Chân dung toàn diện của hung thủ trong vụ án tiệm vàng Bắc Giang

Yên Sơn (tổng hợp),
Chia sẻ

Ăn mặc gọn gàng, sành điệu, khi bị bắt, đối tượng Luyện không hề chống cự. Hắn hỏi các chiến sĩ công an liệu mình có bị bắn (tử hình) hay không...

Lời khai đáng sợ
 
Vào chiều tối qua (31/8), thông tin về hung thủ của vụ án cướp của, giết người rùng rợn tại phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã bị bắt tại huyện Văn Lãng, Lạng Sơn đã phần nào giải tỏa những bức xúc của dư luận trong suốt 1 tuần qua.
 
Đối tượng sẽ được di lý về Bắc Giang để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, không đợi tới lúc về Bắc Giang, ban chuyên án đã gấp rút lấy lời khai của đối tượng. Khi đọc lời khai ban đầu của đối tượng này, độc giả không khỏi giật mình bởi sự "hồn nhiên chết người" khi đối tượng này ra tay trong vụ giết hại 3 con người.
 

Luyện đang viết lời khai ban đầu những việc mình gây ra.
Nguồn ảnh báo Tiền Phong.
 
Báo Tiền Phong đã trích một phần trong lời khai:“ …Tôi chạy xuống cầm con dao chém một nhát vào đầu ông chủ, không thấy gì tôi chạy xuống tầng 2 thấy đứa chị đang cầm điện thoại bàn không dây, tôi liền lao vào băm một nhát vào tay và đầu nhưng không biết có làm sao không bởi vì lúc đó trời tối quá, tôi không nhìn rõ. Tôi thấy đứa con gái cả của bà chủ tiệm vàng im lặng, tôi đi ra ngoài, nhưng ra đến cửa phòng thì đứa bé con út của bà chủ tiệm vàng khóc thì tôi bảo "ngủ đi cháu", nó nằm xuống im lặng 1 tí, nó lại khóc.
 
Tôi không biết làm gì nên lấy phớ cắt cổ em bé. Tôi nhìn thấy chiếc điện thoại di động tôi lấy luôn và tôi ra ngoài lại thấy ông chủ tiệm vàng động đậy và lăn ở giữa tầng 2 và 3 xuống chân cầu thang, tôi băm một nhát vào cổ bên trái ông chủ…”
 
Qua lời khai, đối tượng Luyện nói hắn thực hiện toàn bộ vụ án một mình. Tuy nhiên, cụ thể hắn đã thực hiện như thế nào, làm thế nào để lọt vào nhà của các nạn nhân, vô hiệu hóa camera và hệ thống báo động, đủ sức mạnh để ra tay nhẫn tâm với 3 con người vẫn là câu hỏi lớn.
 
Cơ quan điều tra sẽ thực hiện lấy lời khai chi tiết, đồng thời sẽ điều tra thêm để xem có ai là đồng phạm với đối tượng Luyện hay không, tránh để lọt người, lọt tội.
 
Mức phạt cao nhất chỉ có thể là 18 năm tù
 
Theo thông tin từ báo điện tử Dân Trí, khi đối mặt với tên “sát thủ”, các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng và trinh sát điều tra hỏi: “cháu có phải tên là Luyện không?”, Luyện trả lời: “đúng. Cháu tên là Luyện”. Lực lượng chức năng ngay lập tức bắt giữ Luyện, lúc này đối tượng lại tiếp tục “thắc mắc”: “liệu cháu có bị chết không?. Nếu có bị chết thì các chú bắn cháu ngay đi”.
 

Không chống cự khi bị bắt, Luyện nói nếu phải nhận tội chết thì xin được... bắn ngay!
Nguồn ảnh: báo Tiền Phong.
 
Những tình tiết trên chứng tỏ đối tượng đã có sự tìm hiểu qua về thông tin pháp luật nếu mình bị bắt. Được biết, theo hồ sơ lưu trữ tại UBND xã Thanh Lâm và từ học bạ tiểu học thì đối tượng Lê Văn Luyện sinh ngày 18/10/1993. Tức là tại thời điểm gây ra vụ án mạng tại tiệm vàng (vào rạng sáng ngày 24/8/2011), đối tượng này còn thiếu tới 56 ngày nữa mới đủ tuổi vị thành niên.
 
Trả lời trên báo Dân Trí, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh cho biết: xét về các quy định pháp luật hình sự, nếu khi gây án mà Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi thì không thể áp dụng hình phạt tử hình đối với bị can. Điều 74 Bộ luật hình sự quy định về phạt tù có thời hạn nêu rõ: Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn. 
 
Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
 
Kéo cả nhà phạm tội cùng
 
Theo thông tin mới nhất, người chú rể là Lê Thành Nghi đã bị bắt cùng với Lê Văn Luyện. Chính người chú này đã giúp Luyện vượt biên chạy trốn sang Trung Quốc, sau đó lại đưa đối tượng này quay về. Theo báo Tiền Phong viết, cơ quan chức năng đã khám xét khẩn cấp nhà của Lê Thành Nghi ở xóm Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn và phát hiện một bọc nilon đựng vàng được giấu trong nhà vệ sinh.
 

Vì những hành động nông nổi của mình, Luyện đã kéo 6 người nhà
 của mình vào vòng lao lý. Nguồn ảnh báo Thanh Niên.
 
Đối tượng Hoàng Văn Trai ở bản Nà Tồng, người đã đưa Luyện sang Trung Quốc cũng đã bị cơ quan điều tra triệu tập để điều tra làm rõ hành vi giúp tội phạm bỏ trốn.
 
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, đã có 6 người nhà của Luyện (bao gồm bố, mẹ, anh họ, bác họ, chú rể và cả cô ruột) liên quan tới vụ án với các tội danh như "che giấu tội phạm", "không tố giác tội phạm". Họ cũng sẽ phải chịu những khung hình phạt thích đáng về hành vi cố ý phạm pháp của mình.
 
Phân tích góc độ tâm lý của vụ án:
 
Theo PGS, TS. Trịnh Hòa Bình lý giải: “Trong trường hợp này có lẽ đang có nhiều quan điểm, giữa hiền lành trong cuộc sống đời thường với con người đặt trong một tình huống cụ thể.

Thứ nhất: Trong tích tắc một người có thể vượt qua giới hạn giữa sự hiền lành và trở thhành kẻ khác, sẵn sàng làm những điều thay đổi toàn bộ cuộc đời khi ở bên kia giới hạn.

Thứ hai: cái hiền lành được nhiều người dân địa phương nhận xét về Luyện, rất có thể phiến diện vì trong sinh hoạt hàng ngày người ta chưa nhìn thấy y “tắm” vào trong một mối quan hệ cụ thể nào đó".

Lý giải việc hung thủ không ra tay hạ sát cháu Bích đến cùng, ông Bình nói: “Điều này có thể do hung thủ bị sức ép về mặt thời gian hoặc không có bản lĩnh cao đến mức quyết tâm diệt cỏ tận gốc hoặc vì một tiếng động nào đấy mà hung thủ bỏ cuộc truy sát cháu Bích".

Ông Bình cho biết thêm: "Có thể khi hạ sát, các hung thủ rơi vào trạng thái tâm lý "đâm lao phải theo lao" sợ bị phát hiện nên đã nhẫn tâm ra tay sát hại cả gia đình như vậy.

Không chỉ vậy, tôi được biết, anh Trịnh Thành Ngọc đã đi xuất khẩu lao động 10 năm ở Đức về và có một khoản tiền khá lớn. Như vậy, ngoài lòng tham có thể có thêm tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn”, ghen ghét khi thấy gia đình nạn nhân có nhiều tiền mà ra tay sát hại cả gia đình".

Ngoài ra, xét về phương diện xã hội, ông Bình phân tích: "Bố mẹ Luyện làm nghề mổ lợn, với đặc thù của nghề này, Luyện đã quen với cảnh máu me và có thể chịu đựng tiếng kêu thảm thiết của con vật khi bị giết thịt.

Cho nên khi người dân khen Luyện hiền lành là có thể có ý muốn so sánh với những người trong gia đình làm nghề đó thôi. Chúng ta cứ bình tĩnh mà suy xét".

Ông Bình kết luận: “Tôi chỉ muốn cung cấp một cách tiếp cận: chỗ nước lặng không phải là chỗ nước không sâu. Con người ta đứng trước một mối lợi rất lớn và nghĩ là an toàn khi chiếm mối lợi ấy thì máu tham nổi lên. Nhất là nghi phạm lại sinh ra trong một gia đình làm nghề mổ lợn quen buôn bán và quen với máu me rồi.

Tất cả gồm: bối cảnh, tình huống, lòng tham, nghề nghệp cùng với sự ganh ghét và cảm nhận thấy sự an toàn khi ra tay cũng có thể làm cho người ta ra tay".

"Tôi cho là chúng ta chưa có đầy đủ thông tin. Khi có đầy đủ thông tin chúng ta sẽ có thể hiểu hơn việc tại sao một người trông hiền lành lại có thể ra tay với đồng loại của mình một cách dã man đến như vậy". Ông Bình khẳng định.
 
Theo Tuệ Minh (báo Giáo dục Việt Nam)
Chia sẻ