Chân dung vị tỷ phú tự thân tuổi Nhâm Dần vừa soán ngôi vương của Ambani trở thành người giàu nhất châu Á

An Nhiên,
Chia sẻ

Là gia tộc giàu có không thua kém gia tộc Ambani nhưng không giống như những ông trùm kinh doanh khác, Adani không được thừa kế tài sản từ cha mình. Thay vào đó, ông đã làm việc chăm chỉ để thay đổi số phận của mình. Nếu nhìn vào câu chuyện thành công của Gautam Adani sẽ thấy chính ý chí mạnh mẽ, sự nhạy bén trong kinh doanh và sự chăm chỉ đã giúp ông xây dựng những nấc thang thành công của mình.

Gautam Shantilal Adani (sinh năm 1962) là chủ tịch và nhà sáng lập của Adani Group, một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Ahmedabad.

Chân dung vị tỷ phú tự thân tuổi Nhâm Dần vừa soán ngôi vương của Ambani trở thành người giàu nhất châu Á - Ảnh 1.

Bỏ học đại học để khởi nghiệp: Từ 100 Rupee đến khối tài sản hơn 90 tỷ USD

Adani sinh ra ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ. Gia đình ông có 7 anh chị em với kinh tế không mấy khá giả. Khi còn nhỏ, Adani đã bộc lộ nhiều tố chất về kinh doanh. Ông theo học tại trường Đại học Gujarat chuyên ngành thương mại, nhưng đến năm thứ hai, Gautam đã quyết định từ bỏ việc học, rời quê nhà và đi tìm việc.

Adani đến Mumbai với vỏn vẹn 100 INR (khoảng 30.000 VNĐ) trong túi sau khi bỏ học đại học. Ông tình cờ nhận được một công việc ở công ty môi giới kim cương tại chợ trang sức Zaveri Bazaar của Mumbai. Adani không chỉ đơn giản làm việc ở đó; ông đã dành 2-3 năm tiếp theo để tìm hiểu những kiến thức sâu sắc trong lĩnh vực này. Nhờ những kiến thức và trải nghiệm trong công việc, Abani bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của mình, khởi nghiệp một công ty môi giới kim cương. Đến năm 20 tuổi, Adani đã tích lũy được khối tài sản hàng triệu USD.

Bước ngoặt tiếp theo của cuộc đời ông đó là khi anh trai ông, Mahasukh Adani, gọi ông trở lại Ahmedabad để làm việc tại nhà máy nhựa do Mahasukh sáng lập. Gautam gia nhập công ty và ngay sau đó ông nhập khẩu polyvinyl clorua hay còn gọi là PVC vào Ấn Độ. Đây là sự kiện đánh dấu sự hiện diện của ông trong lĩnh vực thương mại toàn cầu.

"Trở thành một doanh nhân là công việc mơ ước của tôi, vì đây là sự kiểm thử cho ý chí kiên trì của một người".

- Gautam Adani -

Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises, công ty hàng đầu của tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Năm 1994, Adani Enterprises đã được chính quyền bang Gujarat chấp thuận thành lập một bến cảng để xếp dỡ hàng hóa của chính công ty tại Cảng Mundra. Nhận thấy tiềm năng của dự án, Adani quyết định biến nó thành một thương cảng. Ông đã xây dựng "cầu nối" giữa đường sắt và đường bộ bằng cách đàm phán riêng với hơn 500 chủ đất trên khắp Ấn Độ để tạo ra cảng lớn nhất ở Ấn Độ. Năm 2009, Adani tiếp tục gia nhập lĩnh vực sản xuất điện.

Ngày nay, tập đoàn Adani kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất và truyền tải điện, dầu mỏ, bất động sản và than đá. Tập đoàn có 6 công ty niêm yết ở Ấn Độ, trong đó giá trị nhất là Adani Green Energy Ltd. Cổ phiếu công ty đã tăng 77% trong năm qua.

Bản thân Gautam Adani trở thành người giàu nhất châu Á với tài sản trị giá 90,1 tỷ USD, theo danh sách tỷ phú theo giờ gian thực của Forbes vào ngày 3/2. Theo bảng xếp hạng của Forbes, ông cũng là người giàu thứ 10 thế giới.

Tư duy và tầm nhìn của một doanh nhân kiệt xuất

Nhìn xa trông rộng và khả năng nắm bắt cơ hội là những phẩm chất để phân biệt một người thành công với số đông. Adani là bằng chứng sống cho điều đó. Dù không được đào tạo bài bản từ các trường kinh doanh hàng đầu, vị tỷ phú tuổi Nhâm Dần học kinh doanh bằng cách quan sát "các mánh khóe" trong thương mại, điều này đã dạy ông tầm quan trọng của cung và cầu. Abani là một nhà quan sát nhạy bén, hiểu được nhu cầu cao hơn có thể đến được từ đâu và tin tưởng vào việc nắm bắt cơ hội sớm.

Ông đã xác định các cơ hội khi nền kinh tế Ấn Độ mở cửa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Adani thành lập tập đoàn Adani vào năm 1988, tuy nhiên, năm 1991, tận dụng sự mở cửa của nền kinh tế, từ một tập đoàn chỉ kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và năng lượng, Adani Group đã mở rộng đa dạng hóa danh mục và trở thành tập đoàn đa quốc gia.

Ông hiểu tiềm năng của thương mại cảng biển đối với sự phát triển của một nền kinh tế và đã thành công trong việc thiết lập thế độc quyền đối với phân khúc này. Ngày nay, ông là chủ cảng lớn nhất ở Ấn Độ và tiếp tục xây dựng các cảng mới ở trong nước và nước ngoài. Adani đã xây dựng một đường băng dài 2 km ở cảng của mình, có khả năng phục vụ các loại máy bay lớn. Đây là cảng duy nhất ở Ấn Độ có đường băng. Ông có kế hoạch biến nó thành một tổ hợp cảng biển – sân bay đầy đủ chức năng để quản lý vận chuyển hàng hóa có giá trị cao, khối lượng thấp như kim cương và dược phẩm. Tháng 9 năm 2020, Adani Group đã mua lại 74% cổ phần tại Sân bay Quốc tế Mumbai, sân bay có lưu lượng hành khách nhiều thứ hai của Ấn Độ.

Bên cạnh kinh doanh cảng biển, Gautam còn đầu tư vào mảng phát điện, với việc sáng lập Adani Power Ltd (APL).Với việc sở hữu nhà máy điện có công suất hơn 4.000 MW, Adani Power trở thành nhà cung cấp nhiệt điện tư nhân lớn nhất đất nước này. Không dừng lại ở đó, Adani cũng hợp tác với Sun Edison xây dựng nhà máy sản xuất điện từ tấm pin mặt trời với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD tại Gujarat.

(Tổng hợp)

Chia sẻ