình ảnh cơ sở dịch vụ mát-xa của mình đến với nhiều khách hàng. Anh và nhân viên đi khắp nơi để phát tờ rơi. Anh còn in tờ rơi giới thiệu dịch vụ của mình gửi cho mấy tiệm bán bánh mì để họ gói bánh cho khách. Đó là một chiêu của riêng Nguyễn Tuấn.
Kể lại những kỷ niệm ngày đầu anh cười: “Lần đó, tui đi phát tờ rơi để giới thiệu dịch vụ của mình. Rõ ràng là có người nhưng tui đưa tờ rơi hoài mà họ không chịu nhận. Họ cũng chẳng nói năng gì hết. Năn nỉ hoài không được nên tui liều mình xông đến rồi chạm phải một pho tượng. Hóa ra đó chỉ là mấy cô ma-nơ-canh, hóa ra tui đứng nói chuyện với tượng cả buổi trời mà không biết”.
Khi dịch vụ của anh dần đông khách, anh lại phải đối phó với những “vị khách không mời”. Biết đây là nơi làm việc của những người mù, những vị khách này đến để hành nghề “trộm cắp”. Anh đã nhiều lần bắt được trộm vì sự nhạy bén và tài suy đoán của mình. “Mấy tên trộm cứ tưởng tui sáng mắt, chúng sợ chết khiếp”, anh cười hả hê. Thành phố Nha Trang phần đông là khách du lịch nước ngoài. Dịch vụ của anh cũng được nhiều người nước ngoài ưa chuộng. Anh lại gặp khó khăn vì sự bất đồng ngôn ngữ. Nhưng lâu dần thành quen, anh đã học được tiếng và bây giờ đã có thể hiểu hầu hết những gì khách yêu cầu.
Ánh sáng trong đôi mắt tối
Hiện anh Tuấn đã có hai cơ sở mát-xa ở Nha Trang. Nhờ dịch vụ này, từ một người tật nguyền, tay trắng, anh đã có thể mua được nhà và mở thêm cơ sở để kinh doanh. Nhân viên của anh có 30 người, trong đó có 21 người mù. Mỗi cơ sở, mỗi tháng có thể đón từ 3.000 - 3.200 khách, mỗi tháng anh có thể kiếm đựợc hàng trăm triệu đồng. Ngồi nói chuyện với chúng tôi mà điện thoại của anh cứ reo liên tục. “Khách hàng gọi điện đặt giờ trước đấy”, anh phân bua.
Không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, anh Tuấn còn có tiếng là một ông mai “mát tay”. Anh đã mai mối thành công cho 4 cặp vợ chồng, họ đều là nhân viên của cơ sở này. “Tui vui vì họ có cuộc sống như mọi người khác, có vợ có chồng, ít ra họ cũng không cô độc một mình trong bóng tối”. Anh Tuấn xúc động nói. Riêng phần mình, anh luôn thấy may mắn và hạnh phúc khi cưới được người vợ ngoan hiền, biết chăm lo cho chồng con và rất mực yêu thương anh. Chị đã bù đắp cho anh những mất mát trong cuộc sống.
Vợ anh Tuấn cũng là thành viên của hội người mù. Anh chị gặp nhau, yêu nhau rồi quyết định đi đến hôn nhân. Quyết định đó của hai người bị gia đình vợ phản đối vì: “Một đứa mù đã khổ, bây giờ hai đứa mù cưới nhau về lại càng khổ thêm”. Cuối cùng anh đã chứng mình cho gia đình vợ biết rằng mình sẽ không để vợ khổ. Đúng như anh nói, anh và chị sống với nhau rất hạnh phúc.
Vợ anh, chị Phạm Thị Thập (SN 1981) cũng đã khẳng định: “Tôi đã tìm thấy “bến trong” cho đời mình. Anh Tuấn là người rất yêu thương vợ con. Anh luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một người trụ cột trong gia đình. Lúc đầu, trong gia đình tôi có người phản đối chúng tôi lấy nhau nhưng bây giờ họ lại quý anh giống như con ruột vậy. Nhà có giỗ quãy hay tiệc tùng gì là gọi anh về ngay. Chúng tôi sống nương tựa lẫn nhau, quý trọng tình cảm của nhau, cuộc sống rất hạnh phúc”.
Hiện tại, vợ chồng anh đã có một bé gái 5 tuổi, rất đáng yêu và nhanh nhẹn. Điểm thu hút đặc biệt ở bé Phúc An là đôi mắt đen láy, sáng ngời. Phải chăng đó là sự bù đắp mà tạo hóa dành cho anh chị.
Người mù làm cha mẹ cũng không giống như người bình thường khác. Lúc bé mới sinh, vì cả anh chị đều không thể chăm con nên phải nhờ người trông giúp. Lúc con khóc, chị không có ở nhà, anh không thể pha sữa cho con, chỉ biết lấy nước lọc cho con uống để con đỡ khát mà không khóc nữa. Nói đến đó, anh chảy nước mắt. Anh kể lại lần đầu tiên dẫn con đến trường, bạn bè của nó chạy lại reo ầm lên: “A, ông mù! Ra xem ông mù các bạn ơi!”. Anh không ngại mà vẫn tiếp tục dẫn con đến trường, anh muốn con mình quen với việc có ba mẹ đều là người mù để sau này con không mặc cảm. Sau này, mỗi lần thấy anh đưa đón con đến trường, các bạn của con đã chào anh một cách lễ phép: “Ba Phúc An đến kìa!”.
Trong công việc, anh cũng tự đặt ra những kỷ luật rất nghiêm. Anh nói: “Nếu không làm như vậy thì không thể đi vào nền nếp được, nhân viên sẽ ỷ lại mà không cố gắng làm việc”. Sau giờ làm, anh cùng họ như anh em một nhà, cùng ăn, cùng tắm, cùng nhau nói chuyện cười đùa, không hề có sự phân biệt người làm hay chủ.
Khi được hỏi, anh mong ước điều gì trong cuộc sống này, anh cười tiếc nuối: “Tui nghĩ mà thương ngoại quá, giá giờ này ngoại còn sống, bà sẽ vui lắm vì thấy tui thành đạt. Lúc từ giã cuộc đời, ngoại cũng không được thanh thản vì thương tui một mình cô độc, không có lấy một người thân. Ngoại còn lo hơn vì tui không thấy đường.
Khi biết mình gần đất xa trời, ngoại đã kêu tui học lấy một cái nghề để tự nuôi sống mình. Ngoại bảo tui học làm thầy bói hay học đàn để đàn dạo, người ta thương mà cho tiền sống qua ngày”. Anh còn ước mình có thể một lần được nhìn thấy con gái bằng mắt chứ không phải “nhìn” con bằng tay. Có lẽ ước muốn giản dị của anh sẽ không bao giờ thực hiện được. Tuy vậy, điều đó cũng không làm mất đi niềm tin cuộc sống.
Anh Tuấn tâm sự: “Tôi luôn quý trọng cuộc sống của mình và sống bằng tất cả nghị lực mình đang có. Cuộc đời không bất công với ai cả, tất cả những người khuyết tật không có lý do gì để tuyệt vọng với đời."