Chân dung "Chị Bình - mẹ của các Đầu rắn”: Xây dựng đế chế buôn người suốt 2 thập kỷ, đến chết vẫn gây tranh cãi là hiện thân của quỷ hay nữ hiệp anh hùng

Diệp Lục,
Chia sẻ

Được gọi với cái tên đơn giản "chị Bình", người phụ nữ này là bà trùm đứng sau đế chế đưa người Trung Quốc nhập cư trái phép vào Mỹ diễn ra trong suốt 2 thập kỷ.

39 thi thể được phát hiện bên trong một thùng xe đông lạnh ở Anh nghi là những người nhập cư trái phép đã khiến công chúng quốc tế nhớ đến "Đầu rắn" - tên gọi của những băng nhóm ra đời tại Phúc Kiến, Trung Quốc, chuyên đưa người nhập cư trái phép vào Mỹ và nhiều nước phương Tây. 

Theo hồ sơ tòa án Hoa Kỳ, "Đầu rắn" đã tổ chức cho 200.000 người vào Mỹ bất hợp pháp từ đầu những năm 1980. Hệ thống của băng đảng này được cơ quan điều tra Hoa Kỳ đánh giá là cực kỳ phức tạp và tinh vi. Bà Trịnh Thúy Bình hay còn gọi là "chị Bình" được biết đến là mẹ của các "Đầu rắn", được mô tả ngay tại tòa New York năm 2005 là "hiện thân của quỷ". Người phụ nữ này đã điều hành nhóm buôn người lớn giúp hàng trăm nghìn công dân Trung Quốc đến Mỹ, với số tiền kiếm được lên đến 40 triệu USD, theo New York Times.

Bà Trịnh sinh năm 1949 tại Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, thuộc vùng duyên hải miền Nam Trung Quốc. Cha của bà là một thủy thủ tàu viễn dương, từng có thời gian làm việc ở Mỹ 13 năm trước khi bị bắt và trục xuất về Trung Quốc vào năm 1977. Sau đó, ông này bước chân vào lĩnh vực buôn người.

Vào năm 1969, bà Trịnh kết hôn với một người cùng làng rồi sau đó đến Hong Kong làm ăn và cuối cùng là định cư tại New York vào năm 1982. Tại khu phố người Hoa, vợ chồng bà Trịnh mở một cửa hàng chuyên bán các mặt hàng phục vụ những di dân Phúc Châu nhớ quê.

Chân dung “Mẹ của các Đầu rắn”: Xây dựng đế chế buôn người trong suốt 2 thập kỷ, đến khi chết vẫn gây tranh cãi có công hay có tội - Ảnh 1.

Chân dung "chị Bình".

Cũng chính từ đây, "chị Bình" bắt đầu hoạt động buôn người, dụ dỗ những người cùng làng ở Trung Quốc sang Mỹ. Mỗi lần vài người, sử dụng các giấy tờ tùy thân giả và di chuyển bằng các chuyến bay thương mại. Cứ như vậy, từng bước một, bà nhanh chóng xây dựng nên mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất từng hoạt động ở New York. Đường dây này đưa hàng trăm nghìn người Trung Quốc, phần lớn ở Phúc Kiến, đến Mỹ trong những năm 1980 và 1990.

Mạng lưới của bà cũng là một trong những đường dây buôn người sinh lời nhất. Bà lấy giá cao, lên đến 35.000 USD hoặc hơn, đối với mỗi người vượt biên. Đoạn đường nhập cư trái phép thường là một ma trận giữa các nước trung gian với các phương thức di chuyển khác nhau.

Người phụ nữ đã kiếm được một số tiền khổng lồ nhờ vào việc đưa "khách hàng" của mình, những người mơ về một tương lai tốt đẹp tại miền đất hứa, lên những chuyến tàu không an toàn cho hành trình vượt biên. Nhiều người phải đánh đổi cả sinh mạng của mình khi chết chìm ở những đại dương mênh mông.

Đối với những người đến đích an toàn nhưng không có tiền để trả, "chị Bình" cho người đến bắt cóc, đánh đập, hãm hiếp họ cho đến khi người thân của họ ở quê nhà cam kết trả nợ. Vào năm 1993, cái tên Trịnh Thúy Bình lại được nhắc đến trong vụ tàu hàng Golden Venture mắc cạn khiến 10 người di cư thiệt mạng. trở thành biểu tượng của giới buôn người, cũng như giúp lan truyền từ "Đầu rắn". Bà là người đã chi tiền cho chuyến đi này của con tàu.

Chân dung “Mẹ của các Đầu rắn”: Xây dựng đế chế buôn người trong suốt 2 thập kỷ, đến khi chết vẫn gây tranh cãi có công hay có tội - Ảnh 2.

Sau vụ việc, bà trùm rời Mỹ sang Hong Kong sinh sống. Nhưng cuối cùng vẫn bị bắt và dẫn độ về Mỹ vào năm 2000. Tại tòa án liên bang ở New York, các công tố viên chỉ ra việc một phi vụ do mạng lưới của bà tiến hành đã dẫn đến cái chết của 14 người sau khi tàu chở họ chìm ở ngoài khơi Guatemala vào năm 1998.

Bà cũng bị cáo buộc đã thuê các thành viên của Fuk Ching, nhóm tội phạm có tổ chức khét tiếng nhất khu người Hoa ở New York, để vận chuyển cũng như đe dọa các "khách hàng", đảm bảo họ trả tiền đúng hạn. Bà trùm này bị tuyên án 35 năm tù vào năm 2006. Khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố bà "là một trong những kẻ buôn người đầu tiên và nhức nhối nhất trong mọi thời đại".

Vào năm 2013, bà Trịnh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. 1 năm sau, sức khỏe của bà ngày càng yếu đi và khiến người đàn bà lẫy lừng một thời sụt cân nghiêm trọng. Cuối cùng, bà Trịnh chết trong một nhà tù ở Texas năm 2014 và được chôn cất tại nghĩa trang Kensico ở Valhalla.

Đối với nhà chức trách, bà Trịnh là tội phạm nhưng với một số người bà lại là một nữ hiệp. Khi tang lễ của bà diễn ra vào tháng 4/2014 tại khu người Hoa ở New York, rất đông di dân gốc Phúc Kiến đã đến viếng. Họ, gồm những người đã đến Mỹ theo sự sắp xếp của bà hoặc biết những người khác như vậy, đã dành cho người phụ nữ này một sự kính trọng. Có người gọi bà là "nữ hiệp độ lượng", người khác nói bà là "một người vĩ đại đã thay đổi đời sống của người dân nông thôn Phúc Châu".

Luật sư Lawrence Hochheiser, người biện hộ cho bà tại tòa, nói bà được nhiều di dân gốc Hoa ủng hộ vì "họ cảm thấy bà đã đưa họ ra khỏi cảnh nghèo túng và đè nén, cho họ một cơ hội để có cuộc sống tốt hơn".

Chân dung “Mẹ của các Đầu rắn”: Xây dựng đế chế buôn người trong suốt 2 thập kỷ, đến khi chết vẫn gây tranh cãi có công hay có tội - Ảnh 4.

Tàu Golden Venture mắc cạn ngoài bờ biển New York tháng 6/1993.

"Bà ấy chưa bao giờ hoàn toàn xấu như Bộ Tư pháp mô tả, cũng chưa bao giờ hoàn toàn tốt như những cư dân ở khu người Hoa ca ngợi", Patrick Radde Keefee, tác giả cuốn sách về "chị Bình" nhận xét.

Dù thế nào, băng "Đầu Rắn" của bà vẫn hoạt động mạnh mẽ sau khi bà qua đời trong tù, dù không rõ ai là người lãnh đạo thay bà hiện nay. Nhiều người Trung Quốc, nhất là ở các vùng quê nông thôn nghèo, vẫn bị hấp dẫn bởi lời hứa hẹn về mức lương cao hơn số tiền họ có thể kiếm ở quê nhà.

Theo thời gian, các nhóm "Đầu Rắn" cũng bắt đầu sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, bao gồm Momo - ứng dụng tương tự Tinder tại Trung Quốc, cũng như ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat, để tìm kiếm khách hàng với những lời quảng cáo hứa hẹn về một tương lai tươi sáng với công việc lương cao, không quá vất vả.

Những người với ước mơ về tương lai tốt đẹp chấp nhận đóng trước khoản đặt cọc 5.000 nhân dân tệ (700 USD) để được đưa lên những chiếc thuyền hay container, bắt đầu một hành trình dài đầy mạo hiểm, không rõ sống chết ra sao. Ví dụ để đến được Anh, họ sẽ phải bay từ Trung Quốc đến Serbia, sau đó đi đường bộ đến Hungary, Áo, Pháp, trước khi đi thuyền sang Anh từ Hà Lan hoặc Bỉ.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ