Công tước "hấp dẫn nhất nước Anh": Nắm giữ khối tài sản "khủng", giàu hơn cả Vua Charles
Hugh Grosvenor, công tước 32 tuổi của xứ Westminster, nằm trong danh sách người giàu nhất nước Anh và là một trong số những người trẻ giàu nhất thế giới.
Tờ The Guardian ngày 25/4 đưa tin vị công tước sở hữu diện mạo "hấp dẫn nhất nước Anh" Hugh Grosvenor đã chính thức tuyên bố đính hôn với bạn gái Olivia Henson, tại nhà riêng của gia đình anh ở Eaton Hall, hạt Cheshire (Anh quốc). Đây là thông tin thu hút sự chú ý của công chúng bởi mức độ nổi tiếng và ngoại hình điển trai, cùng khối tài sản "khủng" của người đàn ông này.
Hugh Grosvenor được truyền thông Anh ca ngợi là nhân vật độc thân hấp dẫn nhất Hoàng gia Anh.
Bài viết đưa thông tin: "Công tước xứ Westminster Hugh Grosvenor, bạn thân của Hoàng tử William và là cha đỡ đầu của Hoàng tử George, đã chính thức chấm dứt quãng đời độc thân sau khi tuyên bố đính hôn với bạn gái Olivia Henson, người làm việc cho công ty thực phẩm đạo đức Belazu có trụ sở tại London".
Đời tư kín tiếng
Khác với cha mình, người theo học tại trường Harrow và Học viện quân sự hoàng gia Sandhurst, Hugh học Cao đẳng Ellesmere và Đại học Newcastle chuyên ngành Quản lý Nông thôn.
Công tước trẻ từng làm việc cho một công ty về công nghệ xanh 5 năm trước khi tiếp quản đế chế kinh doanh của gia tộc.
Hugh cũng được đánh giá có tính cách trái ngược với người cha thích xe hơi, tiệc tùng của mình. Công tước 29 tuổi sống kín tiếng và quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường và năng lượng xanh.
Từ trước đến nay, gia đình Grosvenor luôn cố gắng giữ cho Hugh tránh xa ống kính truyền thông. Vì vậy, không có nhiều thông tin về công tước trẻ tuổi này.
Thừa kế tước vị và khối tài sản "khủng" từ cha
Hugh là con trai duy nhất của ông Gerald Grosvenor, công tước thứ 6 của Westminster, và nữ Công tước Natalia Grosvenor. Sau khi Công tước Gerald qua đời ở tuổi 64 vào tháng 8/2016 do một cơn đau tim, Hugh chính thức thừa kế chức tước của cha và trở thành Công tước thứ 7 của Westminster.
Ngoài tước vị, anh còn được thừa hưởng khối tài sản khổng lồ lên tới 12,3 tỷ USD và quyền điều hành Grosvenor Group, một trong những công ty bất động sản cao cấp hàng đầu ở London.
Với số tài sản này, Hugh thực sự giàu hơn cả Nữ hoàng Elizabeth II khi bà còn sống và giàu hơn cả Vua Charles ở thời điểm hiện tại. Theo Danh sách Người giàu của Sunday Times (Anh), Vua Charles được cho là tích lũy được khối tài sản ròng cá nhân khoảng 600 triệu bảng Anh (745 triệu USD).
Theo Bloomberg, khối tài sản khổng lồ này được gia tộc Grosvenor tích lũy gần 1.000 năm.
Còn tờ The Guardian thì cho biết tài sản của gia tộc có từ thời Norman, khi thợ săn của nhà vua hay còn gọi là “gros veneur” Hugh Lupus được cấp những vùng đất rộng lớn ở Cheshire. Tuy nhiên, phần lớn tài sản thực sự là kết quả của một cuộc hôn nhân vô cùng tình cờ vào năm 1677 khi Ngài Thomas Grosvenor kết hôn với cô gái trẻ Mary Davies (khi đó mới 12 tuổi), người thừa kế của một gia đình giàu có ở thành phố London.
Của hồi môn dành cho Mary bao gồm 500 mẫu đất đầm lầy và đồng cỏ ở phía Tây của London. Khi thành phố mở rộng, vùng đất đó trở nên cực kỳ có giá trị và gia đình Grosvenor đã phát triển nó thành một trong những khu dân cư giàu có hiện nay bao gồm Mayfair, Pimlico và Belgravia. Trong đó, Mayfair là nơi ở của nhiều nhà ngoại giao, nghệ sĩ, giới thượng lưu và xuất hiện trong nhiều bộ phim. Từng là nơi đặt Đại sứ quán Mỹ và Cao ủy Canada.
“Theo thời gian, tài sản thừa kế của Mary Davies ngày càng tăng và gia đình Grosvenor trở thành những địa chủ thành thị giàu có nhất đất nước, danh tiếng của họ được tô điểm thêm bởi những thăng tiến liên tiếp trong giai cấp quý tộc.
Lách luật để giữ nguyên tài sản?
Luật nước Anh quy định rằng hầu hết các gia đình phải nộp 40% thuế đối với tài sản trên £325.000 - hoặc trên £450.000 nếu được trao cho con hoặc cháu. Nếu luật này được áp dụng cho toàn bộ tài sản của cố công tước, khoản thuế phải nộp sẽ vào khoảng 3,4 tỷ bảng Anh.
Hồ sơ chứng thực di chúc cho thấy Gerald Cavendish Grosvenor, qua đời ở tuổi 64 vào tháng 8/2016, để lại tài sản cá nhân trị giá 616.418.184 bảng Anh sau khi thanh toán các khoản nợ và trách nhiệm pháp lý. Phần tài sản còn lại của ông đã được chuyển sang một quỹ ủy thác bất động sản, phần lớn được chuyển cho Hugh mà không phải chịu thuế thừa kế.
Thay vì trả 40% thuế thừa kế, quỹ ủy thác của Grosvenor cho phép gia đình trả khoản thanh toán 6% định kỳ trên giá trị tài sản của họ cứ sau 10 năm và có các khoản giảm thuế thừa kế lên tới 100% đối với đất nông nghiệp và các tòa nhà.
Mark Preston, ủy viên điều hành và giám đốc điều hành của Grosvenor Group, cho biết: “Tôi cảm thấy rất rõ ràng về nghĩa vụ đạo đức của tất cả các cá nhân và doanh nghiệp phải trả phần thuế công bằng của họ và tuân thủ quy định của pháp luật. Công tước xứ Westminster và gia đình Grosvenor cũng vậy”.
Mặc dù Hugh Grosvenor có 2 chị gái: Tamara van Cutsem và Edwina Grosvenor, song anh được thừa kế tước vị và phần lớn tài sản thông qua quy tắc con trưởng, đặt con trai lên trước chị em gái bất kể tuổi tác.
Luật con trưởng của chế độ quân chủ Anh đã bị bãi bỏ vào năm 2013 trước khi con đầu lòng của Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge, Vương tử George, chào đời.
Ngoài Tập đoàn Grosvenor, Hugh còn quản lý văn phòng đầu tư gia đình với hơn 450 nhân viên và quản lý các khu đất nông thôn ở Lancashire, Sutherland, miền nam Tây Ban Nha và trụ sở gia đình tại Eaton Hall gần Chester. Anh cũng là người nắm giữ bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình bao gồm các tác phẩm của Velásquez, Rembrandt và Freud.